Lao động
Nghệ An kết nối cung cầu tạo việc làm bền vững cho người nghèo
10:51 AM 24/12/2024
(LĐXH)- Nhờ thực hiện hiệu quả Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững theo hướng dẫn của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), năm 2024, tỉnh Nghệ An đã kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An, nguồn vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững trong Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2023 là hơn 30,2 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển hơn 10 tỷ đồng, vốn sự nghiệp trên 20,2 tỷ đồng). Năm 2024, ngân sách Trung ương giao vốn sự nghiệp cho tỉnh gần 18 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn được giao, Nghệ An đã triển khai hỗ trợ đầu tư hiện đại hóa Sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (đơn vị thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); tổ chức các hoạt động kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo (Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn).

Cung cấp thông tin thị trường lao động cho người lao động thuộc hộ mới thoát nghèo tại huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An)

Kết quả đối với hoạt động kết nối cung- cầu lao động, tính đến cuối năm 2024, Nghệ An đã tổ chức ngày Hội việc làm tại huyện Đô Lương, huyện Tương Dương với sự tham gia của 3.890 người lao động và 45 đơn vị, doanh nghiệp, trường nghề. Tổ chức 50 phiên Phiên giao dịch việc làm cố định, online với 317 doanh nghiệp và 1.386 lao động tham gia, lao động được giới thiệu việc làm 1.019 người.
Toàn tỉnh cũng đã tổ chức 105 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương và các Trường PTTH, bao gồm: 06 phiên chuyên đề dành cho bộ đội xuất ngũ tại Trung đoàn 764, huyện Nghi Lộc, huyện Anh Sơn, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và Thành đội Vinh; 15 phiên ở huyện Quỳnh Lưu; 14 phiên tại huyện Diễn Châu; 04 phiên ở huyện Yên Thành; 20 phiên tại huyện Đô Lương; 14 ở huyện Tương Dương; 02 phiên tại  thị xã Cửa Lò; 10 phiên ở huyện Thanh Chương; 04 phiên ở huyện Nghi Lộc; 07 phiên ở huyện Quỳ Châu; 03 phiên ở thị xã Thái Hòa, 03 phiên ở huyện Hưng Nguyên và 03 phiên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, còn phối hợp với UBND huyện Nam Đàn tổ chức Hội nghị tập huấn, tuyên truyền về công tác giải quyết việc làm và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trong năm 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức tư vấn nghề và việc làm cho 34.640 người, tăng 5% so với kế hoạch (trong đó, tư vấn nghề cho 10.431 người, tư vấn việc làm cho 24.209 người); giới thiệu việc làm và cung ứng việc làm cho 3.976 người, tăng 13% so với kế hoạch (trong đó, làm việc trong nước là 2.519 người, ngoài nước là 1.457 người đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại Hàn Quốc). Tiến hành thu thập nhu cầu tuyển dụng của 683 doanh nghiệp với 86.872 vị trí việc làm mới; khảo sát 07 doanh nghiệp với 12.535 vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, tính trong giai đoạn 2022 – 2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 190 phiên giao dịch/hội chợ/ngày hội việc làm với 50.570 người tham gia; in ấn và xuất bản 2.001 ấn phẩm phân tích/dự báo thị trường lao động; thu thập, cập nhật thông tin gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đối với 2.461.061 lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho hàng chục lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động tại các huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Đến nay, toàn tỉnh có 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có thành viên trong độ tuổi lao động được hỗ trợ việc làm bền vững.
Kết quả trên đã góp phần vào việc giải quyết việc làm toàn tỉnh cho trên 48.500 người lao động trong năm 2024, đạt 103,19% kế hoạch, bằng 101,21 % so với năm 2023), trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 20.500 người, đạt 124,24% kế hoạch.
Thực hiện Tiểu dự án Hỗ trợ việc làm bền vững, trong năm 2025, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu. Xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người - người tìm việc; hỗ trợ giao dịch việc làm; quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Dự kiến, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ để Nghệ An thực hiện Tiểu dự án này khoảng 33,4 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển 15,63 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 17,8 tỷ đồng.

Chí Tâm

Từ khóa: