Nhiều giải pháp hữu hiệu giúp lĩnh vực lao động, việc làm vực dậy trong bối cảnh đại dịch Covid-19
(LĐXH)- Trước tình hình diễn biến phức tạp dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã triển khai thực hiện các biện pháp ngăn chặn với mức độ quyết liệt ngày càng gia tăng và đã chứng minh tính hiệu quả trong việc kiềm chế cuộc khủng hoảng y tế này.
Ảnh hưởng từ đại dịch tới lao động, việc làm như thế nào?
Theo đó, hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh tạo nên một tác động chưa từng có đối với vấn đề lao động, việc làm. Các nhân viên y tế đang làm việc trên tuyến đầu trong trận chiến chống virus. Trong khi hàng ngày họ đang làm nhiệm vụ, cống hiến cho xã hội, nơi làm việc của họ lại khiến cho họ có nguy cơ bị lây nhiễm cao. Nhiều người lao động vẫn tiếp tục đi làm đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong phương thức làm việc của mình. Các doanh nghiệp đã thay đổi cách thức sắp xếp công việc để bảo vệ sức khỏe của người lao động, vì thế có thể có tác động tới sản lượng. Các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mà Chính phủ Việt Nam đang áp dụng tác động trực tiếp tới hàng triệu người lao động.Một phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm DVVL Hà Nội
Chính phủ đã ra chỉ thị áp dụng chính sách cách ly xã hội trên toàn quốc, do đó nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc một số cấu phần kinh doanh dịch vụ thuộc mọi quy mô và lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động trong một thời gian dài. Biện pháp giãn cách xã hội gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng trong doanh thu và nơi làm việc của người lao động thuộc các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu bị đóng cửa. Các nhà máy phục vụ thị trường nội địa phải cắt giảm thời giờ làm việc của người lao động, đề nghị giảm mức lương hay tạm dừng mọi hoạt động sản xuất và cho người lao động nghỉ việc. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đối mặt với sự sụt giảm nghiêm trọng về số giờ làm việc, tạm dừng hợp đồng, cắt giảm lương và sa thải. Một đánh giá mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trên 46 tỉnh thành cho thấy, 76% doanh nghiệp được khảo sát đã giảm số giờ làm của người lao động theo nhiều cách khác nhau.
Tuy nhiên, theo ILO, số liệu thống kê quốc gia trong quý I thể hiện khủng hoảng COVID-19 chỉ tạo nên tác động nhỏ đối với thị trường lao động Việt Nam. Phân tích các chỉ số thị trường lao động từ các số liệu mới nhất cho thấy việc làm, tình trạng thất nghiệp và số giờ làm việc trong quý I năm 2020 vẫn chưa bị tác động do khủng hoảng. Số liệu việc làm cũng giữ ở mức ổn định trong các lĩnh vực đã chứng kiến sự sụt giảm trong tốc độ tăng trưởng hay thu hẹp quy mô do khủng hoảng trong quý đầu của năm. Tỷ trọng việc làm trong lĩnh vực du lịch, trong đó bao gồm một số nhóm ngành, trong tổng số việc làm cũng ở mức ổn định. Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây cho thấy, thị trường lao động phản ứng với suy thoái kinh tế có độ trễ, do các doanh nghiệp luôn cố duy trì lực lượng lao động lâu nhất có thể bằng cách cắt giảm sản lượng cho đến khi không còn tiếp tục duy trì được nữa.
Theo đánh giá, khoảng 25,8 triệu lao động tại Việt Nam hiện đang làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ phải đối diện với sự suy giảm đáng kể về sản lượng kinh tế (mức trung bình hoặc cao). Toàn bộ lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống nói chung đang phải hứng chịu tác động nghiêm trọng. Các hoạt động kinh tế liên quan đến du lịch (bao gồm các dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, cũng như các hoạt động nghệ thuật và vui chơi giải trí) đã bị đóng băng. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất cũng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất; ngành vận tải hàng không là một phân ngành trong lĩnh vực vận tải, kho bãi và truyền thông cũng gần như hoàn toàn đình trệ. Một số các hoạt động khác trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí cũng vậy.Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới thị trường lao động
ILO ước tính đến cuối quý II năm nay, cuộc khủng hoảng có thể tác động tới sinh kế của 4,6 đến 10,3 triệu lao động thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm. Theo kịch bản có mức tác động lớn hơn sẽ có 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất; 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe gắn máy và xe máy và 1,4 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng. Kịch bản có mức tác động thấp hơn là sẽ ảnh hưởng đến 1,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 0,9 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ và 0,9 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống. Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp hiện đang sử dụng tổng cộng 18,9 triệu lao động được đánh giá là lĩnh vực có nguy cơ thấp, nhưng các phân ngành phục vụ xuất khẩu cũng có thể phải đối diện với nhiều thách thức.
Cuộc khủng hoảng cũng tác động đặc biệt nặng nề đến lao động phi chính thức. Khu vực kinh tế phi chính thức là nguồn tạo sinh kế chính của phụ nữ và nam giới ở Việt Nam. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ việc làm phi chính thức đã và đang có xu hướng giảm đi, nhưng phần đông lao động cả nước vẫn đang làm việc trong khu vực này. Lao động phi chính thức không được hưởng các chế độ phúc lợi cơ bản như khi làm một công việc chính thức, bao gồm cả chế độ bảo trợ xã hội. Nếu họ phải ngừng làm việc do suy thoái kinh tế, ốm đau hay thực hiện giãn cách xã hội, họ sẽ không được bảo vệ bởi chế độ bảo trợ xã hội.
Nhiều giải pháp hữu hiệu
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì và được truyền hình trực tiếp với chủ đề: “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế” ngày 9/5/2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Trong bối cảnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19, có tới 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng, doanh thu giảm còn 70%; khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực du lịch hàng không, dịch vụ lao động tự do bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 26% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc ngừng việc, giãn việc và mất việc. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã nỗ lực rất lớn để duy trì sản xuất; doanh nghiệp và người lao động cũng có sự chia sẻ cùng nhau chung tay vượt qua khó khăn, như: doanh nghiệp trả lương cơ bản cho người lao động, nhiều nơi người lao động tự nguyện giảm một phần thu nhập của mình để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/QĐ-TTg về gói hỗ trợ lao động bị giảm sâu về thu nhập có mức sống dưới mức tối thiểu với 62.000 tỷ đồng, dự kiến hỗ trợ cho trên 20 triệu lượt đối tượng. Trong 07 nhóm hỗ trợ nhấn mạnh đặc biệt quan tâm nhóm lao động trong các doanh nghiệp bị tạm hoãn hợp đồng, lao động nghỉ không hưởng lương lao động bị chấm dứt hợp đồng, lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, lao động tự do, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và việc lao động, doanh nghiệp được tạm dừng đóng vào Quỹ Bảo hiểm hưu trí tử tuất.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ LĐTB&XH cùng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Văn phòng Chính phủ cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm triển khai đúng, kịp thời công khai, minh bạch đến các đối tượng. Đến nay 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai, hỗ trợ trên 20.000 tỷ, 45/63 tỉnh đã rà soát xong và cơ bản bắt đầu từ 9/5 sẽ tập trung hỗ trợ nhóm lao động tự do, lao động dừng hợp đồng dự kiến theo ước tính khoảng 7.630 tỷ; 47 tỉnh đã triển khai giải quyết việc tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất cho 900 doanh nghiệp với 80.000 lao động với trên 300 tỷ đồng.
Với chủ trương quyết sách của Chính phủ và nỗ lực vượt qua thách thức, đón thời cơ phục hồi kinh tế, hoạt động kinh doanh sản xuất, dịch vụ phục hồi thì số người mất việc hàng tháng sẽ quay về mức trung bình trong dài hạn (khoảng 70-80.000), lao động mất việc làm hàng tháng sẽ từng bước quay lại thị trường lao động. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương, doanh nghiệp triển khai đúng có hiệu quả Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các doanh nghiệp cần ưu tiên hàng đầu là tập trung tái cấu trúc lại nguồn nhân lực đi đôi với đổi mới công nghệ và chuỗi giá trị như phát biểu khai mạc và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khuyến cáo để khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, yêu cầu sống còn là phải đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho lao động để tăng năng suất lao động. Hệ lụy của cắt giảm nhân sự hàng loạt là chi phí tuyển dụng lại sẽ rất lớn, hoặc doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng lao động khi hoạt động sản xuất được quay trở lại. Vì vậy, Bộ LĐTB&XH sẽ trình với Thủ tướng ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, sẽ đề xuất và tham mưu với Chính phủ dành 3.000 đến 5.000 tỷ từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại lực lượng lao động (về vấn đề này Trung Quốc đã chi 12 tỷ USD), dự kiến sẽ có khoảng 1 triệu lao động được đào tạo lại và cấp chứng chỉ. Về phương thức, chúng ta sẽ tập trung đào tạo và đào tạo lại tại doanh nghiệp gắn với trường nghề, gắn hoạt động trực tiếp của doanh nghiệp do doanh nghiệp triển khai, cấp tiền trực tiếp cho doanh nghiệp. Mặt khác, Bộ sẽ triển khai cấp phép lao động cho chuyên gia, nhà quản lý và lao động kỹ thuật nước ngoài vào Việt Nam một cách phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội./.
Nguyễn Lại Thìn
Từ khóa:
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
03-01-2025 15:24 00
-
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
12-12-2024 18:13 43
-
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
31-12-2024 11:23 09
-
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
30-12-2024 13:34 40
-
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
14-12-2024 13:41 08
-
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
23-12-2024 13:21 20