Xã hội
Kon Tum: Hỗ trợ việc làm bền vững góp phần giúp người dân thoát nghèo
11:28 AM 13/12/2024
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn hơn 6.500 hộ, chiếm tỷ lệ 4,31%. Có được kết quả trên là do các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh đã chung sức, đồng lòng, cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo về cả vật chất lẫn tinh thần, để họ có động lực vươn lên thoát nghèo bền vững
Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, trong những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp đã được thành lập, kiện toàn kịp thời, thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo, điều hành, điều phối, đảm bảo Chương trình được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Vì vậy, tiến độ về phân bổ, giao kế hoạch vốn hằng năm nguồn ngân sách Trung ương cho các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được đảm bảo. Cùng với đó, một số dự án đầu tư quan trọng đã và đang chuẩn bị đầu tư trên địa bàn các huyện nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững.
Công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum ngày càng chuyển biến rõ rệt
“Việc triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo tại các địa phương đã tạo điều kiện, cơ hội cho người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Tỷ lệ giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra; tỷ lệ giảm nghèo tại các huyện nghèo đạt và vượt kế hoạch được giao”, ông Nguyễn Trung Thuận cho biết.
Song song với công tác giảm nghèo, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động ở khu vực nông thôn, khu vực dân tộc thiểu số và miền núi cũng được tỉnh Kon Tum chú trọng. Trong năm 2024, tỉnh đã đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp cho gần 7.600 người; mở lớp đào tạo nghề cho gần 3.300 học viên. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, tổng số lao động được giải quyết việc làm là 6.330 người.
Thông qua công tác đào tạo, giải quyết việc làm, tỉnh Kon Tum đã cung ứng 665 lao động đi làm việc tại các Công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; cho vay giải quyết việc làm mới cho người lao động thông qua nguồn vốn cho vay đã giải ngân hơn 173 tỷ đồng, giải quyết việc làm mới cho 2.876 người; lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 213 lao động; tạo việc làm cho người lao động thông qua các chương trình khác tại các địa phương cho 2.576 người.
Thực hiện Tiểu dự án 3 thuộc Dự án 4 về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương tình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, năm 2024, Trung tâm DVVL tỉnh Kon Tum đã tổ chức trên 200 hội nghị phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, xã, phường, thị trấn cho hơn 17.300 lượt người, tăng hơn 7.300 lượt người so với năm 2023. Dự kiến đến hết năm 2024, tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 2.200 lượt lao động.  Ước đến cuối năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm giới thiệu được 730/670 lao động, đạt 108,9% kế hoạch. Qua theo dõi tình trạng việc làm của người lao động, thu nhập của lao động làm việc trong tỉnh đạt từ 4-7 triệu đồng/người/tháng, làm việc ở ngoài tỉnh thu nhập từ 7-12 triệu đồng/người/tháng. Người lao động làm việc tại các doanh nghiệp được tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Dự kiến đến hết năm 2024, số lao động được Trung tâm tư vấn là 370 lượt người, trong đó cỡ 250 lao động xuất cảnh làm việc tại nước ngoài.
Về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, trong 2 năm 2023-2024 (số liệu từ 01/01/2023- 30/10/2024), số người được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu việc làm 4.671 người. Số người nộp hồ sơ hưởng chế độ BHTN 4.362 người, trong đó 1.072 người lao động làm việc từ địa phương khác chuyên về tỉnh, có 1.397 DTTS. Số người có quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 4.114 người. Trong đó, có 1.098 lao động làm việc ở các địa phương khác chuyển về; trên 1.00 lượt người là lao động vùng DTTS.
Thời gian tới, tỉnh Kon Tum sẽ tập trung nguồn lực từ ba Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo để thoát nghèo bền vững; đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo.
Thục Quyên
 
Từ khóa: