Lực lượng vũ trang và người hưởng lương ngân sách không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ khó khăn do COVID-19
(LĐXH)- Theo Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước không thuộc diện đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, về nhóm giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Chương I của Quyết định 23/2021/QD-TTg), thì đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ, bao gồm: Người sử dụng lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước).

Về mức đóng và thời gian áp dụng mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian áp dụng là 12 tháng, từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.
Việc đăng ký tham gia, lựa chọn phương thức đóng, sử dụng và quản lý Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Thời gian đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 2 Quyết định này được tính hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, đây là chính sách hỗ trợ mới theo Nghị quyết số 68/NQ-CP. Chính sách giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thì giảm từ 0,5% xuống đóng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, nhưng tất cả người lao động đều được hưởng các chính sách bình thường (có nghĩa là giảm đóng nhưng vẫn được hưởng).
Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng, chống COVID-19.
Lực lượng vũ trang và người hưởng lương ngân sách Nhà nước không được thụ hưởng chính sách này.
Chính sách hỗ trợ này không phát sinh thủ tục hành chính mới. Việc đăng ký tham gia, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành.
Phải khẳng định rằng, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/202 của Thủ tướng quy định rất chi tiết các đối tượng, điều kiện được hỗ trợ, hồ sơ và trình tự thủ tục. Hầu hết các nhóm chính sách đều được ấn định chậm nhất từ 7 - 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan liên quan phải giải quyết để chi trả tiền hỗ trợ sớm nhất cho người thụ hưởng.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
24-02-2025 11:02 10 -
Hà Giang giải quyết gần 3.300 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
06-02-2025 15:40 56 -
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Giang đặt mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho 11.000 người
03-02-2025 15:10 27
-
Ghi nhận ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng
21-01-2025 09:34 09 -
Nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương có 100% lao động trở lại làm việc sau Tết
12-02-2025 16:08 27 -
TPHCM: Hơn 50.000 vị trí việc làm đang chờ người lao động
10-02-2025 14:59 41