Lao động
Những vướng mắc trong triển khai Nghị định 70 về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam của Hải Phòng
08:42 AM 25/06/2024
(LĐXH)- Trong thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 18/9/2023, qua phản ánh của các đơn vị, doanh nghiệp và rà soát các vướng mắc của cơ sở, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã tổng hợp và có công văn gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn về các nội dung liên quan đến công tác tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động người nước ngoài tại Việt Nam.

Ngày 18/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Nghị định 70 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung theo hướng đổi mới so với Nghị định 152/2020/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện tối đa cho tổ chức, các nhân có nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài như: Báo cáo nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài; hồ sơ cấp giấy phép lao động, xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài vào vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, thành phố Hải Phòng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Cụ thể là:

  1. Theo qui định tại điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP: “Trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc”.
  2. Đại diện một doanh nghiệp FDI trao đổi về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 70/2023/NĐ-CP.

Tại khoản 2, Điều 4 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP qui định: “Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc theo Mẫu số 03/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài”.

Tại khoản 1, Điều 11 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP qui định: “Trước ít nhất 15 ngày, kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, người nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc”.

Như vậy, sẽ có trường hợp gửi hồ sơ giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trước 15 ngày kể từ ngày người lao động nước ngoài dự kiến bắt đầu làm việc tại Việt Nam, nhưng đến khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép lao động thì không còn đủ 15 ngày theo qui định tại khoản 1, Điều 11 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP. Vậy, trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào?

  1. Theo qui định tại khoản 6 Điều 9 và khoản 4 Điều 17 thì hồ sơ đề nghị cấp và gia hạn giấy phép lao động phải có văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài trừ trường hợp không phải xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.  Tuy nhiên, tại khoản 2, Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a, khoản 1, Điều 4 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài chỉ qui định: “Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài về vị trí, chức danh công việc, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội”.

Vậy, khi người lao động nước ngoài gia hạn giấy phép lao động hoặc thực hiện cấp giấy phép lao động sau khi đã thực hiện gia hạn giấy phép lao động phải có báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài do thay đổi thời hạn làm việc không?

  1. Tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP bãi bỏ khoản 4 Điều 13 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP qui định thành phần hồ sơ cấp lại giấy phép lao động không có văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, nhưng tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP vẫn yêu cầu đơn vị làm văn bản chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
  2. Tại điểm b, khoản 5, Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 4, Điều 9 liên quan đến nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia, lao động kỹ thuật: “b) Giấy tờ chứng minh chuyên gia, lao động kỹ thuật theo qui định tại khoản 3, 6 Điều 3 Nghị định này bao gồm 2 loại giấy tờ sau: Văn bằng hoặc chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận; Văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật hoặc giấy phép lao động đã được cấp hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp”.

Như vậy, bao gồm có nghĩa là phải có đầy đủ các loại giấy tờ trên hay là tương ứng với từng chức danh công việc là các giấy tờ có liên quan?

Nếu hiểu bao gồm là đầy đủ thì việc sửa đổi điều khoản này sẽ mâu thuẫn với khoản 3 Điều 6 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP (Lao động kỹ thuật qui định chỉ cần đáp ứng 01 trong 02 điều kiện, nếu có 5 năm kinh nghiệm làm việc thì không cần có thêm văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận được đào tạo 1 năm).

Bên cạnh đó, đối với qui định giấy tờ chứng minh kinh nghiệm làm việc là giấy phép lao động, trong trường hợp người sử dụng lao động đã trả giấy phép lao động và có giấy xác nhận thu hồi giấy phép lao động thì có sử dụng giấy xác nhận thu hồi giấy phép thay cho giấy phép lao động được hay không; hoặc trường hợp người lao động nước ngoài không còn giữ giấy phép lao động và có đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xác nhận có cấp giấy phép lao động thì giấy xác nhận đã có có thể sử dụng thay thế cho giấy phép lao động được không?

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có hướng dẫn thực hiện một số điểm vướng mắc nêu trên nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và phương pháp thực hiện. Qua đó giúp Nghị định 70 sớm đi vào đời sống, góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh./.

Hải Uyên