Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân thoát nghèo
(LĐXH)-Triển khai các văn bản của Trung ương về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Lạng Sơn. Các chính sách của Chương trình đã góp phần tích cực trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực; từng bước cải thiện đời sống nhân dân; nâng cao trình độ sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình, tăng thu nhập, ổn định đời sống, góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng cao biên giới, vùng đặc biệt khó khăn.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã tích cực, chủ động ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các chính sách về giảm nghèo theo quy định; hướng dẫn thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững bảo đảm có sự thống nhất. UBND các huyện, thành phố đã xây dựng và ban hành các văn bản tổ chức triển khai Chương trình, kịp thời phân bổ vốn thực hiện các dự án cho các xã sau khi có quyết định phân bổ vốn của UBND tỉnh và chỉ đạo các xã triển khai thực hiện theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên theo quy định.
Thực hiện Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng nguồn vốn năm 2022 – 2024 phân bổ cho tỉnh Lạng Sơn là 51,07 tỷ đồng. Đến tháng 6/2024 đã giải ngân vốn trung ương được 17,92/49,58 tỷ đồng, đạt 36,14%; giải ngân vốn địa phương được 378/1,18 tỷ đồng, đạt 25,42%. Ước đến hết ngày 31/12/2024, giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn.
Từ nguồn vốn Chương trình, tỉnh Lạng Sơn đang tập trung thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, hỗ trợ bò giống sinh sản
Trong giai đoạn 2021 - 2024, bằng nguồn vốn hỗ trợ, UBND các huyện đã thực hiện 171 dự án, gồm 05 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 165 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Trong đó có 34 dự án lĩnh vực trồng trọt, 97 dự án lĩnh vực chăn nuôi, 19 dự án lĩnh vực lâm nghiệp, 20 dự án hỗ trợ phân bón và 01 dự án tập huấn, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật, quản lý sản xuất; các huyện đã tổ chức 139 cuộc tập huấn với 3.260 người tham gia. Tổng số hộ dân được hỗ trợ là 4.321 hộ (gồm 1.531 hộ nghèo, 1.239 hộ cận nghèo, 378 hộ mới thoát nghèo 387 hộ, 01 người khuyết tật).
Trong đó, riêng năm 2024 dự kiến triển khai thực hiện 67 dự án (01 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, 66 dự án hỗ thrợ phát triển sản xuất cộng đồng). Hiện nay, huyện Đình Lập đã phê duyệt 02 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, hỗ trợ bò giống sinh sản; UBND các huyện còn lại đang triển khai thực hiện, UBND các xã đang hoàn thiện hồ sơ dự án, trình thẩm định phê duyệt và triển khai thực hiện theo quy định. Nội dung hỗ trợ chủ yếu là: Giống cây trồng, vật nuôi, phân bón. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo các xã phổ biến, tuyên truyền đến đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo... để đăng ký thực hiện dự án, lập danh sách các hộ tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh còn chậm, do các chủ đầu tư là UBND các xã còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình lựa chọn nội dung hỗ trợ, phương án hỗ trợ, đối ứng thực hiện dự án, rà soát các đối tượng tránh trùng lặp, ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện, dẫn đến các dự án chậm tiến độ.
Một số hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động nỗ lực trong phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Các đối tượng thụ hưởng của chương trình là hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo nên nguồn kinh phí đối ứng theo quy định khi tham gia dự án còn hạn hẹp; việc thực hiện quay vòng vốn hỗ trợ theo quy định và cam kết đảm bảo phần đối ứng thực hiện dự án của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo khó thực hiện.
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu tổng quát là thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tối đa tái nghèo và phát sinh nghèo; tạo điều kiện tốt nhất để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các nguồn lực và các dịch vụ xã hội cơ bản để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện hơn nữa trong công tác giảm nghèo để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo tại Nghị quyết số 47-NQ/TU ngày 09/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu cụ thể là hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; gắn với quy hoạch sản xuất, các đề án chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất, thoát nghèo bền vững. Tổ chức kịp thời kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Tiểu dự án 1: Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Dự án 3 theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Hiện nay, tỉnh đang tập trung thực hiện có hiệu quả các kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh năm 2025. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các Sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo. Chủ động xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện các tiểu dự án, dự án của chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Mở rộng và tạo điều kiện tăng cường sự tham gia của người dân đối với các hoạt động của Chương trình từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong suốt quá trình thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình giảm nghèo ở các cấp, phát huy quyền giám sát của người dân ở các vùng được hưởng lợi chương trình, dự án./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
Chương trỉnh
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46