Xã hội
Phát huy vai trò quản lý của các cơ quan chức năng trong chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện
06:55 PM 30/11/2020
(LĐXH)-Sau 3 năm thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện, công tác triển khai đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương thí điểm ghi nhận bởi những tiện ích trong quá trình triển khai.
Đó là, tách bạch được công tác chi trả với công tác quản lý đối tượng, công tác tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, góp phần tạo sự minh bạch trong quản lý cũng như giảm tải được áp lực cho cán bộ xã, phường trong điều kiện Chính phủ yêu cầu thực hiện tinh giản biên chế “đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% số biên chế so với năm 2015” theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017. Công tác phối hợp giữa hai ngành được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo dòng tiền luân chuyển ổn định, kịp thời, không xảy ra sai sót trong quá trình chi trả. Đội ngũ giao dịch viên, nhân viên bưu điện phục vụ nhiệt tình, chu đáo, trách nhiệm cao. Đa số người có công hài lòng và đánh giá cao phương thức chi trả này.
Cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với các cơ quan chức năng trong thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện
Tính đến thời điểm tháng 11/2019, toàn quốc đã triển khai thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng qua hệ thống Bưu điện tại 20 tỉnh, thành phố. Trong đó, 16 tỉnh đã thực hiện bàn giao công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện trên địa bàn toàn tỉnh, còn lại 04 tỉnh mới triển khai thí điểm tại địa bàn một số huyện, cụ thể: Quảng Ninh, Ninh Thuận, Thái Nguyên thí điểm tại 3 huyện, Nghệ An thí điểm tại 5 huyện. Hàng tháng, bưu điện đã tổ chức gần 3.600 điểm chi trả, bố trí 3.242 nhân viên chi trả cho 360.000 người hưởng với số tiền lên đến 620 tỷ đồng. Tính từ thời điểm triển khai (năm 2016) của mỗi tỉnh đến 30/9/2019, cơ quan Bưu điện đã triển khai chi trả 3.476.125 lượt đối tượng hưởng với số tiền chi trả gần 5.800 tỷ đồng.
Đối với chi trả trợ cấp ưu đãi người có công một lần, 8/20 tỉnh đã thực hiện chi trả qua bưu điện bao gồm: An Giang, Đà Nẵng, Sóc Trăng, nghệ An, Đắk Nông, Hưng yên, Quảng Ninh, Thanh Hóa với tổng số tiền chi trả trợ cấp một lần xấp xỉ 96 tỷ đồng cho 135.384 lượt đối tượng hưởng.
Trong thời gian tới, căn cứ vào kết quả Tổng kết thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua hệ thống Bưu điện tại 20 địa phương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác quản lý, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng theo hướng “Xây dựng Mô hình Quản lý - Chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ”.
Đối với cơ quan Bưu điện, tiếp tục thực hiện mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua cơ quan Bưu điện tại 20 địa phương đang thực hiện thí điểm đến khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt mô hình quản lý, chi trả trợ cấp mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, xây dựng cơ sở dữ liệu về người có công gắn với thực hiện chính sách; đồng thời có các giải pháp tổng quát, toàn diện khắc phục ngay đối với những tồn tại trong công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công đã nêu trên. Rà soát, hoàn thiện phương án bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa điểm, thời gian chi trả, đảm bảo tạo sự đồng thuận, hài lòng, thống nhất cao của đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công.
Tổ chức thực hiện tốt công tác chi trả, đảm bảo tỷ lệ chi trả cao nhất; phối hợp kiểm tra, làm rõ các trường hợp chậm lĩnh từ 03 tháng trở lên, chú ý các trường hợp chưa nhận trợ cấp để có giải pháp xử lý kịp thời và trong tháng 12 hàng năm phải thực hiện chi trả hết cho các đối tượng (trừ trường hợp đặc biệt chậm lĩnh mang sang năm sau phải có lí do chính đáng); đảm bảo thủ tục, thời gian thanh quyết toán theo quy định.
Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác chi trả tại địa phương; phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Phòng Lao động- Thương binh & Xã hội trong việc theo dõi biến động (tăng, giảm) báo cáo về Phòng LĐ-TBXH để điều chỉnh lập dự toán chi trả trợ cấp kịp thời cho các tháng kế tiếp và công tác tập huấn, phổ biến về chính sách chế độ ưu đãi đối với người có công, về chuyên môn nghiệp vụ thực hiện chế độ tài chính ưu đãi cho độ ngũ cán, bộ viện chức làm công tác chi trả của hệ thống Bưu điện trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức thực hiện tốt tốt công tác đền ơn đáp nghĩa.
Đối với  Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương đang thực hiện thí điểm tiếp tục thực hiện quản lý đối với công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua bưu điện như sau: Chủ trì phối hợp với Bưu điện tỉnh làm tốt công tác phổ biến tuyên truyền chính sách người có công để đối tượng và nhân dân được biết, tăng cường công tác giám sát đảm bảo thực hiện tốt chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung và công tác chi trả trợ cấp nói riêng.
Tăng cường công tác kiểm tra, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn và chỉ đạo Phòng LĐ-TBXH cấp huyện, cán bộ làm công tác LĐ-TBXH tại cấp xã giám sát việc chi trả của cơ quan Bưu điện, bảo đảm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng “đúng kỳ - đủ số tiền - đến tận tay đối tượng hưởng chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng” và quy định của Nhà nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và chi trả (bổ sung hoàn thiện Phần mềm quản lý đối tượng, quản lý tài chính, chi trả trợ cấp ưu đãi người có công…), đảm bảo việc thực hiện chi trả gắn với thực hiện chính sách ưu đãi  người có công với cách mạng, đảm bảo chi trả trợ cấp đúng đối tượng, đủ chế độ, kịp thời và đến tận tay đối tượng được hưởng, theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật và thái độ phục vụ tốt nhất.
Đối với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đang thực hiện thí điểm, sẽ tiếp tục thực hiện trách nhiệm quản lý, thực hiện tốt chính sách chế độ đối với người có công nói chung và chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống Bưu điện nói riêng; thực hiện công tác quản lý dự toán, giám sát quy trình thực hiện chi trả, thủ tục thanh quyết toán đúng theo quy định. Hướng dẫn cán bộ làm công tác LĐTBXH cấp xã thực hiện trách nhiệm theo dõi, quản lý, báo cáo đối tượng tăng, giảm trên địa bàn cho Phòng LĐTBXH; phối hợp với Bưu điện thực hiện công tác chi trả trợ cấp hàng tháng, giải đáp vướng mắc, kiểm tra các trường hợp chậm lĩnh để có giải pháp xử lý kịp thời.
Đối với UBND cấp xã đang thực hiện thí điểm, sẽ tiếp tục chỉ đạo cán bộ làm công tác Lao động – Thương binh và Xã hội cấp xã có trách nhiệm: Theo dõi, quản lý, báo cáo đối tượng tăng, giảm trên địa bàn cho Phòng LĐTBXH. Kịp thời giải đáp, hướng dẫn những vướng mắc (nếu có) và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định. Phối hợp với Bưu điện văn hóa xã thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng và kiểm tra làm rõ các trường hợp chậm lĩnh; đến tận nhà chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, thăm hỏi đối tượng ốm đau không thể đến điểm chi trả để nhận trợ cấp./.

Mỹ Hạnh

 

Từ khóa: