Lao động
Nhiều chính sách hỗ trợ lao động khó khăn do đại dịch ở các tỉnh phía Nam
10:52 AM 13/09/2021
(LĐXH)- Để hỗ trợ người lao động, ngoài việc triển khai các chính sách của Trung ương, từng địa phương còn có thêm các chương trình hỗ trợ thiết thực, góp phần giảm khó khăn cho lao động.
Nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời đến với người lao động khó khăn do đại dịch (ảnh minh họa)
Theo Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các tỉnh phía Nam, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động và người lao động tự do tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam.
Tính đến cuối tháng 8/2021, tại các tỉnh, thành phía Nam đã có gần 2,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phải ngừng việc, chiếm 70% số lao động phải ngừng việc của cả nước. Trong đó, TP HCM có hơn 625.000 người lao động ở các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các khu chế xuất, khu công nghiệp ở thành phố bị mất việc, ngừng việc.
Bà Nguyễn Thị Mộng Thu, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH Đồng Nai cho biết, để kịp thời hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp, Sở LĐTB&XH đã ban hành Văn bản số 4887/LĐTBXH-CSLĐ nhằm đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp rà soát, lập thủ tục để người lao động nhanh chóng hưởng chính sách theo quy định.
Trong đó đã hướng dẫn doanh nghiệp một số trường hợp liên quan đến việc xác định chế độ chính sách được hưởng.
Theo quy định, người lao động làm việc tại doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 đáp ứng các điều kiện sau đây thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ: tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên, thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 1/5/2021 đến 31/12/2021. Đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Mức hỗ trợ là: 1.855.000 đồng/người đối với người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày đến dưới 1 tháng (30 ngày); 3.710.000 đồng/người từ 1 tháng (30 ngày) trở lên; mang thai được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người; nuôi con chưa đủ 6 tuổi thì được hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/trẻ em.
Những lao động có hoàn cảnh khó khăn được các đơn vị ban ngành chăm lo trong mùa dịch bệnh
Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 địa điểm” và phải dừng hoạt động sản xuất kinh doanh theo Văn bản 8423/UBND-KGVX ngày 20/7/2021 hoặc Văn bản số 9047/UBND-KGVX ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh được xem là phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 để được hưởng chính sách hỗ trợ.
Tính đến ngày 9/9/2021, Sở đã trình UBND tỉnh chính sách hỗ trợ 117 đơn vị với 30.094 lao động, tổng kinh phí hỗ trợ là 61,78 tỷ đồng.
Đối với tỉnh Bình Dương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương và chấp thuận cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định về việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn thực hiện hỗ trợ cho người lao động tại công văn số 4685/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 06/8/2021 và Công văn 4736/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 14/8/2021.
Theo đó, đối với người lao động (từ 15 tuổi trở lên, không phân biệt công nhân hay lao động tự do, trừ công nhân lao động đang thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến") đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà là 300.000 đồng/người và người lao động khăn (từ 15 tuổi trở lên, không phân biệt công nhân hay lao động tự do) có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương (trừ công nhân lao động đang thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến") sẽ được hỗ trợ lương thực thực phẩm trị giá 500.000 đồng/người. Có thể hỗ trợ bằng lương thực thực phẩm hoặc tiền mặt. Chính sách hỗ trợ được áp dụng trong tháng 8/2021 và chỉ hỗ trợ một lần.
Còn tại TP HCM, ngoài các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, hiệu quả, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM đã triển khai "Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19" qua Cổng thông tin 1022.
Theo đó, khi gặp khó khăn do COVID-19, người dân có thể gọi 1022 – nhấn phím 2 để cung cấp thông tin đề nghị được hỗ trợ.
Các thông tin sẽ được tiếp nhận qua "Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19" bao gồm: Thông tin về bản thân, gia đình hoặc hàng xóm, những người xung quanh có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương cần được hỗ trợ nhu yếu phẩm; Thông tin về bản thân hoặc gia đình người dân thuộc đối tượng bị tác động, ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Trung ương và TP HCM nhưng chưa nhận được hỗ trợ; Thông tin về các trường hợp khác trong xã hội cần hỗ trợ (người già neo đơn, trẻ cơ nhỡ,…).
Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cho biết, thông tin tiếp nhận sẽ được Cổng thông tin 1022 chuyển đến UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xử lý, hỗ trợ người dân trong thời gian nhanh nhất. Ngoài ra, Hội đồng nhân dân thành phố và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố cũng sẽ giám sát việc xử lý, hỗ trợ người dân khi gặp khó khăn của các đơn vị.
Với tinh thần truyền thống của dân tộc ta “lá lành đùm lá rách”, trong khi đợi sự hỗ trợ của chính quyền, nhiều nguồn lực xã hội đã chung sức hỗ trợ cho người nghèo, người thuộc nhóm yếu thế. Đã có rất nhiều các điểm phát gạo, mì gói, trứng, dầu ăn, khẩu trang và cung cấp bữa ăn miễn phí, giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn, người bán vé số, nhặt ve chai… Những bữa ăn miễn phí, những đồ dùng thiết yếu đã được tổ chức để mọi người cùng nhau vượt qua cơn khó khăn trong mùa dịch này./.
Nguyễn Lại Thìn
Từ khóa: