Phát huy hiệu quả mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm tại cộng đồng ở Quảng Ninh
(LĐXH)-Trong những năm qua, để giảm tác hại của tệ nạn mại dâm, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình phòng, chống mại dâm trên địa bàn và đến nay, những mô hình này đang hoạt động có hiệu quả nhất định.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2023, Sở đã xây dựng kế hoạch để duy trì và triển khai hoạt động 03 mô hình thí điểm phòng, chống mại dâm tại cộng đồng trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả.
Cụ thể, mô hình 1 là “Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, Câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới” tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí. Trong 6 tháng đầu năm 2023, mô hình này đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 230 lượt người có nguy cơ mại dâm các kiến thức về sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại HIV/AIDS; tiếp cận 150 Cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm thực hiện quy định của pháp luật về quản lý người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội. Cùng với đó, đã trực tiếp tư vấn, chuyển gửi 80 người đến cơ sở y tế xét nghiệm HIV miễn phí, xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Cấp phát 10.000 bao cao su cho người mại dâm. Mở rộng kết nối 50 thành viên mới tham gia hoạt động nhóm/Câu lạc bộ.
Mô hình 2 là “Cung cấp dịch vụ cho người bán dâm tại cộng đồng”. Trong giai đoạn 2016 - 2020, mô hình đã tổ chức khám bệnh lây truyền qua đường tình dục cho 440 lượt người bán dâm, người có nguy cơ bán dâm làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả. Tổ chức tư vấn pháp lý, làm giấy tờ tùy thân cho 50 lượt người bán dâm, người có nguy cơ bán dâm làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả. Tổ chức hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho 89 lượt người người bán dâm, người có nguy cơ bán dâm làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hạ Long, Uông Bí. Tổ chức 5 cuộc hội thảo chuyên đề giữa chủ cơ sở trợ giúp xã hội, đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội và nhóm đồng đẳng nhằm tăng cường kết nối dịch vụ. Tuy nhiên, trong năm 2023, do Trung ương chưa ban hành khung định mức kinh tế - kỹ thuật và các văn bản hướng dẫn nên tỉnh không có căn cứ pháp lý để bố trí ngân sách triển khai mô hình.
Mô hình 3 là mô hình đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long. Mô hình này đã tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho 75 người có nguy cơ mại dâm qua zalo, chuyển gửi 18 người đi xét nghiệm HIV. Mở rộng kết nối, thu hút 23 thành viên tham gia sinh hoạt/hoạt động của nhóm. Tổ chức cấp phát hơn 5.000 bao cao su cho các Cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.
Bên cạnh những mô hình thí điểm nêu trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh còn phối hợp với các địa phương duy trì Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng chống mại dâm, hòa nhập cộng đồng tại 08 xã, phường là: Phường Yết Kiêu, Hà Khẩu, Đại Yên (TP Hạ Long); Phường Nam Khê (TP Uông Bí); Phường Mạo Khê (TX Đông Triều); Phường Quảng Yên (TX Quảng Yên;) Phường Cẩm Thủy, Quang Hanh (TP Cẩm Phả). Mô hình này đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân; hỗ trợ chính quyền địa phương nắm địa bàn, phát giác, tố cáo hành vi liên quan đến hoạt động mại dâm...
Thông qua hoạt động các mô hình, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh có thể nắm được tình hình tệ nạn mại dâm, người bán dâm trên địa bàn triển khai mô hình. Qua đó có kế hoạch nhằm kết hợp các biện pháp can thiệp giảm hại về HIV/AIDS để hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm (tại thành phố Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả); đảm bảo những quyền cơ bản của người bán dâm, người lao động làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm theo quy định của pháp luật về lao động, việc làm và tiếp cận các dịch vụ xã hội, trợ giúp pháp lý, tư vấn tâm lý, y tế, gắn với thực hiện các chính sách của tỉnh theo chương trình giảm nghèo, học nghề, vay vốn tạo việc làm, tạo thu nhập, chuyển đổi nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng bền vững, góp phần giảm thiểu những tác hại của hoạt động mại dâm tác động đến đời sống xã hội.
Tuy nhiên, theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai các mô hình thí điểm (cơ chế, chính sách pháp luật, kinh phí, nguồn lực...) hiện cũng gặp một số khó khăn. Từ năm 2021 kinh phí hoạt động của các mô hình bị cắt giảm, do các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện không còn đủ căn cứ pháp lý, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các Nhóm/CLB trong các Mô hình thí điểm. Việc tiếp cận người bán dâm đặc biệt là nhóm người bán dâm là nhân viên làm việc tại các Cơ sở kinh doanh dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết người bán dâm không có nơi cư trú nhất định, thường xuyên di chuyển chỗ ở, chủ yếu là người ngoại tỉnh, ít nhiều có ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, giám sát, lượng giá để có chính sách hỗ trợ giảm hại. Về góc độ pháp lý người được tiếp cận không khẳng định với cơ quan Nhà nước rằng họ là người bán dâm và chính quyền cơ sở, các cơ quan quản lý cũng không có hồ sơ quản lý nên việc tiếp cận và hỗ trợ đúng đối tượng là người bán dâm khó thực hiện.
Trong những tháng cuối năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh tiếp tục Duy trì hoạt động 03 mô hình can thiệp giảm hại hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm tại Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác tiếp cận cộng đồng và hỗ trợ giảm hại về phòng, chống mại dâm tại 02 địa phương Bình Liêu và Hải Hà. Đồng thời tổ chức 07 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực tiếp cận cộng đồng, hỗ trợ giảm hại về mại dâm và các tệ nạn xã hội cho 07 Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống mại dâm. Sở cũng kiến nghị với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm ban hành Thông tư về Khung định mức kinh tế - kỹ thuật hỗ trợ xây dựng thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm để các địa phương có cơ sở duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình này./.
Minh Tiến
-
Lạng Sơn: Quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo
24-11-2024 08:01 44
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
07-11-2024 11:57 49
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
- Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
- Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh