Lao động
Năm 2017, Đắk Lắk phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54%
01:43 PM 14/12/2016
(LĐXH) - Theo chỉ tiêu đào tạo nghề trong năm 2017, Đắk Lắk phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo là 54%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 17,58%.
Đắk Lắk ngày càng có nhiều lao động nông thôn đăng ký học nghề.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đắk Lắk, năm 2017, tỉnh phấn đấu tuyển mới là 32.650 học sinh, sinh viên với các trình độ gồm: cao đẳng là 1.550 người, trung cấp là 2.550 người, sơ cấp và dạy nghề thường xuyên là 28.550 người, trong đó đào tạo trình độ sơ cấp cho lao động nông thôn là: 8.000 người

Để đạt được các chỉ tiêu đó, tỉnh đề ra nhiều giải pháp trọng tâm như: tổ chức các hội thi, hội thảo về kỹ năng nghề nghiệp, tay nghề của học sinh; tổ chức hội chợ, cửa hàng trưng bày sản phẩm học nghề cấp trường, cấp thành phố và cấp Tỉnh nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến với doanh nghiệp, người dân; tạo phong trào thi đua, phấn đấu trong các cơ sở dạy nghề, giáo viên, học sinh.

Song song đó, tăng cường mạnh mẽ công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Tích cực phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp việc làm với các đối tượng là đoàn viên thanh niên, thành viên của các hội đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội v.v…, học sinh của các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn.

Tỉnh tập trung thu hút sự đầu tư, hỗ trợ của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong hoạt động đánh giá tay nghề, chấm thi tốt nghiệp nhằm giới thiệu nguồn lao động có tay nghề đến người sử dụng lao động đồng thời thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong việc sử dụng lao động qua đào tạo.

Theo bà Phạm Thị Loan – Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở, hiệu quả của dạy nghề sẽ được nhân rộng, tạo được làn sóng lan truyền nếu dạy nghề gắn với tạo việc làm bền vững, thu được hiệu quả kinh tế thiết thực, vì vậy hàng năm cần cấp tăng nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia Giải quyết việc làm để sau học nghề người học được vay vốn tạo việc làm là tiền đề tạo điều kiện cho lao động tự giải quyết việc làm.

Đối với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ở góc độ địa phương, Đắk Lắk cũng có đề xuất, kiến nghị Trung ương bố trí kinh phí đảm bảo triển khai đồng bộ các hoạt động của Đề án 1956 nhằm đạt hiệu quả cao nhất theo tiêu chí nông thôn mới đề ra, cụ thể: bố trí kinh phí hàng năng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; Kinh phí mua sắm trang thiết bị thực hành nghề; Đổi mới chương trình, giáo trình đào tạo nhằm thu hút, tạo sự hứng khởi, hăng say học tập cho học sinh.  Kinh phí, khảo sát điều tra nhu cầu học nghề.

Được biết, trong năm 2016, tỉnh Đắk Lắk đã tuyển mới học sinh, sinh viên học nghề là 31.868 người (nữ: 7.561 người, dân tộc thiểu số: 6.466 người) đạt 105% Kế hoạch năm; tổ chức 81 lớp với 2.831 người tham gia học nghề (dân tộc thiểu số (DTTS) là 2.197 người; Nữ là 1.189 người), đạt 33,3% kế hoạch. Trong đó, nghề phi nông nghiệp mở 28 lớp với  980 học sinh học nghề (DTTS: 760 người; Nữ: 613 người). Nghề Nông nghiệp mở 22 lớp với 761 học sinh học nghề (DTTS: 695 người; Nữ: 337 người.

 

                                                                           Thương Hoài

 

 

 

Từ khóa: