Xã hội
Người thương binh không muốn là gánh nặng cho xã hội
10:03 AM 27/04/2020
Là doanh nhân có tiếng trong và ngoài tỉnh, ở tuổi ngoài thất thập, nghiệm lại, ông bảo: “Điều tâm đắc nhất của tôi là dù bị thương tật nặng nhưng không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”. Ông là Nguyễn Đức Điểm, thương binh 1/4, dù mất đi một cánh tay nhưng ông đã khéo“chèo lái” Hợp tác xã Vận tải ô tô Tân Phú suốt 25 năm qua đi từ thành công này đến thành công khác.
Thương binh ¼, doanh nhân Nguyễn Đức Điểm luôn coi công việc là nguồn sống, cách để rèn luyện thể lực và trí lực.
Từ “một bàn tay trắng”
Xuất thân trong gia đình làm nông nghiệp có 11 người con, trong khi anh trai duy nhất đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam không có tin tức về, tháng 4-1968, vừa tròn 20 tuổi, thanh niên Nguyễn Đức Điểm xung phong nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn Đặc công thuộc Sư đoàn 304 (đơn vị chủ lực chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên - Nam Lào), làm nhiệm vụ trinh sát. Đơn vị anh nhiều lần “chạm mặt” địch khi trinh sát trận địa, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Một trong những lần cam go, hiểm nguy nhất là khi anh và các đồng đội băng qua một bãi cỏ tranh thấp thì bị một máy bay trực thăng địch phát hiện, dưới làn mưa đạn điên cuồng ấy, anh và một vài đồng đội may mắn sống sót trở về đơn vị. Biết nơi đóng quân đã lộ, 4 giờ sáng hôm sau, đơn vị anh đang khẩn trương chuẩn bị chuyển địa điểm thì bất ngờ bị địch nã pháo. Khi anh tỉnh lại thì thấy mình đang nằm cáng được bốn đồng đội khiêng vượt rừng, cánh tay phải bị dập nát gần hết, máu đầm đìa ở phía lưng. Anh được phẫu thuật 2 lần tại bệnh viện tiền phương cách nơi bị thương một ngày rưỡi đi bộ. Các bác sĩ buộc phải cắt ngang ống xương, bỏ đi gần hết cánh tay phải của anh. Hôn mê hai ngày, tỉnh lại trong trạng thái đau đớn khắp người nhưng điều khiến chàng trai trẻ lo sợ, suy sụp nhất là suy nghĩ: Mình thành què cụt thế này làm được gì đây, tương lai coi như hết! Rồi anh được chuyển ra Bắc điều trị, an dưỡng tại Vĩnh Phúc; giữa năm 1971 anh chuyển về Trại Điều dưỡng thương binh của tỉnh.
Nhớ lại thời gian đó, ông Điểm bảo: Nội tâm tôi giằng xé, tự đấu tranh với suy nghĩ giữa có thể và không thể, tự lập xây dựng cuộc đời hay sống dựa vào sự chăm sóc của người khác và chế độ của Nhà nước. Dần dần tôi lấy lại niềm tin vì không muốn mình trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
 Anh lấy vợ, tự làm nhà lá ra ở riêng và được bố mẹ chia cho 10 đấu gạo. Vốn biết chút ít về may vá trước khi nhập ngũ, anh tìm mua một chiếc máy khâu cũ và quyết chí lập nghiệp bằng nghề này. Nhiều khách hàng đến “tiệm may” Đức Điểm, không tin ông thợ một tay có thể may được quần áo đẹp nên quay về. Sau thoáng buồn, anh nghĩ, cách duy nhất để sống được bằng nghề là phải xây dựng niềm tin với khách hàng, phải cố gắng hơn người lành lặn nhiều lần. Và anh đã có được điều ấy bằng sự kiên trì, nhẫn nại.15 năm sống bằng nghề may giúp cuộc sống gia đình anh khá hơn mặt bằng chung của người dân thời kỳ bao cấp. Điều quan trọng là 15 năm khó khăn nhất ấy đã giúp anh tôi rèn ý chí, tự đúc rút được nhiều kinh nghiệm kinh doanh để làm bàn đạp cho những bứt phá sau này…
Trở thành người “thuyền trưởng” tài ba
Tiếp mạch câu chuyện về kinh doanh, cựu chiến binh, doanh nhân Nguyễn Đức Điểm cho rằng, quan trọng nhất là uy tín, làm nghề gì cũng vậy, với ai cũng vậy, mất uy tín coi như thất bại. 
Làm ăn khấm khá, có vốn, ông mua ô tô về chở hàng thuê rồi thuyết phục bạn bè, người thân để thành lập Hợp tác xã (HTX) Vận tải ô tô Tân Phú vào cuối năm 1995. Thời gian đầu, đơn vị gặp không ít khó khăn, xã hội còn nhiều định kiến với mô hình HTX kiểu cũ, là người đứng mũi chịu sào, bằng tài trí và uy tín của mình, ông lãnh đạo HTX phát triển ngày càng ấn tượng. Đến nay, HTX Vận tải ô tô Tân Phú có 150 thành viên và người lao động, doanh thu hằng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng; là một thương hiệu trong tốp đầu miền Bắc về dịch vụ nâng - hạ, là nhà phân phối lớn, có uy tín cho những thương hiệu sắt, thép hàng đầu.
Cùng với thành công trong kinh doanh, nhiều người còn biết doanh nhân, cựu chiến binh Nguyễn Đức Điểm luôn tích cực đóng góp cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, ủng hộ nhiều cho địa phương. Giờ đây, tuổi đã cao, ông rút dần vào “hậu trường”, chỉ quyết đáp những vấn đề quan trọng nhất của HTX nhưng vẫn luôn là điểm tựa tinh thần, là “thuyền trưởng” có ảnh hưởng rất lớn đến tập thể thành viên và người lao động.
Tôi ngạc nhiên khi biết ông mới mua 2ha đất để làm nông nghiệp sạch. Ông giải thích là vì để có việc làm cho mình, cho người thân và có thể giúp đỡ một số người. “Tôi không làm không chịu được vì sẽ đau ê ẩm khắp người, lạ lắm!” - Ông nói. Khu đất 2ha vốn cằn cỗi, trước đó không ít chủ cũ bỏ hoang, giờ đây được gia đình ông cải tạo thành khu ruộng vườn xanh tốt quanh năm với nhiều loại rau, quả giống mới. Mỗi ngày của ông bắt đầu từ 4 giờ, sau 2 tiếng tập thể dục và sinh hoạt buổi sáng xong là ông bắt tay vào công việc, nếu không liên quan đến điều hành HTX thì thường là ngoài ruộng.
Quả thực, ông không phải là “gánh nặng” cho gia đình và xã hội mà còn là một tấm gương sáng cho nhiều người noi theo.

Với sự chèo lái tài tình của người “thuyền trưởng” – thương binh ¼ Nguyễn Đức Điểm, đến nay, HTX Vận tải ô tô Tân Phú trở thành đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu toàn quốc, được trao Huân chương Lao động hạng Ba; cá nhân Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Nguyễn Đức Điểm được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Trần Quyền/baothainguyen.vn
Từ khóa: