Kinh tế
Những bất cập về quản lý an toàn thực phẩm và kiến nghị sửa đổi
07:30 AM 01/07/2017
(LĐXH) Ngày 30/6/2017, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “An toàn thực phẩm từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi nghị định 38 của Chính phủ”.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) và Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) phối hợp tổ chức. Đây thực sự là diễn đàn để các doanh nghiệp, các hiệp hội về thực phẩm bày tỏ với cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này về những bất cập trong Nghị định 38/2012 của Chính phủ.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, mặc dù trong quý 1 năm nay, Bộ Y tế đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì sửa đổi những bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định 38, tuy nhiên, tại bản Dự thảo sửa đổi Nghị định này do Bộ Y tế mới công bố gần đây vẫn còn đó những nội dung vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tại Dự thảo sửa đổi (phiên bản số 7, thẩm định ngày 9/6/2017) đã không  giải quyết được các vấn đề cần tháo gỡ cũng như những vướng mắc ở thực tiễn đang ngăn cản quá trình cải cách và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm về việc công bố đó. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm phải nộp hồ sơ đăng ký công bố hợp quy và cơ quan thẩm quyền thực hiện tiếp nhận và trả kết quả bằng hình thức “Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy” (Khoản 9 Điều 3 và Điều 48 của Luật Tiêu chuẩn & Quy chuẩn Kỹ thuật). Tuy nhiên, Nghị định 38/2012/NĐ-CP đang quy định thủ tục đăng ký công bố hợp quy của các cá nhân, tổ chức có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp, cấp lại, cấp đổi “Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy” có quy trình và tính chất như một hình thức cấp “Giấy phép con".
Cụ thể, theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP, để được cấp chứng nhận hợp quy và phù hợp với quy định về ATTP, DN phải gửi mẫu sản phẩm đến các phòng kiểm nghiệm được chỉ định nhằm kiểm nghiệm sản phẩm đạt chất lượng. Sau đó, DN công bố chất lượng sản phẩm. Tiếp theo, DN xin xác nhận công bố phù hợp ATTP bằng cách nộp hồ sơ cho Cục ATTP – Bộ Y tế về kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng và một số giấy tờ khác. Cục ATTP thẩm xét giấy tờ, rồi cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp ATTP. Cuối cùng, ở khâu hậu kiểm, cơ quan quản lý đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.
Ở khâu xin xác nhận công bố phù hợp ATTP, thời gian quy định là 1,5 tháng (đối với thực phẩm bổ sung). Tuy nhiên, thực tế, phần lớn thời gian kéo dài hơn, thậm chí nhiều trường hợp lên đến 3-6 tháng. Do đó, theo các hiệp hội, việc chờ đợi để được cấp “Giấy xác nhận” đang có tính chất tạo thêm một “Giấy phép con” cho các tổ chức, cá nhân, đi ngược lại tinh thần giảm bớt quy định và thủ tục hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Theo ông Nam, Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ – CP là một quy định không có trong Luật An toàn thực phẩm, nhưng lại là quy định đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với quy định “công bố hợp quy” – một quy định chính thức của Luật An toàn thực phẩm.
Trong khi đó, thủ tục 'Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm' đang được đánh giá là một thủ tục hành chính phức tạp, tốn rất nhiều thời gian, chi phí của doanh nghiệp. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia đã nhiều lần đề nghị bãi bỏ quy định này.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho DN, VASEP cho rằng cần sửa đổi các quy định gây khó khăn cho DN. Cụ thể, trong khâu kiểm nghiệm và xác nhận hợp chuẩn, quy trình nên rút gọn thành DN gửi mẫu sản phẩm đi kiểm nghiệm. Các phòng kiểm nghiệm được chỉ định có trách nhiệm kiểm nghiệm sản phẩm. Nếu sản phẩm đạt chất lượng sẽ được xác nhận phù hợp tiêu chuẩn chất lượng (theo tiêu chuẩn cơ sở của DN và các quy định hiện hành về ATTP của Việt Nam, công bố trên website của phòng kiểm nghiệm). Cơ quan quản lý thay vì ngồi bàn giấy thẩm xét giấy tờ sẽ tập trung vào đi kiểm tra và lấy mẫu sản phẩm trên thị trường để kiểm nghiệm.
VASEP cũng đề nghị bãi bỏ quy định “Công bố phù hợp quy định ATTP”, vì Luật ATTP không hề có quy định này.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho hay, do có một số chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn để đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng. Trong bối cảnh chưa có quy chuẩn Việt Nam (QCVN) cần có giải pháp trước mắt. Cụ thể, đề nghị Chính phủ, một mặt, yêu cầu các Bộ liên quan phải tích cực xây dựng các QCVN; mặt khác, giao Bộ Y tế và các Bộ có chức năng quản lý ATTP quy định chỉ tiêu ATTP và chỉ tiêu dinh dưỡng cần có mức giới hạn đó. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thực phẩm căn cứ các quy định đó để thực hiện, công bố rõ trên nhãn sản phẩm để người tiêu dùng biết và để cơ quan quản lý kiểm tra.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
Liên quan đến những bất cập từ Nghị định 38, Luật sư Trần Ngọc Hân, đại diện của Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) cho rằng, có 98% vụ ngộ độc xảy ra từ các bếp ăn tập thể, nhà hàng, chỉ có khoảng 1% vụ ngộ độc từ sản phẩm bao gói sẵn nhưng dường như cơ quan quản lý đang dồn để kiểm tra 1% nguy cơ ngộ độc thực phẩm chứ không phải 98,99% nguy cơ xuất hiện hằng ngày kia.
Hiện nay Amcham, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đã lưu hành sản phẩm của mình trên hầu hết các nước châu Âu, châu Mỹ nhưng tại các nước này không có hình thức công bố sản phẩm trước khi lưu hành như của Việt Nam mà các sản phẩm đều được quản lý an toàn thực phẩm theo xu hướng kiểm tra hậu kiểm, kết hợp với kiểm tra điều kiện và quy trình sản xuất của nhà máy. Như vậy quy định này không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Việc công bố giấy phép an toàn thực phẩm hoàn toàn là thủ tục hành chính, không đánh giá được sản phẩm có an toàn cho người sử dụng hay không. Từ hình thức thông báo tiếp nhận đã bị biến thành hình thức đăng ký công bố hợp quy và phủ hợp quy định an toàn thực phẩm. Đây thực chất là một cơ chế 'xin-cho' chứ không đóng vai trò quản lý được tình hình an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, theo Luật sư Hân, Nghị định 38 nêu rõ, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về những gì đã công bố thay vì Cục ATTP.
“Như vậy, tất cả quá trình kiểm nghiệm của Cục ATTP nhằm tác dụng gì”
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế - VCCI, quy định “công bố phù hợp ATTP” là chưa phù hợp với Luật ATTP, trái với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Ông Đậu Anh Tuấn nêu ví dụ, theo quy định của Nghị định 38, DN đang phải “cõng” hàng chục giấy phép con vì phải đăng ký cả các nguyên liệu cùng với sản phẩm cuối cùng.
“Với một chiếc bánh socola phải sử dụng khoảng 12 nguyên liệu để làm, muốn được cấp chứng nhận hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP, DN phải đi xin 12 giấy phép cho 12 nguyên liệu đó, rồi cuối cùng lại đi xin chứng nhận cho toàn bộ sản phẩm cuối cùng. Đó là điều không cần thiết và gây khó khăn cho DN” – ông Tuấn phân tích.
“Đương nhiên ATTP là rất quan trọng nhưng quản lý như thế nào chứ không phải trút toàn bộ gánh nặng thủ tục hành chính lên các doanh nghiệp, nhà sản xuất và cho rằng cơ quan quản lý đã hoàn thành trách nhiệm, ngồi một chỗ và cấp phép. Quản lý như thế dễ nhưng gây ra hệ lụy lớn. Trình độ quản lý, cái tâm quản cần phải thay đổi. Cơ quan nào soạn thảo chính sách thì cơ quan đấy không được cấp phép”, ông Tuấn kiến nghị.
Ngoài ý kiến của ông Tuấn, tại Hội thảo cũng nhiều ý kiến thẳng thắn phản đối thủ tục công bố hợp quy, công bố phù hợp ATTP của Nghị định 38/2012 là không có tác dụng tăng cường và đảm bảo ATTP vì Cục ATTP không kiểm tra cơ sở sản xuất cũng như thực tế sản phẩm mà chỉ thẩm xét dựa trên tài liệu đã nộp.
Điều này làm tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của cả Nhà nước và DN; trái Luật ATTP, khác thông lệ quốc tế về quản lý ATTP; đi ngược lại các Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ; trái luật Ban hành Văn bản Quy phạm Pháp luật 2015.
Ông Phạm Thanh Bình – Chuyên gia Dự án USAID GIG nêu ý kiến, thực hiện mục tiêu cải cách hành chính của Chính phủ, đề nghị bãi bỏ khoản 2 Điều 3 (Sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm); khoản 4, khoản 5 Điều 4 và các quy định về công bố, cấp giấy xác nhận hồ sơ công bố phù hợp tại các khoản khác của Điều 4; bãi bỏ Điều 6 (Hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bỏ cụm từ “hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” tại các Điều 7, Điều 8 và tiết h khoản 2 Điều 20.
Phản hồi các ý kiến trên, ông ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra - Cục ATTP, Bộ Y tế khẳng định, các ý kiến nêu công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Nghị định số 38/2012/NĐ-CP trái luật là không chính xác bởi trong thời gian Nghị định có hiệu lực thì có hàng trăm hàng nghìn sản phẩm đã ra đời đóng góp cho ngành thực phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc tăng cường quản lý, siết chặt quản lý ATTP trong bối cảnh hiện nay là nhu cầu tất yếu được đặt ra, không thể bỏ thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (ATTP) vì việc quản lý ATTP có tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, Hiệp hội và DN, những vướng mắc này đã tồn tại khá lâu và phát sinh từ quá trình thực tiễn. Do đó, cần thiết phải từng bước sửa đổi theo lộ trình để giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho DN.
Mặc dù, vẫn còn nhiều bàn cãi tranh luận xung quanh vấn đề nên hay không việc bãi bỏ và thay thế quy định Công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, một phương pháp quản lý chỉ thực sự hiệu quả khi có không còn vướng mắc trong doanh nghiệp, trong người dân và nó mang lại những thuận lợi, minh bạch khi thực hiện.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung cũng khẳng định, tình trạng mất an toàn thực phẩm và yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề nóng hiện nay, cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, trong đó có giải pháp tăng cường sự quản lý của nhà nước, nhưng tăng cường quản lý nhà nước không có nghĩa là duy trì quy định Công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, bởi qua hơn 5 năm thực hiện quy định này cho thấy, đây không phải là giải pháp có tác dụng tăng cường quản lý nhà nước. Muốn có cách quản lý mới thì phải mạnh dạn bỏ phương pháp quản lý cũ và tiếp thu những cái mới.
Ông Cung cũng nhấn mạnh, thực tế là Chính phủ mà cụ thể là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có sự chỉ đạo nhất định hồi tháng 5 nhưng đến nay, theo thông báo của doanh nghiệp những vướng mắc trên vẫn chưa được sửa đổi.
“Tôi đặt câu hỏi, một việc mà Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng,… chỉ đạo bỏ nhưng mãi không thực hiện được vậy ý thức kỷ luật hành chính phải được hiểu như thế nào?”, Viện trưởng CIEM bức xúc.
Ông nói thêm, Thủ tướng nói Chính phủ phải kiến tạo, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp nhưng đòi hỏi kèm theo là cơ quan công chức có liên quan cũng phải đổi mới. Không thể “trên bảo dưới không nghe”.
“Một động tác thay đổi nhỏ như Nghị quyết 38 không làm được thì việc lớn hơn sẽ khó lòng làm được”, ông nhấn mạnh./.
Thảo Lan
 
 



Từ khóa: