Huyện Giao Thủy có số dân trên 190.000 người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ lệ cao. Trên địa bàn huyện có hơn 250 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có trên 70 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 40 doanh nghiệp xây dựng; 140 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - vận tải; 11 hợp tác xã tín dụng, sự nghiệp và trên 12 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ở địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, những năm gần đây kinh tế của huyện đang chuyển dịch mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ. Trên địa bàn huyện đã dần hình thành các cụm công nghiệp, thu hút hàng ngàn lao động mỗi năm. Nhằm đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế, những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, tạo việc làm mới cho người lao động; tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề tại địa phương, qua đó tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động.
Để giải quyết việc làm gắn với nâng cao chất lượng nguồn lao động, phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. UBND huyện đã xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; phân công trách nhiệm cụ thể cho các ngành chức năng, các đoàn thể ở địa phương chủ động phối hợp thực hiện tốt các nhóm giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các ngành chức năng, các đoàn thể, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời tổ chức tư vấn, tuyển sinh và hướng dẫn người lao động đăng ký học nghề. Các xã, thị trấn đưa chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Trước khi triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện tổ chức các đợt khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, khả năng của người dân. Trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất của các xã, thị trấn cũng như nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện xây dựng kế hoạch mở các lớp đào tạo theo ngành, nghề phù hợp; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho người lao động. Thời gian qua, toàn huyện mở trên 140 lớp cho hơn 4.500 lao động học các nghề may công nghiệp, hàn điện, móc sợi... Sau khi được đào tạo nghề đã có 85% số lao động có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp với mức lương ổn định.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Giao Thủy phối hợp với 14 trường trung học cơ sở trong huyện thực hiện phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh tổ chức điều tra, khảo sát tình hình nhu cầu học nghề, xem xét tính đặc thù nghề nghiệp của từng vùng. Bên cạnh đó, Trung tâm liên kết với các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài huyện tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các khu công nghiệp, làng nghề; mở 20 lớp đào tạo các nghề như: hàn công nghệ cao, lắp đặt ống công nghệ, điện lạnh, điện công nghiệp và dân dụng liên kết với Trường Cao đẳng nghề LILAMA I Ninh Bình, Trường Cao đẳng Công nghệ thực phẩm Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghiệp Nam Định đào tạo nghề cho trên 500 học viên với các nghề như: may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, lắp đặt ống công nghiệp, hàn công nghiệp... Học viên sau khi học xong đều có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Trung tâm cũng đã phối hợp với các ban, ngành và địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách và quyền lợi trong việc học nghề cho người lao động. Đặc biệt, phối hợp hiệu quả với các Trường THCS và chính quyền các cấp nhằm phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối 9 tại 14 trường THCS và lồng ghép trong các buổi sinh hoạt cộng đồng của đoàn thanh niên, hội nông dân, phụ nữ để động viên khuyến khích các em tham gia học nghề. Tổ chức điều tra, khảo sát tình hình nhu cầu học nghề, xem xét tính đặc thù nghề nghiệp của từng vùng. Bên cạnh đó, Trung tâm còn liên kết với các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài huyện tuyển sinh đào tạo theo đơn đặt hàng cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cho các khu công nghiệp, làng nghề để người lao động có việc làm sau đào tạo.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Giao Thủy đã góp phần lớn trong việc cung cấp các kỹ năng, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động sau học nghề…
Trần Huyền
-
Kiên quyết không để đối tượng xấu lừa đảo đưa lao động sang Úc làm việc bất hợp pháp
26-12-2024 16:48 16
-
Dấu ấn trong phái cử lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
17-12-2024 15:35 11
-
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh Nam Định
17-12-2024 14:53 52
-
Thành phố Bắc Kạn: Đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động
20-12-2024 11:22 43
-
Trung tâm Dịch vụ việc làm Yên Bái tăng cường kết nối cung – cầu lao động
26-12-2024 11:12 36
-
Nam Định: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả
16-10-2024 10:52 50