Xã hội
Những thương binh nêu gương sáng ở thành phố Sóc Trăng
03:16 PM 16/06/2020
(LĐXH)- Ở chiến trường, họ là những chiến sĩ gan dạ, kiên gan trên mặt trận chống quân thù. Trở về với thương tích trên cơ thể, những thương binh vẫn phát huy truyền thống “bộ đội cụ Hồ”, gương mẫu trong lao động, sản xuất, sống nhân ái, nghĩa tình, biết hy sinh cho nhân dân.
Vợ chồng người thương binh biết chia sẻ khó khăn
Ông Huỳnh Hoàng Đỗ và vợ là bà Lê Thị Mến đều là thương binh, từng là đồng đội trong thời chiến tranh chống Mỹ. Trải qua bao bom đạn, vất vả mưu sinh, giờ ông bà đang sống hạnh phúc cùng đứa con thứ 4 trong ngôi nhà ấm cúng tại Phường 7 – thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng).  
Vợ chồng ông Huỳnh Hoàng Đỗ 
Từng là lính trinh sát, nên khó khăn không bao giờ làm vợ chồng ông chùn bước. Sau khi hòa bình lập lại, hai vợ chồng ông Huỳnh Hoàng Đỗ tham gia công tác tại địa phương. Để có tiền lo cái ăn, cái mặc cho các con, ông bà làm đủ nghề từ nuôi vịt đẻ, nuôi giấm đến mua bán…
Nhưng vợ chồng ông không hề buồn phiền mà cảm thấy mình may mắn hơn rất nhiều so với những đồng đội đã ngã xuống. Trực tiếp chứng kiến đồng đội hy sinh, vợ chồng ông càng trân trọng cuộc sống hôm nay. “Để có cuộc sống như ngày hôm nay, chúng ta đã phải trải qua bao khó khăn, vất vả, nhất là có phần xương máu của các đồng chí, động đội của tôi. Do đó, hiện nay còn sức khỏe, còn giúp ích gì cho xã hội thì vợ chồng tôi luôn cố gắng” – thương binh Lê Thị Mến nói.
Hiện ông bà có vài phòng trọ cho thuê. Tuy chưa dư dả nhiều, nhưng ông bà thường xuyên giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, đó là những lao động nghèo đang thuê phòng trọ tại gia đình bà.  
Theo bà Lê Thị Mến, là thương binh nên bà được hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, hỗ trợ tiền sửa chữa nhà ở, đặc biệt đợt dịch Covid-19, cả hai vợ chồng bà được hỗ trợ 3 triệu đồng, tuy không nhiều nhưng bà rất vui và ấm lòng.
Vì vậy, khi có những người đến thuê trọ (một phòng 300.000 đồng/tháng) quá nghèo, bà miễn, giảm tiền để chia sẻ khó khăn với họ. Nghĩa cử của vợ chồng ông bà đã toát lên phẩm chất tốt đẹp của những người lính Cụ Hồ rất đáng trân quý.
Người thương binh “ăn cơm nhà lo chuyện bao đồng”.
Những ai thường xuyên qua lại trên đường Tôn Đức Thắng (TP Sóc Trăng), ít nhiều sẽ bắt gặp hình ảnh người đàn ông đã luống tuổi đẩy chiếc xe gỗ thô sơ chứa đầy rác thải, cỏ dại. Có thể sẽ có ít người cảm thương cho ông vì cuộc sống mưu sinh mà phải bươn chải ngoài đường phố dưới cái nắng chói chang. Và họ nghĩ ông là công nhân vệ sinh đường phố. Tuy nhiên, đấy là công việc thường xuyên của thương binh Lê Văn Bình, ở Khóm 2, Phường 5 (TP. Sóc Trăng).
Thương binh Lê Văn Bình và chiếc xe đẩy đồng hành với ông làm sạch đường phố
Thật ra ông chẳng phải lao công và ông cũng không làm việc đó để lấy công, nhận tiền mà ông làm vì không chịu được khi thấy rác, cỏ dại “hoành hành”. Năm nay, ông Bình đã bước sang tuổi 67. Ông từng tham gia chiến đấu chống Mỹ, là thương binh hạng 4 và nhiễm chất độc hóa học.
Hiện nay, ông sống cùng vợ, các con ông đều ở xa. Hằng ngày, vợ ông đi bán vé số, còn ông thì ở nhà chăm lo việc chăn nuôi. Mấy năm trước, ông cũng nuôi thỏ có hiệu quả nhưng về sau thua lỗ nên giờ ông chỉ sống nhờ vào tiền trợ cấp thương binh, người nhiễm chất độc da cam.
Tuy kinh tế khó khăn, nhưng ông vẫn dành thời gian làm công việc giúp ích cho cộng đồng. Thấy đường phố xe qua lại nhiều, đất bụi cứ tấp hai bên đường rất dơ; cỏ, cây dại mọc hoang, rác thải vứt khắp nơi nên ông nảy ra ý định đi dọn cho sạch sẽ. Mấy năm trước, do không có thời gian nên ông chỉ làm khi ngơi việc gia đình. Một năm trở lại đây, ông dành nhiều thời gian cho việc  dọn dẹp vệ sinh đường phố.
Một số người nhìn ông làm mà cười bảo “ăn cơm nhà lo chuyện bao đồng”. Thế nhưng ông lại nhìn thấy niềm vui trong công việc làm sạch đường phố. Có hôm, tầm 4 giờ sáng, ông đã đẩy chiếc xe đi làm. Từ ngày có ông ra tay, những cỏ hoang khó có cơ hội vươn cao, rác thải tấp hai bên đường cũng được ông quét dọn sạch.
Do không biết chạy xe, nên ông đẩy xe đi bộ, có hôm ông đẩy xe đi hơn 4 cây số. Ngơi tay giây lát, nhìn vào chiếc xe đã đầy rác, ông thật thà bày cách xử lý rác: “Có người thuê tôi lấp cái ao nên quét đất bụi hai bên đường, tôi gom đổ vô đó. Cũng hơn 2 năm mới đầy được cái ao. Còn rác là cỏ, lá, tôi tìm chỗ đất trống đốt để làm phân bón và cho ai có nhu cầu trồng cây. Loại rác khó phân hủy thì cho vô bao lớn cột chặt để xe đổ rác đem đi”.
Công việc vệ sinh đường phố của ông không hề đơn giản và rất cực nhọc. Có hôm cả ngày bận việc, ông lại làm vào buổi tối. Và ông xem như đó là công việc hằng ngày của mình. Vợ ông thấy ông cực, sợ ông bệnh cũng khuyên ông thôi làm nhưng ông không chịu. Ông thấy “nghiện” việc, hôm nào trời mưa không đi được lại thấy khó chịu trong người.
Qua trò chuyện với ông, lòng tôi lắng lại và mong ước giá như mọi người ai cũng nghĩ như ông, ai cũng có những hành động nhỏ để môi trường xung quanh mình sạch hơn thì thật hay biết bao nhiêu. Và những hành động của ông tuy không lớn lao nhưng rất đáng trân trọng và cần lan tỏa trong xã hội./.
PV
Từ khóa: