Lao động
Nhiều mô hình phụ nữ giúp nhau làm giàu ở Thủ đô
02:59 PM 05/11/2019
Những năm qua, hỗ trợ phát triển kinh tế-là một trong những chỉ tiêu thi đua được Hội LHPN các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội thực hiện hiệu quả, đặc biệt là năm 2019. Từ đây, các trang trại, nhà vườn rộng hàng ngàn mét vuông, mô hình chăn nuôi, kinh doanh cho doanh thu hàng tỷ đồng/năm do phụ nữ làm chủ đã ra đời… góp phần nâng cao thu nhập, xóa nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Lụa, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ thời gian gần đây có phần tất bật hơn với công việc chăm sóc cây trong vườn nhà. Khu vườn rộng hơn 2 ha, được vợ chồng chị quy hoạch cẩn thận, nơi ươm cây giống, nơi trồng cây cảnh, góc này chuyên canh hoa, phía trước nhà là giàn treo cả trăm giò phong lan. Chị Lụa chia sẻ: Thời tiết mưa ẩm, cây dễ bị nấm mốc, thối rễ… Vì vậy, người trồng phải để tâm quan sát, có phương án chữa trị cho cây kịp thời.
Chị Lụa tự gọi vui mình là “nhà nông ít học”, bởi chị mới chỉ học hết lớp 7. Nhưng, sự thực chị chỉ không học nhiều ở trường lớp, chứ vẫn luôn tự học qua sách vở, từ bạn bè, tham gia các lớp phổ biến khoa học kỹ thuật do Hội Phụ nữ tổ chức. Ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng của chị cũng rất cao. Chị nhớ lại, có những đợt, chị bỏ ra hàng trăm triệu tiền mua cây giống, sau chỉ thu về non nửa vì cây con bị chết. Lại có đợt, hạt giống gieo không lên cây, chị cũng bị thua lỗ. Nhưng, mỗi lần thất bại, vợ chồng chị lại tự rút ra được nhiều bài học quý. 
Chị Nguyễn Thị Lụa bên mô hình trồng cây cảnh cảu gia đình
Đến nay, nhà vườn của vợ chồng chị chuyên bán buôn hàng chục loài hoa, mùa nào hoa đó như dạ thảo, ngọc thảo, cẩm chướng, xác pháo, thu hải đường… các loại cây cảnh thế, giống cây ăn quả như mít, táo, ổi… Riêng dịp gần Tết Nguyên đán, nhà vườn có thể xuất vài trăm chậu hoa to, 2-3 vạn chậu hoa nhỏ… Chị Lụa nhẩm tính một sào ruộng cho thu hoạch vài tạ thóc, nhưng trồng cây cảnh giúp nhà nông thu lợi gấp 4,5 lần. Không chỉ phấn khởi với hướng phát triển kinh tế đúng, chị Lụa còn giúp tạo việc làm cho nhiều lao động với mức lương từ 250.000-350.000 đồng/ngày. 
Tại xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, những nhà vườn do hội viên phụ nữ làm chủ như vậy có khá nhiều. Có thể kể tới nhà vườn phong lan Duyên Uy, ở đội 7, xã Tích Giang của mẹ con hội viên Kiều Thị Duyên, Hà Thị Anh. Không chỉ kế thừa nghề trồng cây cảnh, cây ăn quả của bố mẹ, cô gái trẻ 8x Hà Anh còn mạnh nuôi thêm hoa phong lan. Những loài phong lan rừng của Tây Bắc, Hà Tĩnh, Hòa Bình… được Hà Anh thuần chủng, ghép gỗ rồi đưa ra thị trường. Tại nhà vườn Duyên Uy hiện nay, ngoài hơn 1.000m2 trồng cây cảnh, còn có từng đó diện tích nuôi hàng chục loài hoa khác nhau, trong đó có nhiều giống hoa quý có giá trị hàng chục triệu đồng/giò như Hoàng Nhạn tháng 8, Quế Hòa Bình, Phi Điệp… Hà Anh cho biết, chăm hoa phong lan không cầu kỳ, nhưng, người trồng phải rất hiểu hoa, nắm được bệnh và cách chữa bệnh cho hoa. Đến nay, nhà vườn của gia đình Hà Anh cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, là mô hình điểm được nhiều cấp ngành, trong đó có Hội Phụ nữ Phúc Thọ đánh giá cao. Nhà vườn đã đón nhiều khách thăm quan, là nơi trao đổi kinh nghiệm trồng cây, làm giàu với các hội viên phụ nữ khác.
Tại huyện Mê Linh, hội viên phụ nữ Lưu Thị Thanh Tuyền bằng sự quyết tâm, sáng tạo của mình cũng như sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ đã khởi nghiệp thành công trên chính quê hương. Từ việc trăn trở làm sao có được những giống hoa khỏe mạnh để cung cấp cho người dân vùng chuyên canh hoa ở Mê Linh, Tuyền đã thực hiện thành công mô hình sản xuất cây hoa giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật. Mô hình đã đem lại cho Tuyền doanh thu hàng tỷ đồng/năm, cũng như tạo việc làm cho nhiều lao động, chủ yếu là phụ nữ trên địa bàn. Tuyền đã được Hội LHPN Hà Nội vinh danh trong ngày hội Phụ nữ Thủ đô sáng tạo khởi nghiệp vào tháng 10 vừa qua. Tới đây, Hội Phụ nữ sẽ còn có nhiều chương trình như hỗ trợ kỹ thuật, giúp đỡ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, kết nối đầu ra, trang bị kiến thức khởi sự… để Tuyển và nhiều chị em khác khởi nghiệp thành công hơn.
Còn tại huyện Ba Vì, chị Phạm Thị Thanh Huyền, SN 1977, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì từng có cuộc sống khá khó khăn. Nhưng rồi, không thể để cái nghèo đeo bám thêm nữa, chị bàn với chồng vay vốn mở cơ sở Sữa Chị Vàng Ba Vì, chuyên bán sữa tươi và sản xuất các chế phẩm từ sữa. Trung bình một ngày, cơ sở của chị giúp thu gom 6 tấn sữa vào mùa hè, 4 tấn sữa vào mùa đông của các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn với giá ổn định. Nhờ đó, nhiều hộ nông  dân cũng phấn khởi vì không còn vất vả lo đầu ra cho sữa. Ngoài  ra, chị còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục công nhân thời vụ, với mức lương khoảng 4 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng năm chị thu về khoảng 1 tỷ đồng. 
Trên đây chỉ là một trong rất nhiều gương hội viên phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu bền vững được ghi nhận. Để có được kết quả này, không thể không kể tới vai trò của tổ chức Hội với nhiều hoạt động, giải pháp sáng tạo, hiệu quả. Chẳng hạn, Hội LHPN huyện Gia Lâm đã tổ chức tọa đàm “Đề xuất các giải pháp giúp hội viên phụ nữ thoát nghèo bền vững”, thông qua đó đã đề xuất các giải pháp với UBND huyện, các cấp các ngành giải pháp giúp đỡ hội viên thuộc hộ nghèo thoát nghèo. Huyện và cơ sở đã rà soát, giúp đỡ và đề xuất chính quyền có giải pháp cụ thể giúp đỡ 401 hộ nghèo phát triển kinh tế, qua đó giúp 62/22 hộ thoát nghèo (281,8%); 89/38 (234,2%) hộ thoát cận nghèo, 99/50 (198%) hộ có hoàn cảnh khó khăn nâng cao mức sống…
Hội LHPN các quận, huyện: Long Biên, Thạch Thất, Phú Xuyên, Mê Linh, Đan Phượng, Ứng Hòa, Thanh Trì, Sóc Sơn... lại duy trì và khai thác các nguồn vốn với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng phát triển nông nghiệp, Tài chính vi mô... để hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế. Cùng với đó là các hoạt động giúp về ngày công, con giống, vật tư, nguyên liệu, hỗ trợ công cụ, phương tiện sản xuất... Hội LHPN huyện Đông Anh hiện đang quản lý hơn 263 tỷ đồng cho 9.250 hộ vay (tăng 110 tỷ so với cùng kỳ năm 2018). Bên cạnh đó, Hội còn duy trì hiệu quả mô hình "Làm chổi tre, chổi chít", mô hình "Trồng nấm rơm" góp phần thu gom rơm rạ bảo vệ môi trường và giải quyết việc làm cho  lao động nông nghiệp tại chỗ với mức thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/ tháng. Hội LHPN huyện Mê Linh phối hợp tổ chức giải ngân 55,42 tỷ đồng vốn từ nguồn ủy thác của Ngân hàng CSXH huyện, quỹ Tình Thương cho 1.392 thành viên vay phát triển kinh tế, nâng tổng số nguồn vốn do các cấp Hội quản lý lên gần 180 tỷ đồng cho hơn 9.000 lượt hội viên vay.
Bên cạnh đó, Hội LHPN các quận, huyện  còn phối hợp với Trung tâm phát triển phụ nữ Hà Nội; Phòng kinh tế, trung tâm dạy nghề tại địa phương tổ chức mở các lớp dạy nghề, giới thiệu học nghề: dạy may công nghiệp, trồng lúa chất lượng cao, mộc dân dụng,  dạy nấu ăn, làm tóc, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP… cho hội viên; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, duy trì và phát triển các mô hình kinh tế trang trại. Hội LHPN quận Hoàng Mai thành lập tổ liên kết kinh doanh dịch vụ; Hội LHPN huyện Quốc Oai thành lập 4 tổ liên kết giúp nhau phát triển kinh tế… Hội phụ nữ các quận huyện còn phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo, tham quan, trao đổi và  giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tại các đơn vị như: HTX rau an toàn xã Tiền Lệ, huyện Hoài Đức; thịt lợn sạch huyện Thạch Thất, HTX nấm Sáng Thiện huyện Sóc Sơn;  HTX hoa lan huyện Đan Phượng, HTX nông sản Phú Xuân Hương… cho hàng chục nghìn hội viên phụ nữ tham gia. Đồng thời còn xây dựng và duy trì mô hình tiết kiệm tại chi, tổ phụ nữ từ đó tạo ra nguồn vốn cho chị em vay không tính lãi, đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập. 
Có thể nói, hoạt động đồng hành hỗ trợ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế của Hội phụ nữ các quận huyện trong năm 2019 đã được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và đánh giá cao./.

 Thanh Thanh

 

Từ khóa: