Xã hội
Phát triển và nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả ở Vĩnh Châu
11:10 AM 17/12/2024
(LĐXH) – Vĩnh Châu là thị xã vùng biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm trên 53%). Nhiều năm qua, Vĩnh Châu đã nỗ lực thực hiện nhiều chương trình, dự án, chính sách lồng ghép làm chuyển biến và thay đổi sâu sắc diện mạo ở các phum sóc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer.
Thực hiện Tiểu dự án 2: Truyền thông về giảm nghèo đa chiều thuộc Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin, năm 2024, Thị xã Vĩnh Châu được phân bổ 161.700.000 đồng (Trong đó nguồn vốn Trung ương sự nghiệp giảm nghèo là 147.000.000 đồng; vốn đối ứng địa phương là 14.700.000 đồng) để thực hiện công tác công tác truyền thông về giảm nghèo. Thời gian qua, UBND thị xã Vĩnh Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền tầm quan trọng của các Chương trình, dự án trong công tác giảm nghèo và chính sách thụ hưởng; vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo tích cực phát triển kinh tế gia đình nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vĩnh Châu được coi là "Thủ phủ" của xứ sở hành tím, tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp xoá đói giảm nghèo bền vững 
Từ nguồn kinh phí trên, Vĩnh Châu đã xây dựng các ấn phẩm, kết hợp đồ họa thông tin tuyên truyền trên trang tin điện tử và mạng xã hội; đồng thời, lắp đặt pa nô và áp phích tại các xã, thị trấn; tổ chức biểu dương, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo.
Bên cạnh đó, địa phương tổ chức lắp đặt pa nô tuyên truyền, xây dựng cổng thông tin tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử. Đồng thời, thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh thị xã và đài phát thanh các xã, thị trấn về các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về Chương trình MTQG giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 để nhân dân biết và thực hiện. Từ hiệu quả của công tác thông tin, truyền thông cùng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt khó... nhiều nông dân người Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tạo ra các mô hình phát triển kinh tế bền vững, mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương.    
Là hộ nghèo ở ấp Vĩnh Thạnh B, xã Vĩnh Hải, ông Danh Diên đã nhận được hỗ trợ từ chương trình, ông cho hay “được Nhà nước hỗ trợ nuôi heo nên đời sống gia đình đỡ hơn nhiều. Bây giờ mình ráng chăm sóc heo mau lớn để mở rộng thêm. Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ khi gia đình tôi không có đất đai, hoàn cảnh khó khăn”. Cũng ở xã Vĩnh Hải, ông Kim Rôl cũng là hộ nghèo thuộc ấp Âu Thọ A, ông chia sẻ: “lúc trước hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn lắm, chỉ có cái nhà mưa dột. Bây giờ Nhà nước giúp tiền để cất nhà ở, Bò để chăn nuôi, được như vậy mình vui lắm mà ráng làm ăn, vươn lên ổn định cuộc sống”. 
Một trường hợp khác là ông Kim Hên, 71 tuổi, là người dân tộc Khmer ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn. Sinh ra và lớn lên ở miền quê kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, để khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương, ông Kim Hên không ngừng học hỏi, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Không những thế, ông còn tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Đến nay, ông đã làm chủ mô hình sản xuất 16,5 ha lúa chất lượng cao. Ông còn đầu tư mua máy gặt đập liên hợp, máy cày làm dịch vụ cho nông dân, kết hợp chăn nuôi heo. Ông Kim Hên chia sẻ, hiện nay tổng thu nhập hằng năm của gia đình ông khoảng hơn 5 tỷ đồng. Cũng nhờ mô hình này, gia đình ông đã giải quyết việc làm cho 22 lao động tại địa phương
Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng mô hình sản xuất, ông Kim Hên là tấm gương “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” tại tỉnh Sóc Trăng, góp phần đa dạng hoá, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn, tạo nên diện mạo mới trong nền sản xuất nông nghiệp và tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thời gian tới, thị xã Vĩnh Châu xác định sẽ tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo; Xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình thông tin và truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội.. góp phần giảm nghèo bền vững.
Thanh Hương