Lao động
Nghệ An: Đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động
02:52 PM 10/08/2023
(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các giải pháp tạo việc làm cho người lao động như: Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm; Kêu gọi đầu tư để phát triển doanh nghiệp trên địa bàn…
Trên cơ sở Đề án giải quyết việc làm cho người lao động giai đoạn 2021-2025 tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, các huyện, thành phố, thị xã đều ban hành Nghị quyết chuyên đề; hoặc chương trình, kế hoạch, Đề án về giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn.
Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định cơ chế chính hỗ trợ của Trung ương và địa phương trong công tác tư vấn, kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn cũng được đẩy mạnh. Năm 2022, các cơ quan thông tấn, báo chí, Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương đã đăng tải 50 tin bài trên các báo: Nghệ An, Lao động Nghệ An, Lao động xã hội, Tạp chí Lao động xã hội...; Phối hợp tổ chức 3 cuộc đối thoại trực tiếp, xây dựng 12 phóng sự chuyên đề phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; in, phát hành 65.000 các loại tờ rời tuyên truyền chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm để tuyên truyền sâu rộng chính sách hỗ trợ người lao động trong việc tìm kiếm việc làm trong nước, đồng thời cảnh báo những hiện tượng lừa đảo, lợi dụng giải quyết việc làm cho người lao động đi làm việc trong và ngoài nước.
Các sở, ban ngành, các địa phương cũng chú trọng công tác điều tra, khảo sát nhu cầu và đào tạo nghề cho lao động, đào tạo nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo đã chú trọng và đẩy mạnh hoạt động ký kết với doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực tập, tuyển dụng lao động. Tỷ lệ học sinh, sinh viên trình độ cao đẳng, trung cấp sau tốt nghiệp có việc làm đạt 85%,  một số nghề sau đào tạo 100% lao động đều có việc làm, thu nhập ổn định, với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/tháng như: Hàn, cơ khí, điện, điện tử, quản trị khách sạn, công nghệ ô tô, kỹ thuật chế biến món ăn, xây dựng, quản trị nhà hàng..; Số lao động học trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ với năng suất, thu nhập cao hơn đạt 75,8%.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động 
Công tác thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động cũng được đẩy mạnh. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các huyện, thành phố, thị xã, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm tổ chức các phiên giao dịch việc làm trong và ngoài nước cho người lao động. Năm qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thành công 04 Ngày hội, Chương trình kết nối việc làm cấp huyện tại Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu và Tân Kỳ; Phối hợp với Trường trung cấp dân tộc nội trú Nghệ An và các Trung tâm GDTX – GDNN huyện Diễn Châu, Anh Sơn, Quỳ Hợp tổ chức 04 Ngày hội tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 và giới thiệu việc làm cho người lao động đã thu hút 3.900 người lao động, 56 trường nghề, doanh nghiệp tham gia; số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề là 2.432 lượt người. Tổ chức 03 Hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng thời hạn trên địa bàn thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Tổ chức 92 phiên giao dịch việc làm định kỳ tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và 53 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trong tỉnh, 51 Phiên giao dịch việc làm Online và 03 Phiên giao dịch việc làm dành cho lao động EPS làm việc tại Hàn Quốc và thực tập sinh IM Japan về nước. Kết quả: Tổng số lượt đơn vị đến tham gia Phiên giao dịch việc làm là 373 lượt đơn vị. Kết nối việc làm thành công cho 4.023 người. Trong đó: Lao động đăng ký đi làm việc trong nước là 3.050 người; lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài là  973 người.

Tỉnh cũng triển khai hiệu quả các nguồn cho vay giải quyết việc làm để tạo việc làm cho người lao động. Năm qua, nguồn cho vay giải quyết việc làm là 686 tỷ đồng, tăng 291 tỷ đồng so với năm 2021; Doanh số cho vay đạt 440 tỷ đồng thu hút 8.299 lao động, doanh số thu nợ đạt 148 tỷ đồng; Cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (bao gồm cho vay đi làm việc ở nước ngoài tại huyện nghèo và cho vay người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc-EPS) cho 374 người với tổng số tiền 25.364 triệu đồng (Trong đó nguồn cho vay từ Trung ương: 25.364 triệu đồng). Nhờ vốn vay từ các chương trình này, hàng ngàn lao động đã có công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định, nhiều trường hợp đã tạo ra nguồn thu nhập khá, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Người lao động tìm hiểu cơ hội việc làm tại Hội chợ kết nối việc làm do Khu công nghiệp VSIP Nghệ An
phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam tổ chức

Những năm qua, Nghệ An cũng nỗ lực thực hiện hiệu quả công tác thu hút và kêu gọi đầu tư, tạo điêu kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, nhằm tạo thêm việc làm mới cho người lao động. Trong đó, đáng chú ý là việc thu hút được nhiều dự án đầu tư trọng điểm, tăng nhanh số doanh nghiệp nhỏ và vừa, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, kinh tế trang trại; kinh tế hợp tác, hộ gia đình… đã góp phần tích cực vào việc tạo thêm nhiều chỗ việc làm mới. Đến nay toàn tỉnh có 164 làng nghề và gần 164 làng có nghề được tỉnh công nhận. Các làng nghề đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho gần 1 vạn lao động.

Đặc biệt, bằng nhiều giải pháp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng số lượng lao động quy mô lớn đã đi vào hoạt động trong lĩnh vực dệt may, da giày... góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động trong doanh nghiệp theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp Nhà nước, tăng tỷ lệ lao động trong doanh nghiệp FDI. Lần đầu tiên, Nghệ An đứng top 10 các địa phương thu hút vốn FDI, vì vậy tác động tích cực đến thị trường lao động, tạo việc làm có thu nhập cao cho lao động của tỉnh và đảm bảo an sinh xã hội.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 318 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đăng ký qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, số lao động cần tuyển là 49.368 người, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 290 doanh nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển 20.981 lao động, 28 doanh nghiệp ngoại tỉnh có nhu cầu tuyển 28.387 lao động. Riêng các Khu công nghiệp: VSIP I, Nam Cấm, Bắc Vinh; WHA, Hoàng Mai I và Hoàng Mai II và Khu công nghiệp Thọ Lộc với các dự án đang triển khai như: Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT, Foxconn, Huali… nhu cầu cần tuyển khoảng hơn 40.000 lao động.

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, năm 2022, số lao động có việc làm mới của tỉnh Nghệ An là 45.000 người, đạt 104,9% kế hoạch, tăng 11,7%. Trong đó, tạo việc làm trong tỉnh 14.000 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 6.500 lao động, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng 24.560 người (đạt 181,25%). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Nghệ An đã giải quyết việc làm cho 26.950 lao động (đạt 62,67% kế hoạch, bằng 90,17% cùng kỳ năm 2022); trong đó, giải quyết việc làm trong tỉnh 7.167 người, giải quyết việc làm ngoại tỉnh 8.998 người, đưa 11.500 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đạt 79,31% kế hoạch, tăng 73.55% so với cùng kỳ năm 2022)./.

Minh Hưng

 

 
Từ khóa: