Nghệ An có 7.024 lao động đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp
(LĐXH)- Trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở Lao động – TBXH Nghệ An) đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 7.024 lao động (tăng 7,05% so với quý IV năm 2022).
Theo báo cáo từ Sở Lao động – TBXH Nghệ An, tính đến thời điểm ngày 11/5, toàn tỉnh có 14.394 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 236 doanh nghiệp có vốn nhà nước (có 26 doanh nghiệp do địa phương quản lý), 112 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 14.038 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 231.150 người; trong đó, số lao động làm việc trong khối doanh nghiệp có vốn nhà nước khoảng 23.000 người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 42.000 người, doanh nghiệp ngoài quốc doanh khoảng 166.452 người.
Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm 2023, việc làm của người lao động ở Nghệ An được duy trì, tâm lý, tư tưởng người lao động ổn định. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mặc dù có thời điểm đơn hàng giảm phải bố trí cho lao động ở một số bộ phận nghỉ không hưởng lương ngày thứ 7, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp tổ chức tăng ca một số ngày trong tuần.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 7.024 lao động (tăng 7,05% so với quý IV năm 2022). Trong đó, số người lao động thất nghiệp trong tỉnh Nghệ An là 3.138 người tăng 62,92% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 02 tháng đầu năm 2023, số lượng hồ sơ giảm, nhưng đến tháng 3 và tháng 4/2023, số người nộp hồ sơ tăng đột biến (tháng 3 đã tiếp nhận 2.346 hồ sơ, tháng 4 đã tiếp nhận 2.457 hồ sơ).
Nguyên nhân số lao động nộp hồ sơ tang là do các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp trong tỉnh) không ký được đơn đặt hàng mới, các mặt hàng sản xuất ra không nhập khẩu được đặc biệt là hàng may mặc dẫn đến nhiều công ty nợ lương, nợ BHXH và phải cho người lao động nghỉ việc. Người lao động thất nghiệp phần lớn là lao động phổ thông, không có trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc trình độ thấp; chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài; đa số đã từng làm việc trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh...
Cũng theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh tính đến ngày 30/4/2023 là 26.446 người. Các nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất là các ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo có nhu cầu 25.808 lao động (chiếm 98%); dịch vụ 587 lao động (chiếm 2% ); còn lại ngành nông lâm – ngư nghiệp, chiếm 0.02 % nhu cầu.
Các vị trí cần tuyển dụng cụ thể bao gồm: ngành may mặc 10.331 người (chiếm 39,1%); vị trí linh kiện điện tử 7.190 người (chiếm 27,2%); ngành xây dựng 1.220 người (chiếm 4,6%); ngành thực phẩm 1.752 người (chiếm 6,6%); giày da 500 người (chiếm 1,9%); dịch vụ lưu trú - nghỉ dưỡng 264 người (chiếm 1%); nội ngoại thất 51người (chiếm 0,2%) còn các lĩnh vực khác.
Dự báo trong năm 2023, các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, KCN tuyển dụng khoảng 10.000 lao động. Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, dệt may có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động như: Công ty TNHH Luxshare - ICT (Nghệ An); Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Goertek Vina; Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam; Công ty TNHH May An Nam Matsuoka; Công ty TNHH Premium Fashion Việt Nam; Công ty TNHH Plastic Tai Hing Việt Nam; Công ty TNHH trang phục quốc tế Gaiwach (Việt Nam).
Nhìn chung, doanh nghiệp công nghiệp có nhu cầu việc làm cho lao động rất lớn. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các doanh nghiệp rất khó tuyển lao động và hiện hữu nguy cơ thiếu hụt nhiều trong tương lai do lao động trong tỉnh thường chọn làm việc ngoại tỉnh hoặc đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vì bình quân lương tháng tại Nghệ An khá thấp (5 - 6 triệu/tháng) so với cả nước là 6,6 triệu đồng; trong khi đó đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho thu nhập gấp 5 - 8 lần. Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI thường ưu tiên biết ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung nên không dễ tuyển dụng và phải đào tạo. Các doanh nghiệp trong KCN VSIP, KCN WHA đang gặp khó khăn về nhà ở, chưa có tuyến xe buýt hoạt động thường xuyên, ổn định nên ảnh hưởng đến việc đi lại của công nhân; giá thuê phòng trọ và chi phí sinh hoạt xung quanh nơi làm việc đắt đỏ so với mặt bằng chung cả nước...
Đối với những trường hợp buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty đều xây dựng và thực hiện kế hoạch chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động và cam kết sẽ tuyển dụng những người lao động này khi tình hình sản xuất kinh doanh trở lại bình thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh việc tìm kiếm và ký kết đơn hàng mới, giữ chân người lao động.
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động, việc làm, Sở Lao động – TBXH Nghệ An đã phối hợp với các đơn vị liên quan, các địa phương nắm chắc tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, chi trả lương cho người lao động của doanh nghiệp, việc cắt giảm, cho thôi việc, nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may, da giầy) để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Bên cạnh đó, giao Trung tâm Dịch vụ việc làm Nghệ An phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam, UBND các huyện, thị xã, thành phố nắm bắt tình hình; khẩn trương cử cán bộ đến các doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm, cho thôi việc nhiều người lao động để tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Đặc biệt, Sở Lao động – TBXH Nghệ An giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm kịp thời phối hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đến doanh nghiệp có người lao động mất việc làm để tuyển dụng; hướng dẫn người lao động tiến hành làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, học nghề theo quy định của pháp luật lao động; hướng dẫn cho người sử dụng lao động đào tạo lại cho người lao động theo quy định của pháp luật.
Kết quả, 4 tháng đầu năm 2023, Trung tâm dịch vụ việc làm đã phối hợp tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm online, 34 phiên giao dịch việc làm lưu động, 06 chương trình truyền thông hướng nghiệp cho học sinh các trường Phổ thông trung học. Qua các phiên giao dịch việc làm đã có 8.107 người đã được tư vấn về các chính sách việc làm, chính sách BHTN, chính sách đưa người lao động đi làm việc theo hợp đồng đặc biệt là các vị trí việc làm mà hiện nay các Doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng.
Chí Tâm
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48