Lao động
Lâm Đồng chú trọng giải quyết việc làm cho lực lượng thanh niên
02:14 PM 10/12/2023
(LĐXH)-Lực lượng lao động là thanh niên luôn giữ vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, Lâm Đồng luôn chú trọng thực hiện các chính sách về giải quyết việc làm, tạo việc làm cho thanh niên.
Lâm Đồng là tỉnh thuộc Nam Tây Nguyên, có dân số năm 2022 khoảng 1,36 triệu người với 47 dân tộc anh em cùng sinh sống. Theo thống kê, đến 30/9/2023, tỉnh Lâm Đồng có khoảng 799.835 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động. Tỷ trọng lực lượng lao động ở khu vực nông thôn chiếm 62,21%, tương đương 497.558 người, cao hơn 1,64 lần so với khu vực thành thị với 302.277 người (chiếm 37,79%).
Thực hiện hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó có lao động là thanh niên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch số 38/KH-SLĐTBXH về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, tổng hợp thông tin về người lao động trên địa bàn tỉnh và triển khai một số nội dung thực hiện hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển thanh niên tỉnh Lâm Đồng năm 2023. Xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.  
Đại diện Công ty May Đà Lạt cho biết, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động, trong đó có thanh niên 
Trong năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng đã thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với Tỉnh đoàn, UBND các huyện, thành phố, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, các Trường THPT triển khai các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho người lao động nói chung, học sinh, sinh viên và thanh niên nói riêng. Sở đã chủ động phối hợp với Tỉnh đoàn, Sở Nội vụ,  các huyện, thành phố tổ chức tập huấn chính sách pháp luật về lao động – việc làm cho cán bộ thanh niên làm công tác lao động việc làm – dạy nghề tại các tại các xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời Sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm trực tiếp, trực tuyến thông qua các ứng dụng gọi điện, đăng ký trên hệ thống website của Trung tâm, các Website “việc tìm người-người tìm việc”, “vieclamlamdong.vn”, mở ra các cuộc trao đổi, phỏng vấn cho học sinh, sinh viên, người lao động với doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Sở đã thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định, hỗ trợ học nghề đối với người lao động nói chung là lao động thanh niên nói riêng tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi người lao động, trong đó có lao động thanh niên bị mất việc làm do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, ngưng hoạt động, giải thể; Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động và tổ chức Phiên giao dịch việc làm nhằm kết nối cung cầu lao động, cung cấp thông tin thị trường lao động cho các cơ sở đào tạo, người lao động, người sử dụng lao động, đặc biệt là thanh niên tại các địa phương nắm bắt thông tin và tham gia phỏng vấn tìm kiếm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm việc làm sau tốt nghiệp. Các Phiên giao dịch việc làm đã được đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả, cải tiến về quy mô và cách thức tổ chức, bám sát xu hướng của thị trường lao động, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và thu hút sự quan tâm của người lao động, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Theo kết quả ước tính, năm 2023, Lâm Đồng tổ chức được 74 Phiên giao dịch việc làm, tổng số người lao động, bao gồm cả lao động là thanh niên đăng ký tìm việc làm là 16.985 lượt người.
Sở cũng phối hợp Trại giam Đại Bình và  Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai Kế hoạch phối hợp số 467/KHPH/TGĐB-SGDĐT-SLĐTBXH về việc tổ chức các lớp xóa mù chữ, hướng nghiệp dạy nghề và tạo việc làm cho phạm nhân giai đoạn 2021-2030; phối hợp với Hội Luật gia tỉnh Lâm Đồng tổ chức tuyên truyền pháp luật, tư vấn các chính sách về dạy nghề, cho vay vốn, tạo việc làm và mở các lớp dạy nghề cho phạm nhân tại Trại giam Đại Bình; Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm  phối hợp với  Cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức tư vấn các chính sách cho vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho những thanh niên và người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng động. Trong năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện tư vấn các chính sách cho vay vốn tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, đào tạo nghề cho 102 học viên là những thanh niên, những người chấp hành xong hình phạt tù, những người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng động cho; đào tạo nghề cho 180 học viên, thanh niên; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 14 học viên vay giải quyết việc làm với 1.355 triệu đồng. Theo thống kê, công tác giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 78,3%, tương ứng có 626.270 lao động qua đào tạo của lực lượng lao động, thanh niên đang làm việc trong các ngành kinh tế (ước tính năm 2023 là 799.835 người). Trong đó, lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ ước đạt 22,7% .
Hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là một hướng đi quan trọng nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người lao động nói chung và lao động là thanh niên nói riêng. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU ngày 02/02/2023 thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Bên cạnh việc thực hiện Chương trình EPS giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành và triển khai Kế hoạch tuyển chọn lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đi làm việc thời vụ tại thành phố Jeong-eup, tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc năm 2023. Sở Lao động – TBXH còn chủ động phối hợp với các địa phương và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định mới về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về các chương trình tuyển chọn lao động do Bộ Lao động - TBXH triển khai thực hiện và các đơn hàng của các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các thông tin về điều kiện hoạt động, các đơn hàng có thu nhập tốt, ổn định được Sở Lao động –TBXh Bắc Ninh thường xuyên cập nhập trên trang thông tin điện tử, qua đó giúp người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, nhanh chóng để chủ động tham gia các chương trình phù hợp với bản thân người lao động. Trong năm 2023, tỉnh Lâm Đồng đã có rất nhiều thanh niên đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, trong đó các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc. Tổng số lao động, thanh niên Lâm Đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm 2023 là  350 lao động.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, ước tính trong năm 2023, Lâm Đồng đã giải quyết việc làm cho khoảng 25.600  lượt lao động (trong đó tạo việc làm mới: 10.500 lao động; đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài: 350 lao động; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay khoảng 663.264 triệu đồng và giải quyết việc làm cho 10.001 người lao động, trong đó có lao động là thanh niên). Được biết, năm 2022, tổng số vốn ủy thác cho vay qua Đoàn Thanh niên toàn tỉnh là hơn 683 tỷ đồng, với gần 15 nghìn hộ vay. Trong đó, dự án thanh niên phát triển kinh tế được thụ hưởng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 83 tỷ đồng, với hơn 1.300 lao động là thanh niên.
Có thể nói, với việc vận dụng nhiều biện pháp thiết thực, hiệu quả như dạy nghề, hỗ trợ người lao động, thanh niên vốn để sản xuất, kinh doanh, tìm nguồn tuyển dụng lao động, xuất khẩu lao động, Lâm Đồng đã giải quyết và tạo được nhiều việc làm cho người lao động và thanh niên, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động, thanh niên, từng bước đảm bảo kinh tế - xã hội trên địa bàn ổn định và phát triển bền vững./.
Mỹ Anh