Xã hội
Những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác giảm nghèo bền vững ở Yên Bái
07:03 PM 15/12/2024
(LĐXH)- Trong hơn ba năm qua, tỉnh Yên Bái đã có những bước tiến quan trọng trong công tác giảm nghèo nhờ sự lãnh đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, cùng với sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương. Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần cải thiện đời sống người dân, đặc biệt tại các huyện nghèo như Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
Một trong những trụ cột quan trọng của công tác giảm nghèo tại Yên Bái là việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kinh tế - xã hội. Thông qua việc triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã góp phần củng cố, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và dân sinh tại các huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã xây dựng 78 công trình hạ tầng thiết yếu, bao gồm giao thông, trường học, hệ thống thủy lợi và các công trình cấp nước sinh hoạt. Các công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Đặc biệt, việc duy tu, sửa chữa và nâng cấp 110 công trình hạ tầng đã giúp tăng cường kết nối giao thông, nâng cao chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế, đảm bảo người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản một cách thuận lợi.
Song song với phát triển hạ tầng, Yên Bái đã triển khai 147 dự án sinh kế nhằm tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Các dự án này bao gồm 6 dự án trồng trọt, 138 dự án chăn nuôi và 3 dự án lâm nghiệp, thu hút sự tham gia của hơn 3.000 hộ dân, trong đó có 1.580 hộ nghèo, 778 hộ cận nghèo và 541 hộ mới thoát nghèo.
Tỉnh Yên Bái đã tích cực hỗ trợ người dân các điều kiện về nguồn vốn, con giống, kỹ thuật nuôi trồng để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo
Các dự án không chỉ cung cấp vật tư sản xuất mà còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực sản xuất của người dân. Hơn 1.450 người đã tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp, chăn nuôi và mô hình giảm nghèo bền vững, giúp họ chủ động trong sản xuất và tăng năng suất lao động.
Tỉnh Yên Bái cũng chú trọng cải thiện các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, y tế và thông tin truyền thông. Hơn 1.700 ngôi nhà đã được xây mới và sửa chữa, mang lại nơi ở ổn định cho hàng nghìn hộ gia đình khó khăn.
Đặc biệt, hệ thống truyền thông cơ sở cũng được nâng cấp với 45 đài truyền thanh được thiết lập mới hoặc nâng cấp, giúp người dân tiếp cận thông tin kịp thời, nâng cao nhận thức về các chính sách hỗ trợ và cơ hội phát triển kinh tế.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, đến nay, kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tỉnh Yên Bái như: Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng dân tộc thiểu số; mức giảm hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn; số xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn… đều đạt tiến độ tốt. Từ năm 2021 hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4,45%/năm (bằng 134% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ), đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 9,16%. Ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,3% so với năm 2023, đạt 100% kế hoạch năm của tỉnh và đạt 110% kế hoạch Trung ương giao. Đáng chú ý, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 6,98%/năm, cao hơn 1,56 lần so với mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung toàn tỉnh. Số xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh là 17 xã.
Tỉnh Yên Bái đang quyết tâm hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Kế hoạch số 81/KH-UBND ngày 04/4/2022. Những kết quả đạt được là nền tảng vững chắc, giúp tỉnh tiếp tục triển khai các chính sách giảm nghèo hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo.
Với sự đồng lòng của các cấp chính quyền và người dân, Yên Bái sẽ tiếp tục vươn lên, trở thành một tỉnh phát triển toàn diện, đảm bảo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người dân, đặc biệt là những người dân vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số.
Quang Tuấn