Lào Cai: Tổ chức đa dạng hình thức cai nghiện ma túy cho đối tượng
(LĐXH)- Những năm qua, với vai trò là đơn vị trực tiếp thực hiện giám sát công tác tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai của tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB&XH) tỉnh Lào Cai đã nỗ lực quyết tâm cao trong triển khai thực hiện các hình thức cai nghiện phù hợp cho người nghiện ma túy.
Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 3.616 người nghiện có hồ sơ quản lý, tỷ lệ người nghiện trên dân số 0,65%, 9/9 huyện, thành phố có người nghiện ma túy, 128/164 xã, phường, thị trấn có người nghiện ma túy. Tính đến hết quý I năm 2019 số lượng người nghiện ma túy giảm xuống còn 3616 người. Đây là con số không cao tuy nhiên trước một địa bàn phức tạp về tình hình tội phạm ma túy, sự gia tăng không ngừng về các loại ma túy độc hại mới, đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa, thì có thể coi là một tín hiệu đáng mừng của ngành LĐ – TB&XH Lào Cai.
Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi nhất cho người nghiện ma túy được tiếp cận, lựa chọn các hình thức cai nghiện ma túy phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình, Sở LĐ – TB&XH tỉnh Lào Cai với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực cai nghiện và quản lý người sau cai đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai nhiều hình thức cai nghiện trên địa bàn tỉnh: cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại nhà cai nghiện ma túy cộng đồng, cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện tập trung, và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone.
Các hình thức cai nghiện khác nhau giúp người nghiện có những lựa chọn phù hợp. Trong khi các cơ sở cai nghiện bắt buộc góp phần quan trọng trong ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thì việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng giúp giảm tải cho các cơ sở cai nghiện tập trung và hình thức cai nghiện ma túy bằng sử dụng thuốc thay thế methadone đem lại hiệu quả rõ về sức khỏe, kinh tế cho người bệnh, tạo thuận lợi cho người nghiện trong hòa nhập cộng đồng.
Đặc biệt, riêng đối với chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách và dành nhiều nguồn lực, quan tâm bố trí cơ sở vật chất, nhân sự cho cơ sở methadone xã hội hóa.
Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng phối hợp thường xuyên, nhịp nhàng trong việc thực hiện Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Có sự phối hợp tích cực giữa các ngành trong việc xây dựng chính sách, chương trình, kê hoạch, tuyên truyền tác hại của ma tuý, cơ chế gây nghiện, phòng ngừa ma túy và các kiến thức về điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, tuyên truyền vận động người nghiện và gia đình người nghiện tự nguyện đăng ký tham gia chương trình điều trị nghiện CDTP bằng thuốc Methadone, kết nối cung cấp các dịch vụ điều trị khác cho bệnh nhân, phối hợp trong việc đảm bảo an ninh trật tự tại Cơ sở.
Tỉnh cũng nhận được sự hỗ trợ về thuốc Methadone của cơ quan cứu trợ khẩn cấp phòng chống HIV/AIDS của Hoa Kỳ (PEPFAR) tài trợ thông qua Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, thường xuyên nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, sự giám sát, kiểm tra của Sở Y tế Lào Cai và tổ chức FHI360VN.
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, từ 01 cơ sở thí điểm năm 2013, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 16 cơ sở, điểm cấp phát thuốc methadone tại 6 huyện, thành phố, thường xuyên điều trị cho 1.500 người nghiện. Việc triển khai nhân rộng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS trong nhóm tiêm chích ma túy; giảm tải cho các Trung tâm cai nghiện; giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tình hình an ninh trật tự ổn định hơn.
Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2019, cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã tiếp nhận 66 bệnh nhân vào điều trị mới, tổ chức khám cho hơn 6.500 lượt bệnh nhân và duy trì cấp phát thuốc cho 389 bệnh nhân đang điều trị và không để xảy ra sai sót chuyên môn.
Cơ sở đã tổ chức nhiều buổi tư vấn nhóm, cung cấp các kỹ năng dự phòng tái nghiện, phòng tránh nguy cơ cao; tư vấn giảm liều cho các nhóm bệnh; thực hiện tốt công tác phối hợp để duy trì việc điều trị cho bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, không để xảy ra mất an toàn, an ninh trên địa bàn thành phố. Điều trị bằng thuốc Methadone giúp cải thiện sức khỏe và giảm tử vong do dùng quá liều heroin. Đồng thời, methadone có tác dụng kéo dài, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, giúp người nghiện có thể lao động và sinh hoạt bình thường. Người nghiện được điều trị không phải chi số tiền lớn cho việc dùng ma túy, không còn có nhu cầu gay gắt về tiền mua ma túy nên họ không còn tham gia các hành vi phạm tội (trộm cắp, cướp giật) để có tiền mua ma túy. Vì thế điều trị bằng thuốc Methadone giúp làm giảm tình trạng phạm tội liên quan đến ma túy.
Bên cạnh đó, cơ sở cũng đã thực hiện việc tư vấn, giới thiệu việc làm cho 100 bệnh nhân, hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy…, giúp họ có công ăn việc làm ổn định, mở được các mô hình quán ăn, trang trại chăn nuôi gia đình. Theo thống kê, có tới 295 bệnh nhân đanh đang điều trị, hiện đã có công việc cho thu nhập tốt, ổn định.
Ðể giúp người nghiện có cơ hội tiếp cận và tham gia chương trình điều trị các chất gây nghiện dạng thuốc phiện bằng methadone, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn ở Lào Cai là trước tiên cần có sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; hỗ trợ về thuốc Methadone, kỹ thuật của các tổ chức Quốc tế như PEPFAR, USAID, FHI và sự phối hợp kịp thời thường xuyên của các sở, ngành: Sở Nội vụ, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Y tế, Công an các cấp; UBND thành phố Lào Cai, các xã, phường; sự đồng tình ủng hộ của người dân, gia đình và bản thân người nghiện hiểu rõ lợi ích của việc điều trị Methadone và tự nguyện tham gia một cách tích cực.
Bên cạnh đó, cần xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác điều trị nghiện bằng thuốc Methadone có tinh thần trách nhiệm cao, được trang bị những kiến thức về chuyên môn, khả năng giao tiếp hiệu quả, tư vấn, tham vấn tốt cho người nghiện và gia đình về trình tự thủ tục, quy trình điều trị, lợi ích của việc điều trị Methadone với bệnh nhân, để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ điều trị bằng thuốc Methadone.
Đặc biệt, cần có cơ chế phân công, phối hợp, thống nhất, rõ ràng, đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhân tố quan trọng: Một là có hệ thống văn bản quy định rõ ràng, có sự chỉ đạo sát sát sao của Ban chỉ đạo tỉnh. Hai là có sự tổ chức thực hiện nghiêm túc sáng tạo của cơ quan chuyên môn (Chi cục Phòng chống TNXH, Cơ sở điều trị Methadone, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Phòng Lao động TBXH, Công an Thành phố). Ba là có sự vào cuộc quyết liệt của Chính quyền địa phương (UBND các xã, phường, Công an, cán bộ chuyên trách, các Nhà cai nghiện). Bốn là sự tham gia tích cực, tự nguyện của cá nhân và gia đình (Bản thân người nghiện, các thành viên gia đình tự nguyện, chấp hành nội quy, quy chế điều trị, người dân tại thôn, xóm ủng hộ).
Tại Cơ sở điều trị phải thường xuyên thực hiện giao ban, họp mặt định kỳ với các bên có liên quan: UBND thành phố, UBND các xã phường, Công an nhằm trao đổi cung cấp thông tin, kịp thời xử lý các tình huống phát sinh. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy định của Cơ sở điều trị Methadone. Chia sẻ động viên bệnh nhân yên tâm điều trị, lao động, học tập, chữa bệnh để từ bỏ ma tuý hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và tham gia phong trào giữ gìn an ninh trật tự tại nơi cư trú và Cơ sở điều trị Methadone./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
24-11-2024 08:01 44
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
- Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
- Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh