Phát triển kỹ năng nghề, góp phần tăng năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia
(LĐXH) - Ngày 01 tháng 10 năm 2020 Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg về ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam. Theo đó lấy ngày 04/10 hằng năm là ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam và được công bố tại Lễ Khai mạc Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ 11 được tổ chức tại Hà Nội…
Với mục đích kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp bằng hành động cụ thể, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời, dựa vào kỹ năng để nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh, nâng cao vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là người lao động có kỹ năng nghề xuất sắc. Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Tiếp đó, tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”. Trên cơ sở đó, Bộ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan về việc chọn “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” trong tháng 10 là phù hợp hơn cả, bởi thời gian này gắn với nhiều ý nghĩa quan trọng liên quan đến sự hình thành, phát triển nghề nghiệp, văn hóa truyền thống của người dân Việt Nam cũng như đây là thời điểm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai nhiều hoạt động của năm học mới…
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam thể hiện sự đề cao vai trò, giá trị, tầm quan trọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong thời kỳ mới, phù hợp với Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam…”; đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc “Giai cấp công nhân là chủ thể của phương thức sản xuất công nghiệp với các đặc tính: công cụ lao động là máy móc, năng suất lao động cao, lao động có tính chất xã hội hóa cao và gợi mở nhiều giải pháp tích cực cho quá trình phát triển xã hội. Chính từ quá trình sản xuất vật chất bằng phương thức công nghiệp, giai cấp công nhân được xác định là giai cấp quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại và thông qua đó, chuẩn bị những tiền đề vật chất cho xã hội tương lai”, góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện chủ trương, quan điểm của Ban Bí thư về phát triển kỹ năng lao động với quan điểm xuyên suốt là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó mục tiêu cụ thể xác định: “Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp” cũng như Chỉ thị của Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến phát triển kỹ năng nghề.
Có thể khẳng định, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam sẽ là “điểm nhấn” để các cơ quan, đơn vị nhất là doanh nghiệp luôn nhớ và đồng hành cùng giáo dục nghề nghiệp thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kỹ năng cho người lao động: “…Các Bộ, ngành, doanh nghiệp sớm từ bỏ tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp, chuyển sang cơ chế tuyển dụng theo kỹ năng, kỹ nghệ, có như thế mới mong tìm được người tài, người giỏi…”. Và như nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” thì: “Trong hơn 30 năm đổi mới, gia tăng dân số và lực lượng lao động là một động lực quan trọng đóng góp to lớn cho thành tựu tăng trưởng GDP quốc gia…” và “…Nâng cao chất lượng nguồn lao động có vai trò sống còn trong cải thiện tốc độ tăng trưởng, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế với mô hình tăng trưởng…”.
Nâng tầm kỹ năng lao động Việt
Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, cũng như tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu về nâng tầm kỹ năng lao động đang trở nên hết sức cần thiết đối với mọi quốc gia. Việc nâng tầm kỹ năng lao động sẽ làm gia tăng chất lượng và hiệu quả lao động, là nhân tố hết sức quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến quý II năm 2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%); trong đó lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%, cao đẳng chiếm 3,82%, trung cấp chiếm 4,65%, sơ cấp chiếm 3,08% trong tổng lực lượng lao động). Những con số thống kê cho thấy lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, tỷ lệ quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện tại và cũng như trong tương lai. Do đó, với lợi thế là quốc gia đang ở giai đoạn dân số vàng, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng và chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia; nhằm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào năm 2030, hướng tới mục tiêu đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển hoặc nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Liên hợp quốc ngày càng quan tâm đến đề cao vai trò, tôn vinh người lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động trẻ. Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết chọn ngày 15 tháng 7 là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới kể từ năm 2014. Hằng năm một số nước trên thế giới tổ chức ngày Kỹ năng quốc gia và tuần lễ kỹ năng quốc gia như nước Úc tổ chức Tuần lễ Kỹ năng quốc gia (National Skills Week), nước Anh tổ chức Ngày Kỹ năng quốc gia (National Skills Day). Đồng thời, vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, là một trong trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.
Việt Nam đã tham gia Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills International), với 84 tổ chức thành viên từ trên 60 quốc gia, trong đó có nhiều nước phát triển. Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới đã khuyến nghị các quốc gia chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua nhiều hình thức, trong đó khuyến khích tổ chức các hoạt động và sự kiện để kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới. Vai trò, giá trị của lực lượng lao động và trình độ kỹ năng của người lao động đã được Tổ chức này công nhận thể hiện qua các thông điệp sau: “Kỹ năng của chúng ta, tương lai của chúng ta” và “Kỹ năng lao động mang đến giá trị đích thực”.
Nước ta đã có những ngày kỷ niệm để tôn vinh người lao động trong một số lĩnh vực ngành, nghề như: Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2); Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6); Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10); Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11). Bên cạnh đó, hằng năm chúng ta vẫn tổ chức các sự kiện tôn vinh người lao động nói chung nhân Ngày Quốc tế lao động (1/5). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có một ngày cụ thể tôn vinh kỹ năng lao động ở tất cả các lĩnh vực ngành, nghề. Do đó, việc có “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” là hết sức cần thiết vừa để hội nhập với xu thế tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị của người lao động Việt Nam có kỹ năng trong tình hình mới.
Với việc kết hợp giữa công bố Ngày Kỹ năng nghề (04/10) với Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11, đã mang lại nhiều điểm nhấn và để lại nhiều ấn tượng với các đoàn dự thi cũng như bạn bề quốc tế…
Trước tiên, Kỳ thi đã được đổi tên thành kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, thay vì trước đó là kỳ thi tay nghề quốc gia với số lượng nghề nhiều nhất từ trước tới nay (tăng 8 nghề so với năm 2018). Lần đầu tiên thành phần Ban Tổ chức và thành phần các Tiểu ban giúp việc có sự tham gia của doanh nghiệp và hiệp hội nghề nghiệp như: Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - GIZ; Tập Đoàn Xây dựng Hòa Bình; Tổng Công ty May 10; Công ty TNHH Festo; Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam; Công ty TNHH 3DS Global Enterprises; Công ty TNHH Didactic Việt Nam. Bên cạnh đó, trong suốt thời gian diễn ra cuộc thi, BTC có bố trí nhiều hoạt động gồm: Hội thảo chuyên môn, thi trình diễn kỹ năng, trao đổi kinh nghiệm giữa cá tổ chức, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động...
Kỳ thi đã từng bước tiệm cận quy chế của khu vực với thời gian làm bài thi tăng lên không quá 15 tiếng. Tiếp đó, có quy định rõ về công tác giám sát thi với sự tham gia của đại diện Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) nhằm đảm bảo đảm bảo tính công bằng, minh bạch, khách quan cho kỳ thi và chủ động bổ sung các quy định về công tác phòng chống dịch COVID – 19 trong thời gian diễn ra. Với quy trình đánh giá và chấm điểm theo quy định mới nhất của kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới, chẳng hạn như quy định cụ thể về xác nhận và nhập điểm vào hệ thống CIS theo thời hạn cụ thể và khóa điểm ngay sau khi nhập. Đối với việc ra đề, Lắp đặt điện là nghề tiên phong đổi mời trong công tác lựa chọn đề thi chính thức bằng việc thuê đơn vị độc lập có chuyên gia quốc tế xây dựng…
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Phó trưởng ban Tổ chức Kỳ thi cho biết: “Qua kỳ thi lần thứ 11 sẽ là cơ sở tuyển chọn thí sinh có năng lực tham gia đội tuyển quốc gia để huấn luyện chuẩn bị tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ 13, thế giới lần thứ 46 năm 2021... Và quan trọng hơn cả là qua kỳ thi năm nay sẽ tạo được sự lan tỏa, khí thế thi đua học tập sôi nổi trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…”
Nguyễn Hữu Bắc
Từ khóa:
-
Tăng cường tập huấn nghiệp vụ phân tích dự báo về thị trường lao động góp phần giảm nghèo bền vững
20-12-2024 15:50 10
-
Cà Mau: Hỗ trợ phát triển thị trường lao động, kết nối việc làm bền vững
17-12-2024 15:24 48
-
Huyện Tam Đường (Lai Châu): Đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động
18-12-2024 15:24 29
-
Thanh Hóa: Nhiều kết quả đáng ghi nhận từ dự án hỗ trợ việc làm bền vững
25-12-2024 11:43 30
-
Huyện Yên Bình (Yên Bái) tích cực hỗ trợ việc làm bền vững cho lao động
25-12-2024 10:36 51
-
Hà Tĩnh xây dựng Sàn giao dịch việc làm hỗ trợ thông tin việc làm bền vững
15-12-2024 10:27 43
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00