Xã hội
Nghĩa tình tháng 7 ở Hà Nội
11:07 AM 27/07/2020
(LĐXH)- “Uống nước nhớ nguồn” luôn là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt trong những ngày tháng 7 nghĩa tình, mặc dù không còn gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, song các đơn vị, địa phương ở Hà Nội vẫn tích cực huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà để có nơi ở khang trang hơn.
Những ngôi nhà mới được hoàn thành dịp kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020) là món quà thiết thực, ý nghĩa dành tặng người có công. Mỗi ngôi nhà xây mới hay sửa chữa, không chỉ giúp người có công có mái ấm an cư, mà còn thể hiện sự tri ân sâu sắc của nhân dân Thủ đô đối với sự cống hiến, hi sinh to lớn của các gia đình chính sách vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Có lẽ tháng 7 năm nay là một mốc thời gian rất đặc biệt đối với ông Dương Văn Xu, thương binh hạng 3/4, thôn Mạch Tràng, xã Cổ Loa (huyện Đông Anh). Trong ngôi nhà mới luôn rộn ràng niềm vui khi người thân, bạn bè đến mừng gia đình ông. Đón nhận niềm vui, ông Dương Văn Xu, phấn khởi cho biết: Ngôi nhà có diện tích hơn 60m2 được xây mới, với tổng kinh phí 300 triệu đồng do huyện Đông Anh vận động từ nguồn xã hội hóa để hỗ trợ. Nhiều năm qua, tôi luôn mong ước có ngôi nhà mới để ở. Đến nay, tâm nguyện lớn của tôi đã thành hiện thực, tôi vui lắm.
Khởi công xây dựng nhà ở cho mẹ liệt sĩ Lê Thị Thái tại xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ)
Vừa nhận bàn giao nhà mới sau quá trình cải tạo, sửa chữa, bà Tạ Thị Tọ (93 tuổi) ở thôn Liên Hợp, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) là vợ liệt sĩ rưng rưng xúc động: Nhiều năm qua, bà sống cùng con gái và cả hai mẹ con sức khỏe không tốt, nên không đủ kinh phí để nâng cấp nhà ở. Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ 70 triệu đồng, hai mẹ con đã được sống trong ngôi nhà vững chãi hơn.
Cùng ở huyện Chương Mỹ, bà Lê Thị Thái (94 tuổi) ở thôn Lam Điền, xã Lam Điền là mẹ liệt sĩ đang mong ngóng từng ngày ngôi nhà mới hoàn thành. Theo lời kể, bà Thái có 6 người con, trong đó con trai cả là liệt sĩ Nguyễn Văn Căn đã anh dũng hy sinh năm 1978, khi tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc. Hiện, bà Lê Thị Thái sống cùng gia đình người con trai thứ 3 ở ngôi nhà xuống cấp. Trong hoàn cảnh đó, gia đình bà Lê Thị Thái được các cơ quan, đơn vị chức năng hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà mới. Dự kiến, ngôi nhà sẽ hoàn thành vào tháng 8/2020.
Những ngày này, gia đình ông Khuất Văn Trọng ở thôn Thanh Câu, xã Lại Thượng (huyện Thạch Thất) tất bật hoàn thiện ngôi nhà mới. Ngôi nhà cấp 4 có kiến trúc khá đẹp với 2 gian ngoài, 1 gian buồng, kết hợp bếp, sân, vườn... Ông Khuất Văn Trọng chia sẻ: Ngôi nhà cũ xây dựng từ năm 1974 đã xuống cấp. Mới đây, gia đình xây lại ngôi nhà mới khang trang hơn, tổng kinh phí khoảng 165 triệu đồng, trong đó, huyện Thạch Thất trích Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" của huyện hỗ trợ gia đình 30 triệu đồng. Các hội, đoàn thể, họ hàng, làng xóm cũng giúp đỡ gia đình nhiều ngày công tháo dỡ nhà cũ, xây nhà mới nên tiết kiệm được chi phí xây dựng...
Chị Vũ Thị Thu Thảo, cán bộ xã Lại Thượng cho biết: Ông Khuất Văn Trọng tham gia quân ngũ từ năm 17 tuổi, chiến đấu tại nhiều chiến trường: Kom Tum, Đà Nẵng... Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông tiếp tục được đơn vị phân công ra đảo Trường Sa Lớn làm nhiệm vụ. Xuất ngũ, trở về quê hương năm 1976, sức khỏe giảm sút, ông được Nhà nước công nhận là bệnh binh.
"Từ đầu năm 2020, xã đã huy động được gần 29 triệu đồng cho Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa (chưa kể ngày công lao động trực tiếp giúp các gia đình người có công khi có việc). Kinh phí huy động được sử dụng vào việc thăm hỏi, tặng quà cho người có công và tu sửa nghĩa trang liệt sĩ của xã" - chị Vũ Thị Thu Thảo, thông tin.
Niềm vui của gia đình bệnh binh Khuất Văn Trọng, xã Lại Thượng (huyện Thạch Thất) được thành phố hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng
Tại một số quận, huyện ở Hà Nội trong dịp này, chúng tôi đều cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc của những gia đình, thân nhân người có công với cách mạng khi họ đang được ở trong ngôi nhà mới hoặc được sửa chữa khang trang, vững chắc. Cụ thể như 4 gia đình người có công ở phường Đồng Mai (quận Hà Đông) gồm các hộ: Ông Đào Duy Sơn, Nguyễn Văn Phú (tổ dân phố 2) và gia đình ông Lê Đình Nho, bà Nguyễn Thị Tâm (tổ dân phố 13) phấn khởi đón nhà mới sau 5 tháng khởi công xây dựng. Trong quá trình xây dựng nhà, mỗi gia đình được hỗ trợ 70 triệu đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa.
Được biết, ngoài những trường hợp nêu trên, theo Sở Lao động - TBXH Hà Nội, dịp kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, toàn thành phố hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 304 gia đình người có công với kinh phí gần 12 tỷ đồng, đạt hơn 136% kế hoạch.
Góp phần mang đến niềm vui cho người có công là những tổ chức, cá nhân tận tâm, tận tình, hết lòng làm việc nghĩa. Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - TBXH huyện Đông Anh, cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, toàn huyện đã vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ 47 gia đình người có công xây, sửa nhà ở; trung bình mỗi hộ được hỗ trợ 70 triệu đồng.
Tương tự, huyện Đan Phượng trích ngân sách hỗ trợ kinh phí xây, sửa 36 ngôi nhà của gia đình người có công với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng; huyện Chương Mỹ vừa trích ngân sách, vừa vận động xã hội hóa giúp 9 gia đình người có công nâng cấp nhà ở, với kinh phí hơn 300 triệu đồng…
Là đơn vị tích cực với những hoạt động tri ân người có công, bà Phạm Thị Hương Giang, Phó Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, trao đổi: Năm nào cũng vậy, dịp này chúng tôi lại hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà ở; thăm hỏi, tặng quà thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhờ sự quan tâm của cơ quan chức năng, sự chung tay góp sức của cộng đồng, việc hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Hà Nội đã hoàn thành từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, phần việc này sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành thành phố triển khai để người có công có cuộc sống tốt hơn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động – TBXH Hà Nội, khẳng định: Công tác rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ gia đình chính sách có nhu cầu hỗ trợ về nhà ở được tiến hành thường xuyên, liên tục và theo quy trình nghiêm ngặt, khách quan. Khi thấy rõ tính hiệu quả, nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm sẽ tiếp tục tự nguyện, đồng lòng cùng thành phố làm việc nghĩa./.

Lê Hoàng

Từ khóa: