Xã hội
Những thương binh làm kinh tế giỏi ở Quế Võ
09:44 AM 06/08/2019
Phát huy truyền thống anh bộ đội Cụ Hồ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh đã xuất hiện nhiều tấm gương thương binh làm kinh tế giỏi, tăng thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định.
Làm giàu từ nghề cây cảnh
Hỏi người dân ở thôn Phong Cốc, xã Đức Long (Quế Võ), ai nấy đều khen ngợi nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng của Cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Vũ (sinh năm 1960).
Năm 1978, ông Nguyễn Văn Vũ viết đơn tình nguyện vào Thanh niên xung phong tại Đại đội 4, tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí và làm đường giao thông bảo vệ biên giới phía Bắc tại huyện Trà Lĩnh (Cao Bằng). Sau hơn 2 năm kiên cường, bám trụ trên các tuyến đường, ông Vũ trở về quê hương lập nghiệp. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông cùng gia đình mạnh dạn mở nghề sản xuất lưới, vó phục vụ nhu cầu đánh bắt cá của người dân ven sông Lục Đầu Giang. Ông Vũ kể lại: “Khi mới bước vào nghề, ngày ra đồng làm ruộng, tối về tranh thủ đan lưới gia công rồi giao hàng đến từng hộ dân lấy công làm lãi”. Từ năm 2000 đến nay, gia đình ông mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua sắm máy móc, thiết bị đan lưới, vó, nhằm cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm với nhiều loại như: chài, vó, lưới vét, lưới bén, lưới cáo…
Cựu Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Vũ (bên phải ảnh) giới thiệu vườn  cây cảnh cho cán bộ, hội viên Hội Cựu TNXP tỉnh.
Hiện nay, cơ sở sản xuất lưới, vó của gia đình ông Nguyễn Văn Vũ giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Văn Vỵ, một người dân địa phương cho biết: “Hơn 10 năm qua, gia đình tôi có 4 lao động làm việc tại cơ sở sản xuất lưới, vó của ông Vũ. Nghề đan lưới đơn giản, dễ làm, thu nhập không cao, nhưng chúng tôi có thể tận dụng được thời gian nông nhàn”. Mỗi năm gia đình ông Vũ sản xuất và bán ra thị trường (Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Dương) từ 6.000 đến 8.000 sản phẩm đem lại lợi nhuận từ 250 đến 300 triệu đồng.
Ngoài sản xuất lưới, vó, ông Vũ còn đam mê trồng hoa, cây cảnh. Năm 2005, ông Vũ đi khắp nơi như: Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, Vĩnh Phúc… tìm hiểu, học hỏi nghề trồng hoa, cây cảnh. Thời gian đầu, trồng hoa, cây cảnh gặp phải không ít khó khăn vì thiếu kinh nghiệm, nhưng với niềm đam mê, ông Vũ vẫn quyết tâm theo đuổi. Với bàn tay khéo léo cùng sự kiên trì, ông Vũ từng bước uốn nắn, chăm sóc và sáng tạo ra nhiều chậu cảnh quý hiếm. Hiện nay, trong khu vườn rộng hơn 1.000 m2 của ông có hơn 300 chậu hoa, cây cảnh có giá trị như: Si, sanh, tùng la hán, đa, lộc vừng, ngọc lan... đem lại thu nhập từ 70 đến 80 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Vũ chia sẻ: “Muốn uốn cây theo các thế phải mất nhiều năm. Vì thế chơi cây cảnh đòi hỏi lắm công phu. Sau nhiều năm chăm sóc, cắt tỉa, uốn nắn, tôi cảm nhận rằng, nghề chơi cây cảnh cũng là một cách để bản thân rèn luyện ý chí và tu dưỡng cái tâm hướng thiện”.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Đức Long cho biết: “Mô hình làm kinh tế của Cựu TNXP Nguyễn Văn Vũ là tấm gương điển hình về ý chí vượt khó vươn lên làm giàu. Thời gian qua, ông Vũ luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, giúp đỡ đồng chí, đồng đội, người dân có hoàn cảnh khó khăn, tích cực ủng hộ, đóng góp xây dựng tổ chức Hội Cựu TNXP ngày càng trong sạch, vững mạnh”.
Lòa đôi mắt nhưng còn hai bàn tay
Người ta vẫn nói “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, vậy mà thương binh hạng 1/4 Trần Danh Thu (thôn Vũ Dương, xã Bồng Lai, huyện Quế Võ) phải chịu thiệt thòi khi mất đi một mắt. Vết thương do đạn địch bắn xuyên qua thái dương trong chiến tranh (năm 1979) đã vĩnh viễn làm mù mắt phải và thường xuyên hành hạ ông với những cơn đau đầu mỗi khi “trái gió, trở trời”. Song người thương binh ấy vẫn từng ngày nỗ lực vượt qua thương tật, cùng người vợ tần tảo sớm khuya trên đồng ruộng canh tác. Không cam chịu cái nghèo, ông học theo mọi người trong thôn đi buôn chè, buôn chuối để tăng thu nhập. Khi kinh tế dần ổn định, ông tiếp tục tận dụng diện tích vườn, ao của gia đình để phát triển mô hình trang trại vườn - ao - chuồng. Nhờ vào sự chịu thương, chịu khó, gia đình ông đã vươn lên trở thành hộ khá giả trong thôn, xây dựng được cơ ngơi khang trang, đầy đủ tiện nghi. Nghị lực, tinh thần vượt khó của người thương binh Trần Danh Thu không thể đong đếm bằng vật chất mà với ông thành quả lớn hơn tất cả chính là niềm hạnh phúc, tự hào khi các con học tập trưởng thành. Hiện 3 người con của ông đều đã tốt nghiệp Đại học, một người có trình độ Thạc sĩ và đều đang là những cán bộ công chức, có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Điều đó đáng trân trọng bởi ẩn sau sự tần tảo hy sinh của người cha là hình ảnh người lính cụ Hồ dũng cảm, xung kích trước mọi mặt trận, minh chứng thiết thực và gần gũi cho câu nói “tàn nhưng không phế” của biết bao người thương binh vẫn âm thầm lao động, cống hiến trong cuộc sống thời bình hôm nay./.
Vân Phương
Từ khóa: