Những điểm mới về chính sách tiền lương tối thiểu theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP
(LĐXH) - Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được Chính phủ ban hành ngày 12/6/2022 với nhiều chính sách mới, góp phần cải thiện đời sống của người lao động, hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, duy trì quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Nội dung chính về chính sách tiền lương tối thiểu theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP gồm 5 Điều, quy định 8 nội dung. Trong đó, phạm vi điều chỉnh, quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Đối tượng áp dụng là người lao động, người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và các cơ quan, tổ chức, các nhân liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu. Đặc biệt có 3 nội dung mới gồm:
Thứ nhất, quy định về mức lương tối thiểu giờ: quy định các mức lương theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Mức lương tối thiểu giờ là loại hình lương tối thiểu mới ngoài mức lương tối thiểu tháng đã được ban hành. Với việc Chính phủ ban hành quy định mức lương tối thiểu giờ đã mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động, đặc biệt lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian, tạm thời, vì đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc sử dụng mức lương tối thiểu tháng làm căn cứ thoả thuận, trả lương theo ngày, giờ, tuần đối với người lao động là thiếu cơ sở áp dụng linh hoạt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.
Thứ hai, quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo vệ các quyền lợi sẵn có của người lao động khi thực hiện quy định mới (tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP), cụ thể: “người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.
Thứ ba, quy định mức lương tối thiểu được áp dụng từ 01 tháng 07. Thông thường, mức lương tối thiểu tháng được xem xét, thực hiện từ 01 tháng 01 hàng năm. Tuy nhiên, do từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu tháng quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP trên 2 năm. Trong khi đó, dịch bệnh thời điểm đấy đã dần được kiểm soát, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bước sang giai đoạn phục hồi; nếu tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu hiện hành sẽ không đảm bảo được mức sống tối thiểu của người lao động và không khuyến khích được người lao động quay trở lại làm việc, phục hồi thị trường lao động, phục hồi sản xuất kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ quyết định áp dụng mức lương tối thiểu mới từ 01 tháng 7.
Theo Cục Quan hệ lao động và tiền lương, về mức lương tối thiểu tháng, với mức tăng tương ứng ở 4 vùng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng so với mức lương tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP đã có tính đến sự chia sẻ, hài hòa lợi ích của người lao động và doanh nghiệp, vừa chú ý cải thiện đời sống cho người lao động, vừa chú ý đến việc bảo đảm duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Về mức lương tối thiểu giờ, các mức được tính toán phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ và phù hợp với mức lương thực trả trên thị trường, và tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Trọng Hiệp
Từ khóa:
-
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
12-12-2024 18:13 43
-
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
31-12-2024 11:23 09
-
Đảm bảo tiến độ thi công nhưng an toàn lao động vẫn phải là trên hết
31-12-2024 10:52 13
-
Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm với các hoạt động hỗ trợ việc làm bền vững
14-12-2024 13:41 08
-
Việc làm bền vững cho lao động gắn với các nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ việc làm Lào Cai
23-12-2024 13:21 20
-
Lào Cai: Chú trọng tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động... tạo việc làm bền vững
20-12-2024 13:07 37