Lạng Sơn là tỉnh miền núi, biên giới, có 11 đơn vị hành chính. Tỉnh có 200 xã, phường, thị trấn (31 xã khu vực I, 57 xã khu vực II, 112 xã khu vực III thuộc diện đầu tư Chương trình 135). Dân số toàn tỉnh trên 782 ngàn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 84%. Tổng số hộ DTTS là 158.997 hộ; trong đó số hộ nghèo DTTS là 20.137 hộ.
Kết quả thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020 với tổng kinh phí thực hiện là 828.739 triệu đồng; thực hiện đầu tư 1.698 công trình (trong đó xây dựng mới 839 công trình). Đã duy tu, bảo dưỡng 325 công trình với kinh phí thực hiện là 50.053 triệu đồng. Các công trình hạ tầng được xây mới, tu sửa đã tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa cũng như tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, nâng cao chất lượng cuộc sống của dân cư tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 đã hỗ trợ 303.047 triệu đồng với 258.683 hộ được hưởng lợi; chủ yếu hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo và cận nghèo, tập trung hỗ trợ vào giống vật nuôi, cây trồng, vật tư phục vụ sản xuất và xây dựng mô hình phát triển sản xuất. Dự án đào tạo, bồi dưỡng thuộc Chương trình 135 đã tổ chức được 537 lớp tập huấn cho 34.686 lượt cán bộ xã, thôn và cộng đồng để nâng cao năng lực quản lý và đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, nhận thức về công tác giảm nghèo của nhân dân, đặc biệt là người nghèo trong đồng bào DTTS được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 25,95% đầu năm 2015 xuống còn 10,89% cuối năm 2019 (tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 3,76%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra 3%/năm); giải quyết việc làm bình quân hằng năm cho hơn 14.500 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mỗi năm tăng từ 2 – 2,5%.
Huyện Văn Lãng trao bò Dự án mô hình giảm nghèo nghèo “ Hỗ trợ chăn nuôi bò” cho các hộ gia đình nghèo
Là xã vùng III của huyện Văn Lãng, những năm trước đây, đời sống Nhân dân ở Hoàng Việt gặp không ít khó khăn. Thực hiện Chương trình 135 cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo, phối hợp với các ngành chức năng trong huyện tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ các loại cây ăn quả, phân bón; tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định.
Điển hình như hộ anh Hoàng Văn Quang, thôn Pò Pheo. Trước đây, gia đình anh tham gia trồng rừng nhưng thu nhập không đáng kể. Năm 2016, được tham gia tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ 30 cây hồng Vành khuyên, anh Quang vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, trồng thử nghiệm thêm 70 cây. Sau 3 năm chăm sóc, cây hồng đã cho thu hoạch. Đến nay, gia đình phát triển diện tích hồng vành khuyên lên 2ha, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Không riêng gia đình anh Hoàng Văn Quang, từ 2016 đến nay, nhiều hộ nghèo ở xã Hoàng Việt được quan tâm, hỗ trợ giống cây con, được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi, tập huấn KHKT để phát triển sản xuất. Từ đó đã hình thành nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu. Năm 2019, xã Hoàng Việt có gần 80 hộ thoát nghèo.
Ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, chính quyền xã xác định: Giảm nghèo phải xuất phát từ chính nhu cầu của người dân nên đã định hướng, vận động bà con tập trung khai thác thế mạnh địa phương, chuyển đổi cơ cấu trồng cây, vật nuôi. Tập trung đầu tư trồng cây ăn quả, trồng rừng và chăn nuôi.
Được hỗ trợ giống cây ổi, thanh long và tham gia tập huấn cùng Hợp tác xã Nông nghiệp Cửu Long (tại thôn Đồng La), với sự cần cù, chịu khó học hỏi, từ vài chục gốc ổi, thanh long trồng thử nghiệm (năm 2017), chị Lý Thị Sáu, thôn Đồng La, xã Yên Bình đã phát triển vườn ổi lên 300 gốc và hơn 200 gốc thanh long. Từ năm 2018 đến nay, thu nhập từ vườn cây ăn quả của gia đình chị đạt 50 triệu đồng/năm. Năm 2019, gia đình chị Sáu đã thoát nghèo.
“Các mô hình sản xuất hiệu quả của người dân đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn, mang đến diện mạo mới cho xã Yên Bình. Với các mô hình cây con phù hợp, tỉ lệ hộ nghèo xã Yên Bình giảm mạnh từ 50% (năm 2016) xuống còn 16% (cuối năm 2019); trung bình mỗi năm, xã giảm trên 8% hộ nghèo” - ông Lăng Văn Uyển, Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình cho biết.
Mô hình giảm nghèo ở xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng hay ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng là hai trong số hằng trăm mô hình giảm nghèo đã và đang được triển khai có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ nguồn lực của Chương trình 135. Nhờ đó, đời sống KT-XH, bộ mặt nông thôn, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn đã có những chuyển biến đáng kể.
Mô hình trồng na năng suất cao ở thôn Làng Đồn, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Ông Vi Minh Tú, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, việc thực hiện Chương trình 135 được tỉnh Lạng Sơn triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, góp phần kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo trong vùng DTTS của tỉnh. Đồng bào các DTTS tỉnh Lạng Sơn đã khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Về công tác chuẩn bị triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ông Vi Minh Tú cho biết thêm: Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện tuyên truyền Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 lồng ghép với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác đào tạo, tập huấn thuộc Chương trình 135, công tác đối với Người có uy tín.
“Với Chương trình 135 và Chương trình Mục tiêu quốc gia, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ được tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực xóa đói giảm nghèo” - ông Tú chia sẻ./.
Minh Hưng