Điểm mới về một mô hình dịch vụ cai nghiện ma túy thân thiện
(LĐXH)-Hiện nay, công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam đã có nhiều đổi mới với nhiều mô hình ngày càng hướng đến tính nhân văn và thân thiện, giúp đỡ người nghiện hết mức để có thể cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng. Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” được triển khai tại Hà Nội là một mô hình được đánh giá như vậy, nhận được sự hưởng ứng của những người điều trị.
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên toàn quốc triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”. Được sự hỗ trợ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Hà Nội và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), mô hình bước đầu được thực hiện tại sáu điểm phường (Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ, Bồ Đề, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 và Xuân Phương) thuộc hai quận Long Biên và Nam Từ Liêm từ cuối tháng 4.2019.
Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý" (gọi tắt là Mô hình chuyển gửi) là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng và các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý liên quan.
Tại mô hình này, lực lượng thi hành pháp luật, cụ thể là công an các cấp phường, xã tham gia vào mô hình không chỉ dưới cương vị hành chính mà còn dưới vai trò là người hỗ trợ, giúp mô hình có điểm mới đó là sự thân thiện giữa lực lượng thi hành pháp luật đối với người sử dụng, nghiện ma tuý tại cộng đồng. Điều này được đánh giá là rất quan trọng trong việc khuyến khích họ tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và điều trị phù hợp với mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân.
Từ đó, sẽ cùng lúc giúp thúc đẩy các dịch vụ điều trị tự nguyện tại cộng đồng phát triển và nhân rộng một cách chuyên nghiệp, bài bản, giúp NSDMT cũng như cộng đồng dân cư được tư vấn và tháo gỡ các vấn đề vướng mắc liên quan đến sử dụng ma tuý trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.
Với sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi NSDMT đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện, mô hình này sẽ giúp phát hiện, sàng lọc NSDMT về mức độ sử dụng, mức độ rối loạn tâm thần, nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan và một số bệnh khác để chuyển gửi các cơ sở dịch vụ điều trị. Đối tượng áp dụng cho mô hình này gồm NSDMT có nơi cư trú ổn định trên địa bàn các phường tham gia thí điểm, người đã hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy, cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ma túy và cộng đồng, đang thuộc diện quản lý sau cai tại cộng đồng.
Các hoạt động của mô hình chuyển gửi mà người nghiện ma tuý đã được tiếp cận trực tiếp gồm: Tư vấn, sàng lọc và can thiệp ngắn; tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng HIV; chuyển gửi đến các cơ sở điều trị Methadone; chuyển gửi đến dịch vụ điều trị cai nghiện ma tuý; hỗ trợ pháp lý; chuyển gửi tới dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm; chuyển gửi điều trị sức khoẻ tâm thần và các hoạt động tư vấn, chuyển gửi khác theo mô hình. Đây là những dịch vụ rất thiết thực đối với người nghiện ma tuý, giúp cho họ tiếp cận được nhanh nhất, hiệu quả nhất, kịp thời đáp ứng nhu cầu, mong muốn được tham gia điều trị, cai nghiện, hỗ trợ phòng chống tái nghiện.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm SCDI cho biết, với kinh nghiệm làm việc với các tổ chức quốc tế về tư vấn và điều trị nghiện ma tuý, mô hình này có nhiều ưu điểm về tính hiệu quả và khả thi. Sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong mô hình, vì họ là bộ phận tiếp xúc với người sử dụng, nghiện ma tuý tại địa bàn nhiều nhất (bên cạnh các nhóm cộng đồng của người sử dụng ma tuý) nên họ là “cánh cửa” đầu tiên để người sử dụng ma tuý được tiếp xúc với những thông tin về hỗ trợ, tư vấn, điều trị nghiện... Sau đó, người sử dụng, hoặc nghiện ma tuý được chuyển gửi đến các dịch vụ phù hợp với tình trạng và nhu cầu của họ như điều trị viêm gan B, C, HIV... Mô hình công an tham gia chuyển gửi người nghiện ma tuý còn tác động đến những khía cạnh quan trọng khác như giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật gần 60% và tăng tỷ lệ có việc làm đến 30%.
Ngoài lực lượng công an, các yếu tố khác trong mô hình phải kể đến vai trò của người điều phối viên cộng đồng và hệ thống các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp lý xã hội và điều trị tự nguyện tại cộng đồng dành cho người sử dụng hoặc nghiện ma tuý mới tạo nên sự tổng hoà và đem đến hiệu quả tối ưu của mô hình. Điều phối viên cộng đồng sẽ được tuyển chọn trên địa bàn với các tiêu chí: Nhiệt tình, cởi mở, không e ngại hay kỳ thị người sử dụng hay nghiện ma tuý, ưu tiên những người đã có kinh nghiệm hỗ trợ người sử dụng ma tuý hoặc từng công tác trong đội ngành phòng, chống tệ nạn xã hội, đội công tác tình nguyện xã hội…
Theo số liệu thống kê mới nhất của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tính đến đầu năm 2019, thành phố có 13.410 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý (tăng 600 người so với cuối năm 2018), trong đó 57% (khoảng 7.650 người) sử dụng ma túy tổng hợp dạng “đá”. Ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội cho rằng, thực tế số người nghiện ma tuý, sử dụng ma tuý còn cao hơn rất nhiều nhưng do có nhiều khó khăn, bất cập theo quy định của pháp luật mà chưa thể thống kê hết được.
Để giải quyết vấn đề này, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình tổ chức quản lý, cai nghiện chữa trị. Các mô hình cai nghiện ma tuý mà Hà Nội đã áp dụng như mô hình cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; mô hình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, sau cai nghiện; điều trị thay thế chất dạng thuốc phiện bằng methadone; điều trị bằng chuyên môn chủ yếu sử dụng phác đồ An thần kinh, điều trị bằng thảo dược hay một số phác đồ về tâm lý xã hội khác. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hoàng Thành Thái cho rằng, các mô hình và phác đồ này tuy còn hạn chế nhưng về cơ bản đã đem lại hiệu quả tích cực.
Thực tiễn cho thấy, hình thức, loại ma tuý sử dụng luôn có sự biến tướng, thay đổi và đi trước. Trong giai đoạn hiện nay, công tác cai nghiện ma tuý đang phải đối mặt với thách thức đến từ việc sử dụng ma tuý tổng hợp dạng đá và nhiều loại nguy hiểm khác như cần sa, cỏ Mỹ, nấm thần… khiến công tác dự phòng và điều trị gặp nhiều khó khăn. Những người mới sử dụng ma tuý tổng hợp có thể can thiệp điều trị được vì chưa có tổn thương nặng thực thể vỏ não và bản thân chưa gây tác động xấu cho xã hội thì thường rất khó phát hiện để can thiệp điều trị kịp thời. Còn người sử dụng ma tuý tổng hợp lâu dẫn đến nghiện nặng, có biểu hiện “ngáo” thì dễ phát hiện hơn nhưng lúc này việc điều trị lại vô cùng khó khăn do người nghiện đã chuyển thành dạng bệnh lý tâm thần, đã có tổn thương thực thể vỏ não.
Chính vì vậy, việc thiết lập và phát triển một mạng lưới nhằm giúp cộng đồng sớm phát hiện, tiếp cận, can thiệp và cung cấp các dịch vụ y tế, cai nghiện và tâm lý xã hội cho người sử dụng ma tuý, nhất là ma tuý tổng hợp dạng đá trên cơ sở có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn là rất cần thiết. Và Mô hình chuyển gửi mà Hà Nội đang triển khai chính là thực hiện kỳ vọng tăng cường sự phối hợp liên ngành trong các cơ quan chuyên môn của thành phố để tiếp cận sớm với người nghiện ma túy, đưa họ vào mô hình điều trị với góc độ can thiệp về chuyên môn.
Ngay từ khi được triển khai, Mô hình này đã được các cấp lãnh đạo từ Trung ương, Thành phố và Sở LĐTB&XH Hà Nội rất quan tâm, được cụ thể bằng các văn bản chỉ đạo, cũng như sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo UBND các quận Long Biên, Nam Từ Liêm và 6 phường tham gia thí điểm. Các lực lượng chức năng tại các phường thực hiện thí điểm gồm: Công an, y tế, Đội công tác xã hội tình nguyện, câu lạc bộ B93… đã có sự phối hợp rất tích cực, nhịp nhàng để từ đó làm tốt hơn vai trò tham mưu cho UBND phường về công tác phòng chống ma tuý tại địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, trong quá trình thực hiện mô hình còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được kịp thời khắc phục. Người nghiện và gia đình người nghiện còn tâm lý e ngại khi được Công an và Điều phối viên tiếp cận, tư vấn, vận động tham gia quá trình chuyển gửi nên cần tăng cường hơn công tác tuyên truyền, giới thiệu mô hình trong cộng đồng dân cư.
Công tác huy động các nguồn lực để hỗ trợ tạo việc làm, tạo thu nhập cho người tham gia mô hình chuyển gửi còn nhiều khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Một số địa phương còn tận dụng sử dụng cơ sở vật chất để làm việc nên hiệu quả công tác của các Điều phối viên còn gặp những khó khăn…
Với những kết quả tích cực đạt được trên, trong thời gian tới, Sở LĐTB&XH Hà Nội sẽ tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các quận thực hiện thí điểm để chỉ đạo các phường và các đơn vị cung cấp dịch vụ để phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ giúp người nghiện và gia đình người nghiện ma tuý có được hiệu quả mong muốn khi có nhu cầu tham gia cai nghiện ma túy, thường xuyên có sự đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm ra những phương pháp, cách làm hay, những địa phương tích cực, hiệu quả để làm mô hình mẫu cho việc triển khai mở rộng trên địa bàn Thành phố sau khi kết thúc thời gian thí điểm.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục Trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho rằng mô hình cảnh sát chuyển gửi không chỉ giúp giải quyết duy nhất một vấn đề về sử dụng hay nghiện ma túy, mà còn có tác động đến những khía cạnh quan trọng khác đối với NSDMT, như giảm tỷ lệ vi phạm pháp luật gần 60% và tăng tỷ lệ có việc làm đến 30% trong cộng đồng NSDMT khi tham gia mô hình, cũng như tăng cường bình ổn tại địa bàn triển khai. “Nếu mô hình này được thực hiện đúng, bài bản, chuyên nghiệp sẽ đem đến một diện mạo mới và quan trọng là lòng tin của xã hội, tiếp đó là sự chung sức của cộng đồng thực hiện các chính sách đầy tính nhân văn đối với NSDMT, mang đến một cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn cho mọi người”, ông Lập nhấn mạnh.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
24-11-2024 08:01 44
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
- Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
- Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh