Nam Định: Đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn
(LĐXH) Công tác dạy nghề, tạo việc làm được quan tâm đã giúp nhiều lao động nông thôn tỉnh Nam Định có cơ hội tìm được việc làm, ổn định cuộc sống hoặc tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo.
Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động.
Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020”, những năm qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, khảo sát nắm bắt nhu cầu học nghề của người lao động cũng như nhu cầu sử dụng lao động thực tế của các doanh nghiệp; thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Đặc biệt, xây dựng sự gắn kết giữa địa phương, cơ sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động.
Từ năm 2010-2019, toàn tỉnh Nam Định đã đào tạo đào tạo cho 59.419 lao động, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 21.236 người, nhóm nghề phi nông nghiệp là 38.183 người. Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt từ 85-90%. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có ngành nghề đạt 100%, ngoài ra có một số ngành nghề học sinh chưa tốt nghiệp doanh nghiệp đã nhận vào làm việc (ngành hàn, may ...). Riêng trong năm 2019, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo ở 3 cấp trình độ cho 29.094 người, đạt 84,3% kế hoạch năm, bao gồm: cao đẳng 224 người, trung cấp 3.189 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 25.681 người. Các nghề đào tạo chủ yếu là chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, sản xuất và chế biến nấm, may công nghiệp…Với việc được đào tạo thêm kiến thức, kỹ năng mới để áp dụng vào sản xuất kinh doanh, người dân đã tạo ra lợi ích kinh tế khá cao, từ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo sau học nghề đã đẩy mạnh sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Các cơ sở dạy nghề chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo phù hợp với đối tượng người học, tăng cường các giờ giảng thực hành gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo, đánh giá kết quả tốt nghiệp. Đồng thời, chủ động phối hợp với doanh nghiệp tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập sản xuất ngay tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó giảm chi phí đào tạo cho nhà trường, học sinh được tiếp cận với công nghệ hiện đại.
Song song với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp giải quyết việc làm sau học nghề như: quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, hỗ trợ vốn sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo thêm việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản nhằm nâng cao chất lượng và năng suất; quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch an toàn đến người tiêu dùng; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, liên kết chuỗi giá trị...
Trong những năm qua, ngành Lao động -Thương binh và Xã hội đã nỗ lực tham mưu triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay các cơ sở GDNN phát triển rộng khắp trên 10 huyện/thành phố, đa dạng về ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo. Công tác đào tạo nghề từng bước hướng vào phục vụ theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Đồng thời, chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo cho phù hợp với đối tượng người học; tăng cường các giờ giảng thực hành, tích hợp; đưa học sinh sinh viên thực tập tại doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đào tạo, học sinh tiếp cận được với công nghệ, máy móc hiện đại; gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.... Công tác tuyển sinh, tư vấn nghề cho người học được làm tỉ mỷ, chặt chẽ và có cam kết 3 bên giữa người học cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Người lao động sau khi được đào tạo nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, góp phần hoàn thành thắng lợi Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Các chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp đã cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho các khu, cụm công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng.
Quang Tuấn
Từ khóa:
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47