Trung tâm dạy nghề huyện Hoa Lư tọa lạc ở một ví trí đẹp, nằm giữa trung tâm huyện Hoa Lư, với 6 phòng học và một hội trường được xây dựng khang trang và được đưa vào sử dụng từ năm 2013. Tuy nhiên, đối lập với sự khang trang ấy là cảnh các phòng học nghề im ỉm khóa.
Ông Nguyễn Sỹ Thiêm, Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Hoa Lư thở dài, việc tuyển sinh của Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi về tận các trường để tuyển sinh song vẫn khó tuyển đủ học sinh theo dự kiến. Từ khi thành lập đến nay, chúng tôi mới chỉ dạy được một số lớp nghề như đan cói, thêu ren, trồng nấm, nuôi gà, chế tác đá mỹ nghệ…, hầu hết là những nghề thủ công và dạy theo phương thức “cầm tay chỉ việc”.
Tất cả các lớp học được tổ chức tại khu dân cư nhằm tạo điều kiện cho học viên thuận lợi trong việc học nghề. Thường thì chúng tôi mở lớp vào 6 tháng cuối năm vì đây là thời điểm các em học sinh đã thi xong Đại học, đồng thời cũng là lúc lao động nông thôn rảnh rỗi hơn.
Trong thời điểm này, chúng tôi phấn đấu tuyển sinh cho các lớp nghề như: nuôi và phòng chữa bệnh cho gà, đan cói và may công nghiệp. Tuy nhiên, dự kiến là vậy nhưng việc thực hiện thì không dễ dàng gì bởi hầu hết những lao động trẻ tuổi không mặn mà khi học những nghề thủ công.
Trong khi đó, những người có nhu cầu học nghề thủ công thì đều cao tuổi (trên 55 tuổi, nằm ngoài khung độ tuổi theo quy định). Đơn cử như việc mở lớp khâu chăn bông ở Ninh Mỹ hay đan cói ở xã Ninh Giang, trong tổng số 30 người đăng ký học thì chỉ có khoảng 10 người là đúng độ tuổi, còn lại đều trên tuổi 55.
Cũng theo ông Nguyễn Sỹ Thiêm, việc khó tuyển sinh cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện là thực trạng chung của hầu hết các địa phương. Sở dĩ, khó tuyển sinh như vậy là do cơ sở vật chất vẫn còn nhiều hạn chế. Nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đủ để xây một số phòng học, chứ chưa thể mua sắm các trang thiết bị dạy học.
Trong khi đó, hầu hết các địa phương còn nhiều khó khăn, mức hỗ trợ thêm cũng không đáng kể. Mặt khác, tình trạng thiếu nhân lực cũng là trở ngại lớn đối với các trung tâm dạy nghề. Theo quy định, mỗi trung tâm có tối thiểu 5 nhân sự, trong đó có giáo viên cơ hữu.
Nhưng trên thực tế, Trung tâm dạy nghề Hoa Lư mới chỉ có 3 người, trong đó có một giám đốc, một phó giám đốc và một kế toán. Không có giáo viên cơ hữu khiến trung tâm không thể mở lớp dạy nghề kỹ thuật.
Hiện tại Trung tâm mới chỉ mở được lớp học may công nghiệp tại Trung tâm do có sự liên kết với tổ hợp may về giáo viên và máy may công nghiệp, còn ngoài ra chưa dạy được thêm nghề nào khác.
Đối với Trung tâm dạy nghề huyện Yên Khánh, mặc dù là đơn vị dẫn đầu trong hệ thống trung tâm dạy nghề của tỉnh về công tác đào tạo nghề, song cũng gặp những khó khăn tương tự.
Trong 5 năm qua (2010-2015), huyện đào tạo nghề phi nông nghiệp cho trên 2.000 lao động nông thôn, chủ yếu là các nghề: thêu ren và khâu móc, đan hộp bẹ chuối, bèo bồng, mây tre đan, may..., đây cũng là những nghề mà Trung tâm dạy nghề huyện Yên Khánh mở tại các khu dân cư.
Còn trụ sở với các phòng học khang trang thì hầu như chỉ mới khai thác được vào việc dạy một số lớp may công nghiệp. Một số phòng học được đầu tư máy tính để dạy tin học, song vẫn “đắp chiếu” vì không tuyển được học viên.
Hiện, trên địa bàn tỉnh ta có 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện và một trường Trung cấp nghề huyện Nho Quan. Những năm qua, mặc dù các Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động, tăng cường công tác tuyên truyền, tích cực tuyển sinh, tuy nhiên, số lượng học viên tham gia học nghề tại Trung tâm vẫn còn rất thấp. Chủ yếu, các Trung tâm dạy nghề mở các lớp đào tạo nghề thủ công tại khu dân cư cho lao động nông thôn.
Hầu hết, các phòng học ở các Trung tâm dạy nghề đóng cửa im ỉm do không mở được lớp. Cá biệt, như Trung tâm dạy nghề huyện Gia Viễn dù đã xây dựng xong phần thô từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được sử dụng do không có kinh phí để hoàn thiện. Hiện, dãy phòng học này bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm và đối mặt với nguy cơ bị xuống cấp.
Cần một hướng đi mới
Ông Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, không thể phủ nhận những hiệu quả mà các trung tâm dạy nghề mang lại, nhất là trong việc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong 5 năm qua, cùng với sự đầu tư của Trung ương, tỉnh ta cũng đã phân bổ hơn 32 tỷ đồng, cùng với kinh phí của Trung ương để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho Trường Trung cấp nghề Nho Quan và 7 trung tâm dạy nghề cấp huyện theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ đó, hệ thống phòng học chuyên môn, nhà xưởng thực hành nghề được cải tạo, nâng cấp đáp ứng kịp thời công tác dạy và học nghề của các địa phương.
Trong 5 năm qua, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội phối hợp với các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tổ chức 20 lớp bồi dưỡng kỹ năng sư phạm nghề và kỹ năng dạy học cho gần 600 giáo viên và người dạy nghề. Đồng thời, các chương trình dạy nghề cũng từng bước được hoàn thiện căn cứ vào chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề và nhu cầu của thị trường lao động.
Nhiều cơ sở dạy nghề cũng đã chủ động tham khảo các chương trình đào tạo của các trường trong cả nước để phát triển chương trình đào tạo trong thời gian tới. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho gần 90.000 người lao động, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ước đạt 40%.
Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Hữu Tuyến thì hiện nay, hầu hết các trung tâm dạy nghề vẫn chưa được khai thác tối đa hiệu quả. Lý giải nguyên nhân vì sao các trung tâm dạy nghề dù được đầu tư tiền tỷ nhưng đều chung số phận không có hoặc có rất ít người học, ông Nguyễn Hữu Tuyến cho rằng, nhiều đơn vị dạy nghề cùng đào tạo một nghề nên xảy ra tình trạng giẫm chân lên nhau.
Hiện, các Trung tâm mới chỉ dạy những gì mình có chứ chưa căn cứ vào nhu cầu của thị trường lao động. Sở dĩ có thực trạng trên không phải do các Trung tâm không năng động, không khảo sát thị trường… mà là do “cái khó bó cái khôn”. Nghĩa là các trung tâm dạy nghề cấp huyện mới chỉ được đầu tư xây dựng phòng học, còn các thiết bị máy móc thì hầu như chưa có gì.
Bên cạnh đó, việc không đủ nguồn nhân lực, trong đó thiếu giáo viên cơ hữu khiến công tác định hướng, lựa chọn nghề mũi nhọn làm thế mạnh của mỗi Trung tâm không thực hiện được. Sự khai thác chưa đạt hiệu quả như mong muốn cũng đồng nghĩa với việc gây lãng phí về cơ sở vật chất đã được đầu tư. Lãng phí tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh không chỉ ở nguồn tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng rồi đắp chiếu mà còn lãng phí ở việc phải duy trì bộ máy của các trung tâm này.
Nhằm khắc phục tình trạng này, các địa phương trên toàn quốc đang thực hiện chủ trương sáp nhập Trung tâm dạy nghề và Trung tâm giáo dục thường xuyên thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên theo Thông tư liên tịch số 39 của liên bộ Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ.
Việc sáp nhập này được kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế mà các Trung tâm dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên đang gặp phải, hướng đến việc đào tạo và định hướng nghề nghiệp chuyên nghiệp hơn.
Thực hiện chủ trương sáp nhập này ở Nam Định, Sở Nội vụ là đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì, lập kế hoạch triển khai cụ thể. Hiện, Sở Nội vụ và các ngành, đơn vị có liên quan đang tích cực tiến hành rà soát và chuẩn bị những việc cần thiết cho việc sáp nhập sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng 11 tới.
Theo Báo Ninh Bình
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47