Ngôi nhà bình yên: Nơi hỗ trợ và kết nối cho nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng
(LĐXH)-Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Theo Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12/8/2016 của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về là một hoạt động quan trọng, góp phần giảm bớt nỗi đau cho các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời, là bước đầu tiên trong quá trình hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng.
Nhiều nội dung thiết thực hỗ trợ nạn nhân được thực hiện như: gắn với công tác tiếp nhận, hỗ trợ tại cơ sở trợ giúp xã hội, Nhà tạm lánh, tạm trú; lồng ghép với các chương trình hoạt động của địa phương (dạy nghề, cho vay vốn xóa đói giảm nghèo; truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống... Trong các mô hình trên, không thể không nhắc tới Ngôi nhà bình yên - mô hình Công tác xã hội chuyên nghiệp do Hội LHPN Việt Nam.
Ngôi nhà bình yên ( Nhà bình yên - NBY) của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chính thức ra đời ngày 08/3/2007, trong bối cảnh tình hình mua bán người (MBN) ở Việt Nam được nhận thức là nghiêm trọng cả về tính chất và mức độ, Việt Nam đang xây dựng Luật phòng, chống MBN, chưa có cơ sở hỗ trợ nạn nhân. Từ nhu cầu thực tế, kinh nghiệm của một số nước trong khu vực và sự hỗ trợ của quốc tế, Hội LHPN Việt Nam đã thành lập NBY dành cho nạn nhân MBN (giao cho Trung tâm Phụ nữ và Phát triển quản lý). Năm 2017, thành lập thêm 01 nhà tại Cần Thơ.
Mục đích của NBY nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện đối với nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị MBN, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững thông qua các dịch vụ hỗ trợ về kiến thức, kỹ năng và pháp lý; góp phần thực hiện đồng bộ, đầy đủ theo quy định của luật pháp chính sách trong phòng chống MBN.
NBY được tổ chức theo mô hình hoạt động gồm: Các đường dây nóng ( 3 số di động 0946833380/82/84) từ 2007 – nay; năm 2016, thành lập Tổng đài hỗ trợ phụ nữ 1900969680 cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp qua điện thoại, dịch vụ tham vấn ban đầu, kết nối chuyển tuyến tới các dịch vụ phù hợp;
Hai Phòng Tham vấn tại Hà Nội và Cần Thơ : có các nhân viên tham vấn về MBN làm nhiệm vụ tham vấn trực tiếp hoặc qua điện thoại (24/7) cho các khách hàng; thực hiện công tác tiếp nhận và sàng lọc ban đầu PNbị bạo lực giới, TE bị xâm hại theo tiêu chí trước khi vào NBY; theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ NVXH trong tham vấn tâm lý, hỗ trợ khi vào NBY được gọi là người tạm trú ( Ntt) và tổng hợp, cập nhật thông tin, tình hình và báo cáo. Tại NBY, Phòng tham vấn là một hợp phần quan trọng trong mô hình dịch vụ của NBY. Đây là điểm khác biệt của mô hình NBY với các cơ sở hỗ trợ nạn nhân khác. Từ tháng 3/2007 đến 30/9/2020, Phòng tham vấn đã tiếp và cung cấp dịch vụ tham vấn, tư vấn cho 11300 lượt khách hàng, trong đó 20% về vấn đề MBN;
Và Ba NBY tại Hà Nội và Cần Thơ cung cấp dịch vụ hỗ trợ miễn phí và toàn diện cho người tạm trú, bao gồm: nơi ăn, ở an toàn; đưa đến cơ sở khám và điều trị, phục hồi sức khỏe thể chất; tham vấn ổn định, phục hồi sức khỏe tâm thần; tư vấn, hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích; hỗ trợ văn hóa và học nghề, giới thiệu việc làm; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng sống; hỗ trợ và theo dõi hồi gia. Ngoài ra hỗ trợ cả con của Ntt phải đi theo mẹ, đặc biệt về tâm lý và giáo dục. Có thể nói đây là gói hỗ trợ toàn diện, đáp ứng nhu cầu thực tế của Ntt và cần thiết để đảm bảo kết quả, hiệu quả hỗ trợ.
Tính đến ngày 30/9/2020, NBY dành cho PN, TE bị mua bán trở về đã tiếp nhận 373 nạn nhân. Trong đó: 81,7% ở độ tuổi từ 13 - 25, trong đó dưới 18 tuổi chiếm 37,5%. Tỷ lệ này cho thấy độ tuổi bị mua bán ngày càng trẻ hóa, đặc biệt hoạt động MBN ở tuổi vị thành niên đã chứng minh tính chất và mức độ nguy hiểm ngày càng tăng của nạn MBN; 68,3 % bị mua bán vì mục đích bóc lột tình dục và cưỡng bức hôn nhân, lại ở độ tuổi trẻ, vị thành niên như trên đã phân tích cho thấy hậu quả nạn nhân bị mua bán phải gánh chịu là rất lớn; 41,4% thuộc nhóm dân tộc thiểu số (20 nhóm dân tộc) và nạn nhân đến từ 50 tỉnh/thành trong cả nước cho thấy nạn buôn người xuất hiện ở hầu hết các địa phương, trong đó nhóm dân tộc và các vùng nghèo, xa xôi có nguy cơ cao. NBY đã tiếp nhận và hỗ trợ các phụ nữ, trẻ em có quốc tịch Campuchia; 72% có trình độ học vấn thấp, trong đó 22,7% trình độ văn hóa tiểu học, 30,9% trung học cơ sở (tuy nhiên chủ yếu chỉ ở đầu cấp), 10,6% không biết chữ, nhiều người tạm không biết hoặc thông thạo tiếng Kinh.
Nạn nhân đa số xuất phát từ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, đặc biệt tỷ lệ cao nạn nhân xuất thân từ gia đình có bạo lực, bố mẹ ly thân, ly hôn, không quan tâm quản lý con cái (52,1%); cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa môi trường gia đình có bạo lực, gia đình không hạnh phúc, không quan tâm con cái với nguy cơ bị MBN. Việc làm và thu nhập cũng là một nguyên nhân rất quan trọng. Về phía kẻ chủ mưu, buôn người mang lại lợi nhuận rất cao trong khi mức độ xử phạt còn rất thấp.
Trong những năm qua, NBY đã tham gia thực hiện các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho các đối tác trong hệ thống chuyển tuyến và cung cấp dịch vụ cho PNTE bị MNB; thiết kế chương trình và tổ chức truyền thông phòng chống MBN với các hình thức sáng tạo, hiệu quả với các cấp lãnh đạo và cộng đồng: Bữa sang Ruy băng trắng, phối hợp với các địa phương và Bộ đội biên phòng Diễn tập giải cứu nạn nhân bị MBN.
Đồng thời NBY đã xây dựng được cơ chế giao chuyển với các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội; các tổ chức phi chính phủ trong nước quốc tế; Cục phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an); kết nối chặt chẽ với các địa phương, các trường nghề để xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân với các bệnh viện, trường học, doanh nghiệp – tổ chức dạy nghề, tạo việc làm. Cụ thể, để cung cấp dịch vụ dạy nghề cho nạn nhân, Ngôi nhà Bình Yên đã xây dựng mạng lưới với các trung tâm dạy nghề (Reach, KOTO, Hoa Sữa, trường dạy nghề 20/10, Trung tâm dạy nghề L’oreal, Trường Trun cấp nghề may và thời trang Hà Nội; tăng cường gây quỹ từ các tổ chức quốc tế (UNICEF, AECID, Tổ chức Samaritan’s Pure, …) để cung cấp gói phát triển kinh tế cho phụ nữ (22 gói cây con giống (lợn, gà…); dụng cụ thực hành nghề (24 bộ sản phẩm làm nghề tóc móng, sản xuất nước mía); 18 máy may công nghiệp; 05 phương tiện để đi làm (xe đạp).
Trong tổng số phụ nữ và trẻ em được tiếp nhận, đến nay NBY đã thực hiện hỗ trợ: 2.691 lượt người được khám và điều trị bệnh sau MBN ( các thương tích thể chất, lây truyền qua đường tình dục, HIV, chăm sóc và xử lý mang thai ngoài ý muốn,...); 3565 lượt người được hỗ trợ, điều trị và tư vấn tâm lý; 33 người được học văn hóa và xóa mù chữ, trong đó trường hợp hỗ trợ cao nhất là đến cấp Đại học; 151 người được tư vấn học nghề, 77 người tham gia các khóa học nghề, trong đó 93,1% có chứng chỉ nghề trung cấp, 6,9 % có chứng chỉ nghề sơ cấp; 14 lượt người được tư vấn và hỗ trợ pháp lý để bảo vệ quyền lợi trong quá trình tố tụng, điều tra, xét xử; 2565 lượt người được học các kỹ năng sống, 2488 lượt người được tham gia các hoạt động vui chơi tập thể; 273 người được tư vấn hỗ trợ tìm việc làm trong đó có 193 người tìm được việc làm, trong đó 12% có công việc thu nhập ổn định tại các khách sạn 5 sao; 370 người được hỗ trợ theo dõi hồi gia trong 24 tháng, trong đó 123 người được hỗ trợ gói hồi gia (máy may; dụng cụ mở tiệm làm tóc, làm nail; dụng cụ làm đồ ăn sáng; cây con giống…).
Nhìn chung, riêng giai đoạn 2011-2020, cán bộ NBY đã tập trung tham vấn nghề, giới thiệu việc làm cho hàng trăm lượt phụ nữ, một số người còn được nhận vào làm việc tại các khách sạn 5 sao, có thu nhập tốt, 10% nạn nhân tự mở cơ sở kinh doanh riêng (làm nước mía, làm móng, tóc, làm may, mở cửa hàng tạp hóa. Tất cả nạn nhân sau khi rời NBY đều được theo dõi hỗ trợ hồi gia theo quy trình từ 18- 24 tháng bởi nhân viên xã hội và người theo dõi hồi gia tại gia đình, địa phương hoặc nơi làm việc.
Có thể khẳng định Ngôi nhà bình yên là một mô hình Công tác xã hội chuyên nghiệp, thực hiện với các dịch vụ hỗ trợ toàn diện về ăn, ở an toàn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ y tế, hỗ trợ về tâm lý, trợ giúp pháp lý, nâng cao kỹ năng sống, đào tạo học nghề. NBY đã giúp nhiều phụ nữ và trẻ em sau khi hòa nhập cộng đồng đã trưởng thành, có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định. Đây chính là minh chứng về tính hiệu quả trong việc hỗ trợ cho các nạn nhân tái hòa nhập bền vững./.
Nhật Minh
Từ khóa:
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58