Nỗ lực vì một cộng đồng không ma túy
(LĐXH)-Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy và Ngày Quốc tế phòng, chống ma túy 26/6 năm 2020 với chủ đề “Phát huy tinh thần phòng chống dịch Covid-19, Hãy hành động vì cộng đồng không ma túy”, sáng ngày 11/6/2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội thảo chia sẻ về công tác cai nghiện ma túy. Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà tham dự và chủ trì Hội thảo. Cùng dự, có các đại biểu đại diện của các cơ quan: Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở LĐ-TBXH Hà Nội, cùng đông đảo phóng viên báo chí của các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương...
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện nay, tình hình tệ nạn ma túy cũng như vấn đề người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 11/2019, cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 10.215 người so với cùng kỳ 2018). Nhiều vụ việc buôn bán, tàng trữ và vận chuyển ma túy những năm gần đây đã và đang gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội.
Vấn đề người sử dụng và nghiện ma túy cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt cả hệ thống chính trị. Số người nghiện tăng bình quân khoảng hơn 10 nghìn người/năm, số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép như trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tự sát, giết người... gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống của người dân ở nhiều khu vực và tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tính đến hết 30/4/2020, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) công lập và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động; tổng số học viên đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập là 34.982 người.
Về công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cả nước có 13 tỉnh, thành phố duy trì cách làm này và đã cai nghiện cho 1.711 người; 17 tỉnh, thành phố tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 3.162 người (do Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý). 100% người nghiện sau cai được quản lý tại cộng đồng (23.462 người). Quản lý sau cai tại cơ sở cai nghiện thì chỉ còn thành phố Hà Nội, đang quản lý 03 người nghiện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, mặc dù đạt được những kết quả nêu trên song công tác cai nghiện hiện nay vẫn còn bất cập, chính sách pháp luật liên quan còn nhiều điểm chưa thống nhất.
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) quy định: (1) cơ quan xử lý hành chính phải chứng minh vi phạm hành chính, tức là phải xác định tình trạng nghiện. Thực tế rất khó xác định hoặc không xác định được tình trạng nghiện vì người nghiện không hợp tác, đặc biệt là ma túy tổng hợp; (2) người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế vấn đề này rất khó khăn, các địa phương áp dụng khác nhau, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, hơn 90% người được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người không có nơi cư trú ổn định...
Theo Luật Phòng, chống ma túy quy định: (1) cai nghiện tại gia đình, cộng đồng giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức. Trong khi đó, cấp xã không đủ cơ sở vật chất, y bác sĩ đòi hỏi chuyên môn cao, do vậy quy định này không phù hợp, mang tính hình thức, không hiệu quả, nhiều địa phương không thực hiện; (2) về quản lý sau cai tại CSCNMT là hình thức, kéo dài thời gian cai nghiện bắt buộc, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, điều này chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Vấn đề cai nghiện đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, về thẩm quyền quyết định việc cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi chưa thống nhất giữa Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính, do vậy, có sự lúng túng, thiếu thống nhất trong việc triển khai ở các địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận, đánh giá về kết quả phòng, chống và cai nghiện ma túy. Chỉ ra những vướng mắc, bất cập về công tác cai nghiện ma túy từ thực tế. Đồng thời đề xuất thúc đẩy công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và kêu gọi trách nhiệm chung của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống ma túy. Chia sẻ những điểm mới trong Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) liên quan đến Chương Cai nghiện ma túy.
Đồng thời bám sát, cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo tại Chỉ thị số 36-CT⁄TW, nhằm làm rõ hơn những nội dung liên quan tới công tác cai nghiện ma túy, đảm bảo sự thống nhất hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền con người đã được Hiến pháp quy định, nâng cao hiệu quả cai nghiện phù hợp với với xu thế tiến bộ trong tình hình mới./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Nhóm “Thiên Thanh” – Hành trình của 4 cô gái tài năng từ 4 miền quê Việt Nam
28-12-2024 23:33 52
-
Huyện Phú Tân: Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng
13-12-2024 18:08 47
-
An Giang: Tạo cơ hội cho mọi trẻ em đều được phát triển bình đẳng và toàn diện
28-12-2024 16:14 37
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
27-12-2024 08:20 45
-
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
26-12-2024 22:50 46