Lao động
Năm 2016, Kiên Giang phấn đấu đào tạo nghề cho 33.000 lao động
02:00 PM 07/06/2016

(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Kiên Giang, nhiều năm qua, Kiên Giang  luôn quan tâm và triển khai hiệu quả các chính sách về việc làm cho lao động, trong đó, có các dự án, chương trình về mục tiêu quốc gia về việc làm.

 

 

Mô hình dạy nghề đan lát cho lao động nữ ở nông thôn ở Kiên Giang đạt hiệu quả cao 

 

Từ năm 2011- 2014, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 165.691 lượt người, trong đó giải quyết việc làm trong tỉnh 68.793 lượt người, ngoài tỉnh 88.658 lượt người, xuất khẩu lao động 342 lượt người; số người được giải quyết việc làm thông qua Quỹ Quốc gia về Việc làm là 6.740 người; tỷ lệ thất nghiệp toàn tỉnh giảm từ 2,63% năm 2011 xuống còn 2,50% năm 2014 và cuối  năm 2015 là 2,41%.

Riêng năm 2015, công tác giải quyết việc làm của tỉnh với các chỉ tiêu đặt ra đều vượt kế hoạch. Cụ thể, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 34.378 lượt người, đạt 104% so với kế hoạch. Trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh là 15.129 lượt người và ngoài tỉnh là 18.080 lượt người.

Bên cạnh kết quả đạt được thì công tác giải quyết việc làm tại địa phương vẫn còn gặp một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục. Đó là: tình trạng mất cân đối cung – cầu lao động trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp diễn. Qua thực tế giám sát ở các huyện thị, thành phố, thì số dự án đầu tư vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh có tính tập trung còn ít, đa số là dự án nhỏ lẻ hộ gia đình, thường đầu tư dàn trải, nhiều hộ, kém hiệu quả và khó thu hồi vốn, một số hộ vay nhiều chu kỳ sản xuất không thu hồi nợ.

Công tác thẩm định dự án còn nhiều bất cập, thẩm định tính khả thi và hiệu quả của dự án còn mang tính chủ quan (ngân hàng chính sách xã hội ủy thác quyền thẩm định và quản lý cho các hội đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên Tổ tiết kiệm & vay vốn,....) không có ngành Lao động TBXH tại địa phương được tham gia. Việc thực hiện cho vay chủ yếu là các hộ gia đình đã có vốn đầu tư và sản xuất mô hình có sẵn mới cho vay, không thu hút dự án mới được vay vốn, doanh nghiệp hầu như ít được tham gia vay vốn.

Chia sẻ về những định hướng trong thời gian tới, Giám đốc Võ Ngọc Thứ khẳng định: Nhiệm vụ trong năm 2016, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 33.000 lượt người, trong đó đi lao động nước ngoài là 100 người; thực hiện có hiệu quả nguồn vốn cho vay Quỹ quốc gia về việc làm: giải ngân 26.000 triệu đồng, số dự án được duyệt cho vay là 1.200 dự án, thu hút 1.400 lao động; mở rộng và phát triển thị trường lao động trong nước và ngoài nước; tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ngoài nước.

Phương hướng nhiệm vụ 5 năm (2016-2020), Kiên Giang phấn đấu giải quyết việc làm hàng năm bình quân 33.000 lượt người/năm, nâng tỷ lệ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 100 người/năm; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 1,6%  năm 2020, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 35,3% năm 2011 lên 52,5% năm 2020.

Để thực hiện hiệu quả những mục tiêu đó, Kiên Giang tập trung đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về lao động – việc làm, thông tin thị trường lao động để định hướng và chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng cường các hoạt động giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động; đảm bảo kết nối đồng bộ giữa Cung – Cầu trên địa bàn tỉnh, làm mục tiêu xây dựng kế hoạch định hướng phát triển nguồn nhân lực cũng như giải quyết việc làm cho người lao động; mở rộng mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các địa phương trong tỉnh để tuyển dụng lao động trực tiếp và liên kết với các tỉnh khác để thu hút lao động.

Bên cạnh đó, thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ cho người lao động đi XKLĐ: học nghề, ngoài ngữ, những kiến thức cần thiết cho người có nhu cầu tham gia XKLĐ. Riêng Đối với Chương trình cho vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm, tỉnh có kiến nghị cần bổ sung kinh phí hằng năm từ 5 – 10 tỷ đồng cho địa phương và nâng mức cho vay/lao động. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tham gia công tác thẩm định cho vay, không nên ủy thác phần lớn cho Hội, Đoàn thể vì phân bổ vốn cho hội đoàn thể, thì các doanh nghiệp không được tiếp cận vốn vay.

 

                                                                                                                                                                                                     An Thương

 

 

 

Từ khóa: