Xã hội
Người phụ nữ nhiễm chất độc hóa học ở Trà Vinh hết lòng vì quê hương
09:03 AM 15/07/2019
(LĐXH)- Ở ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh có một người phụ nữ bị nhiễm chất độc hóa học luôn gương mẫu, được nhân dân tin yêu, cảm phục vì đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Được nuôi dưỡng từ truyền thống yêu nước của gia đình và truyền thống kiên cường, bất khuất của quê hương, bà Lê Thị Lến sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ năm 1954, khi mới 15 tuổi với bí danh là Luyến.
Bà công tác tại Ban giao liên xã Thạnh Phú với nhiệm vụ làm giao liên. Là người con gái mới lớn, bà rất thông minh, nhanh nhẹn. Bà khéo léo ngụy trang để qua mắt bọn địch, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Ngoài 20 tuổi, do có nhiều thành tích trong công tác, bà được bầu làm Trưởng Ban chấp hành phụ nữ xã Thạnh Phú, Trưởng Ban chấp hành phụ nữ xã Ninh Thới, rồi Phó Ban chấp hành phụ nữ huyện Cầu Kè. Sau đó bà được bầu bổ sung làm Huyện ủy viên – Trưởng Ban chấp hành phụ nữ huyện Cầu Kè.
Năm 1971, huyện Cầu Kè được chia thành 2 huyện Cầu Kè và Tiểu Cần, bà được phân công làm Trưởng Ban chấp hành phụ nữ huyện Tiểu Cần đến năm 1976. Năm 1977, bà được điều về huyện Cầu Kè làm Phó Bí thư xã Thạnh Phú, rồi năm 1978 bà đảm nhiệm chức Phó Phòng giáo dục huyện Cầu Kè đến khi nghỉ hưu vào năm 1986.
Bà Lê Thị Lến vẫn bồi hồi, xúc động khi nhớ lại một thời tham gia kháng chiến (Ảnh minh họa)
Khi nhắc lại những ngày tháng thầm lặng mà tự hào khi tham gia cách mạng, bà Lê Thị Lến không nhắc nhiều đến những chiến công của cá nhân mà cho rằng, đó chính là sự hun đúc từ ý chí cách mạng của quê hương Nam Bộ, nhất là truyền thống của  phụ nữ Việt Nam “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Bà tâm sự: “Trong kháng chiến chống Mỹ, người phụ nữ thuộc mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi, bất chấp lưỡi lê, họng súng, bom đạn của kẻ thù đã tận dụng thế hợp pháp tiếp cận quân thù; vận dụng sáng tạo “ba mũi giáo công”, góp phần to lớn vào việc đập tan hệ thống “ấp chiến lược”, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đến quốc Mỹ. Người phụ nữ cũng đã tham gia lãnh đạo cướp chính quyền, vận động quyên góp ủng hộ kháng chiến, chống giặc đói, giặc dốt, chống bắn pháo, rải chất độc hóa học”.
Sau nhiều năm công tác, khi trở về địa phương, tuy đã cao, sức yếu nhưng bà đã cùng gia đình chăm chỉ lao động, sản xuất. Hiện gia đình bà đã mua được 7 công đất trồng dừa. Tổng thu nhập hàng năm của gia đình vào khoảng 120 triệu đồng. Gia đình có nhà ở cơ bản, kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi.
Năm 2010, chồng bà cũng là một cán bộ hưu trí không may bị trọng bệnh và qua đời. Trong cuộc sống, bà luôn vượt lên số phận, làm trò trách nhiệm của một người vợ, người mẹ, người bà, nuôi dạy hai con khôn lớn, trưởng thành. Các con của bà hiện người làm giáo viên dạy học tại Trường Trung học phổ thông Cầu Kè, một người đang công tác tại Ủy ban nhân dân xã Hòa An.
“Bản thân tôi là một đảng viên, vừa là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, tôi luôi gương mẫu cùng gia đình vận động bà con làng xóm tham gia đầy đủ các phong trào của địa phương; thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, vận động mọi người chí thú làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình, tránh xa tệ nạn, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, đưa xã nhà trở thành xã văn hóa, xã nông thôn mới” – bà Lê Thị Lến tự hào nói.
Qua thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, cuộc sống mới khu dân cư, gia đình bà nhiều năm liền được Ủy ban nhân dân xã Hòa Ân công nhận danh hiệu “Gia đình Văn hóa”. Với những thành tích từ trong kháng chiến, bà được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng I; Huân chương Kháng chiến hạng III của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Huân chương Giải phóng hạng II. Bà cũng được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng vào năm 2014 và 55 tuổi Đảng vào năm nay./.
Hồng Minh
Từ khóa: