Mẹ Anh hùng, bình dị
Cuộc đời của Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Trần Thị Tròn, ở xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) có bao điều đặc biệt khiến cho bất kỳ ai tiếp xúc hay nghe qua câu chuyện về cuộc đời, về gia đình Mẹ đều không thể nào quên...
Hai mẹ con đều là Mẹ Việt Nam Anh hùng
Chúng tôi về miền cát trắng Tịnh Hòa những ngày cuối tháng 7 trong chang chang nắng hạ. Xã ven đô hôm nay ngày càng sầm uất, nhưng cái xóm mà Mẹ VNAH Trần Thị Tròn "bám trụ" cả cuộc đời mình vẫn giữ được nét xưa, với cồn cát năm nào. Người dân trong xóm bảo chúng tôi cắt ngang Quốc lộ 24B rẽ vào đường bê tông vắt qua mấy đồng cát, cuối con đường ấy là nhà Mẹ VNAH Trần Thị Tròn. Mẹ Tròn năm nay 83 tuổi, là người trẻ nhất trong 294 Mẹ VNAH của Quảng Ngãi hiện đang còn sống. Tuy tuổi đã cao, nhưng Mẹ còn nhanh nhẹn và minh mẫn lắm. Hằng ngày Mẹ vẫn ba lần vào bếp đỡ đần con cháu nấu những bữa cơm ngon, canh ngọt. Mẹ bảo làm việc vừa sức mình đó là cách để rèn luyện sức khỏe, tinh thần để sống vui, ít bệnh tật.
Mới lần đầu gặp, nhưng không hề có khoảng cách, Mẹ kéo chúng tôi ra gốc cây vú sữa trước hiên nhà cho mát, rồi Mẹ đọc thơ, kể chuyện chiến tranh, ôn lại chuyện cũ của vùng giao tranh quê Mẹ. Mẹ nhớ lại cái ngày ác liệt năm 1968, khi Mẹ đang ốm nặng thì hay tin chồng hy sinh ngoài mặt trận. Tưởng như không thể qua khỏi, nhưng khi nghĩ đến 5 người con (3 trai, 2 gái) còn nhỏ dại, Mẹ không cho phép mình suy sụp mà phải mạnh mẽ đứng lên. Để có thể lo cho các con, Mẹ làm đủ các nghề, từ làm muối, làm mắm, gánh gồng bán buôn, chỉ mong các con nhanh lớn để tiếp bước cha, góp sức giải phóng quê nhà. Năm 1972, người con trai thứ của Mẹ nhập ngũ và chỉ sau ít tháng, anh lại hy sinh... Nhưng chẳng hề nao núng, hai người con trai còn lại tiếp tục ra mặt trận và may mắn các anh đã trở về cùng Mẹ hân hoan mừng ngày giải phóng quê hương.
Nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho Mẹ Tròn không chỉ là mất chồng, con trai, mà còn lấy đi tuổi xuân phơi phới của hai người em ruột của Mẹ. Họ ra đi khi tuổi mới đôi mươi, trước ngày chồng Mẹ hy sinh chỉ tròn 1 năm. "Em tôi hy sinh, đau xót lắm, nhưng tôi không nao núng. Tôi động viên chồng mình, rồi con mình an tâm ra mặt trận, bởi hiến dâng cho Tổ quốc, dân tộc là việc cần làm, nếu lo sợ, lùi bước thì làm sao giải phóng được quê hương", Mẹ nhắc lại tâm nguyện xưa mà vẫn vẹn nguyên đanh thép, dẫu ngày ấy đã lùi xa gần nửa thế kỷ. Mẹ bảo khí phách ấy là Mẹ học được từ mẹ ruột của mình. Người mẹ ấy chính là Mẹ VNAH Đỗ Thị Học, có hai con đẻ (em ruột của Mẹ Tròn) là liệt sĩ. Mẹ Tròn cũng là người từng hai lần đứng trên bục vinh dự đón nhận danh hiệu Mẹ VNAH: Một lần nhận thay cho Mẹ ruột của mình được truy tặng và một lần là nhận danh hiệu ấy cho chính bản thân mình.
Cống hiến cho cách mạng
Dưới tán cây vú sữa tỏa bóng, từng cơn gió mát từ biển thổi vào, bao câu chuyện đẹp đẽ nhất của cuộc đời, Mẹ kể với chúng tôi. Mẹ bảo rằng, với Mẹ phút đau thương đón nhận tin em ruột, chồng và con hy sinh từ mặt trận về cũng chính là phút giây khiến Mẹ trở nên mạnh mẽ nhất. Khi ấy, trong Mẹ chỉ có một suy nghĩ là còn giặc còn chiến đấu, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Vậy mà, Mẹ vẫn khiêm nhường rằng: Lúc Tổ quốc cần, ai rồi cũng làm như mình thôi. Ngày ấy, Mẹ động viên chồng con, rồi bản thân cũng tham gia cách mạng chỉ với một mong muốn tột bậc là giải phóng quê hương. Mẹ chưa bao giờ nghĩ Mẹ làm điều ấy là để trở thành anh hùng. Hôm nay, mấy chục năm qua rồi, nghĩ về người thân đã hy sinh, Mẹ có thêm động lực để sống và giáo dục con cháu sống xứng đáng với sự hy sinh ấy.
Cuối tháng 7 này, Mẹ Tròn là một trong 7 người đại diện cho 294 Mẹ VNAH của Quảng Ngãi ra Thủ đô gặp mặt các Mẹ VNAH toàn quốc nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27.7. Điều ấy là vinh dự, là tự hào, nhưng sâu thẳm trong khóe mắt Mẹ Tròn, ngấn lệ lại rưng rưng. Mẹ tâm sự: "Mỗi năm tụ họp, những hàng ghế thưa dần, nhiều người sức khỏe không đảm bảo để đi gặp mặt nữa và bao người tuổi cao đã ra đi. Điều Mẹ mong muốn nhất là làm sao cho những người Mẹ VNAH còn sống có tinh thần vui vẻ, lạc quan, để sống những ngày cuối đời thật hạnh phúc".
Mẹ Tròn hiện sống với người con dâu mà Mẹ luôn giới thiệu với mọi người là con gái. Gần 40 năm làm dâu, ăn chung một nồi từ lúc cưới về, đến hôm nay Mẹ Tròn vẫn luôn thầm cảm ơn đời đã bù đắp tặng cho mình một người con hiếu thảo. Chiến tranh đã lấy đi của Mẹ những thứ đẹp nhất, nhưng hòa bình lại mang về cho mẹ những điều quý báu vô biên. Đó là tình yêu thương, kính trọng của cháu con, xóm làng, người thân và trên hết là khắc vào trái tim Mẹ giá trị sáng ngời của hòa bình, độc lập.
Các em Mẹ, chồng Mẹ và người con trai của Mẹ hy sinh dẫu có người chưa tìm được để đưa về nghĩa trang; những tấm ảnh để thờ do chiến tranh khói lửa cũng đã cháy sạch... Mẹ không buồn mà luôn nghĩ những người thân yêu của Mẹ hy sinh sẽ mãi nằm lại trong lòng đất ấm, trong trái tim dân tộc, trong mạch nguồn lớn mạnh của đất nước. Nghĩ vậy, Mẹ thấy vui, thấy khỏe, thấy hạnh phúc lớn lao đang ùa về...
Thanh Nhị
Từ khóa:
-
Thành phố Phổ Yên: Mặt trận Tổ quốc tăng cường giám sát rà soát hộ nghèo
29-11-2024 16:47 32
-
Nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Hà Tĩnh
15-11-2024 16:47 26
-
Thuận Châu: Nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
04-11-2024 14:03 12
- Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ 5: Hướng tới một xã hội hoà nhập thông qua lồng ghép giới và tăng cường quyền năng cho phụ nữ
- Đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững cho người sau cai nghiện ma túy
- Hỗ trợ người nghèo có việc làm, phát triển sản xuất, tạo thu nhập ổn định ở huyện miền núi Định Hóa
-
Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Bình: Tấm lòng vàng trong công tác bảo tồn di sản và hoạt động từ thiện
28-11-2024 15:03 01
-
Quảng Trị: Ước tính đến hết năm 2024, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.595 nhà ở cho hộ nghèo tại huyện nghèo
28-11-2024 11:24 59
-
Lạng Sơn: Đẩy mạnh hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo
28-11-2024 08:45 34