Xã hội
Phòng, chống mại dâm năm 2016: Quyết liệt, nhiều điểm mới và tôn trọng quyền con người
09:29 AM 28/12/2016
Năm 2016, công tác phòng, chống mại dâm tại Việt Nam đã có nhiều biến chuyển. Chính phủ, các cơ quan chức năng bên cạnh việc quyết liệt đấu tranh với tệ nạn này cũng đưa ra nhiều điểm mới trong chính sách, thực thi đảm bảo quyền con người.

Ngày 7/3/2016, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 bao gồm nhiều giải pháp, biện pháp và các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm các bệnh xã hội, HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở bình đẳng giới, trong đó tập trung xây dựng chỉ đạo thực hiện 3 mô hình: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; Mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống, bạo lực giới.

5-10 tỉnh/TP thí điểm hỗ trợ quyền lao động trong cơ sở KDDV nhạy cảm

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2018, việc thí điểm Mô hình hỗ trợ đảm bảo quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ (KDDV) dễ phát sinh tệ nạn mại dâm dự kiến sẽ thực hiện tại 5-10 tỉnh, thành phố được lựa chọn trên cơ sở số lượng cơ sở KDDV trên địa bàn và số lượng người lao động tại các cơ sở KDDV….).

Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở KDDV là một mô hình được thí điểm với sự hỗ trợ từ ILO. Việc thí điểm sẽ được thực hiện trong thời gian 3 năm (từ năm 2016 đến 2018) tại một số tỉnh, thành phố trọng điểm và sơ kết, đánh giá, nhân rộng trên phạm vi toàn quốc trong giai đoạn 2019-2020.

Mô hình hỗ trợ nhằm đảm bảo quyền của người lao động trong cơ sở KDDV, đây là cách tiếp cận mới trong phòng chống tệ nạn mại dâm nhằm giúp người lao động tại các cơ sở KDDV có điều kiện nâng cao nhận thức, thực hiện quyền của người lao động được quy định trong pháp luật như: quyền được ký hợp đồng lao động, được trả lương, được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp luật, quyền được thay đổi công việc phù hợp với cuộc sống của mình.

Để quyền của người lao động trong các cơ sở KDDV được thực thi, Mô hình dự kiến triển khai các can thiệp tập trung vào 4 nhóm đối tượng sau: Phụ nữ bán dâm (người lao động) đang làm việc tại các cơ sở KDDV; Nhóm chủ cơ sở KDDV; Nhóm các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương (chính quyền, thanh tra lao động, đội kiểm tra liên ngành 178/CP); Nhóm các nhà hoạch định chính sách ở Trung ương và địa phương. 

Đà Nẵng bảo vệ người bán dâm bị bạo hành

Tháng 3/2016, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép tiếp nhận người bán dâm có nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng tình dục vào cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc và bảo vệ khẩn cấp.

Đây được xem là một chính sách nhân văn của Đà Nẵng hướng đến nhóm người chịu nhiều kỳ thị, thiệt thòi cho xã hội.

Ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH Đà Nẵng, người tham mưu chính cho UBND thành phố ban hành quyết định này cho biết, chính sách trên được xây dựng trong vòng một năm, qua các cuộc hội thảo với nhiều ý kiến của chuyên gia. Mục đích chính của chính sách này nhằm xây dựng thành phố an bình, văn minh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm.

Theo chính sách này, không phải tất cả người bán dâm đều đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, mà chỉ những người bị các đối tượng khác dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc bán dâm. Việc tiếp nhận đối tượng vào cơ sở bảo trợ xã hội không bị coi là xử lý vi phạm hành chính. Còn với đối tượng bán dâm tự do thì vẫn phạt hành chính theo quy định của luật hiện hành.

TP HCM yêu cầu các cơ sở KDDV cam kết “Không khiêu dâm, kích dục”

Tháng 7/2016, UBND TPHCM đã chấp nhận cho Sở TĐTB&XH TP triển khai mẫu bản cam kết về phòng chống tệ nạn mại dâm và khiêu dâm, kích dục tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội.

Mục đích việc triển khai bản cam kết này là nhằm phòng ngừa, kéo giảm tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn, trong đó nâng cao ý thức của các chủ doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ nhạy cảm, dễ phát sinh tệ nạn xã hội; không để xảy ra các hành vi khiêu dâm, kích dục tại cơ sở, hoặc trao đổi, mua bán dâm…
Đặc biệt là nhằm tăng cường trách nhiệm kiểm tra giám sát và quản lý của chính quyền địa phương đối với hoạt động kinh doanh của các cơ sở nhạy cảm. Theo đó, bản cam kết được lập thành 3 bản, 1 bản niêm yết tại phường, 1 bản tại khu phố và 1 bản phải niêm yết tại quầy lễ tân của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.
Theo Sở LĐTB&XH TP HCM, việc ký bản cam kết sẽ từ tuyên truyền vận động đến bắt buộc các cơ sở phải thực hiện. Đây không phải là một việc làm mang tính hình thức, mà sẽ là cơ sở để tăng cường kiểm tra chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh nhạy cảm.

Tháng 5/2016, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐTB&XH TP.Hà Nội cho biết, Hà Nội đang thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý người bán dâm ở 59 phường thuộc 3 quận: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.

Mục tiêu của việc xây dựng dữ liệu quản lý là nắm bắt thông tin để kịp thời hỗ trợ, giảm hại cho người bán dâm.

Hà Nội thí điểm xây dựng CSDL quản lý người bán dâm tại 3 quận

Ông Phùng Quang Thức cho biết, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP Hà Nội sẽ phối hợp với lực lượng công an định kỳ quý hoặc 6 tháng/lần ngồi lại để chốt danh sách người bán dâm. Thông tin dữ liệu sẽ được cập nhật vào phần mềm trong thời gian sớm nhất có thể.

Hiên nay chưa có công cụ để quản lý số lượng người bán dâm, chưa có sự chuyển gửi giữa cơ quan xử phạt vi phạm hành chính và cơ quan hỗ trợ người bán dâm.

Trước đây quản lý được số người bán dâm thông qua số người được đưa vào chữa bệnh, giáo dục tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục Lao động xã hội số II hoặc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đều được bổ sung vào danh sách quản lý.

Đến nay người bán dâm chỉ bị xử phạt hành chính mà chưa có quy định chuyển danh sách đến cơ quan thường trực phòng, chống mại dâm các cấp, nên không nắm được số người bán dâm để tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ... Chính vì vậy, việc xây dựng một cơ sở dữ liệu giúp nắm được những ai đang cần hỗ trợ để tiếp cận, giúp đỡ.

Đồng thời, căn cứ vào những thông tin được ghi trong cơ sở dữ liệu này, khi có các vụ án liên quan đến các đối tượng trên xảy ra các cơ quan điều tra cũng sẽ được cung cấp thông tin nhanh chóng, chính xác và toàn diện nhất mà không cần chờ đợi hay xác minh thông tin, ảnh hưởng đến tiến trình phá án.

Phấn đấu "3 tăng, 2 giảm" trong phòng, chống mại dâm

Tại Hội nghị Triển khai chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm yêu cầu các địa phương, trong năm 2016 phải phấn đấu được "3 tăng, 2 giảm" trong phòng, chống mại dâm.

Cụ thể, tăng số lượng các tỉnh có kết nối với mạng lưới người bán dâm, từ đó nắm được đúng thực trạng mại dâm hiện nay. Tăng số người được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe định kỳ. Tăng số người được tiếp cận với việc học nghề, vay vốn, tạo việc làm. Giảm được số ca lây nhiễm HIV qua đường tình dục; giảm được các vụ việc liên quan đến buôn người vì mục đích mại dâm, các vụ môi giới, bạo lực đối với người bán dâm.

Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, các địa phương cần chủ động tìm giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để việc triển khai mang lại hiệu quả tốt nhất. Cần bám chắc vào các quan điểm, giải pháp chung đã được đưa ra trong Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Việt Nam sẽ không có phố đèn đỏ, không làm casino tràn lan”

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, diễn ra tại Hội An ngày 9/8.

“Chúng ta không phát triển theo hướng đó”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Đây là ý kiến chính thức của người đứng đầu Chính phủ khi mà từ trước đã có nhiều ý kiến tranh luận về việc Việt Nam có nên có phố đèn đỏ để thu hút, phát triển du lịch, đặc biệt là tại các tỉnh mạnh về du lịch, các trung tâm như Hà Nội, TP HCM.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện nay, số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như: Đồng bằng sông Hồng 3.673 người; Đông Bắc 913 người; Bắc Trung bộ 887 người; Đông Nam Bộ 3.200 người; Đồng bằng Sông Cửu Long 1.374 người; các khu vực khác là 1.189 người. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là một hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình của nó.

Xuất hiện những đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook,… Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau.

Tệ nạn mại dâm đã và đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Cụ thể, nguy cơ lây lan các bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục do quan hệ tình dục không an toàn (tỷ lệ người nhiễm HIV qua đường tình dục ngày càng gia tăng (45,3%) chiếm tỷ lệ cao nhất trong các đường lây truyền khác; tỷ lệ hiện nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới là 3,9% (tăng gần 2 lần so với năm 2012); người hoạt động mại dâm thường bị bạo lực, chiếm đoạt tài sản, tiền bạc, bóc lột tình dục; bị kỳ thị, xa lánh, khó tiếp cận với các dịch vụ xã hội…

Tệ nạn mại dâm cũng làm gia tăng các băng nhóm, tổ chức tội phạm mua bán ma túy, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương. Hình thành những đường dây mua bán người vì mục đích mại dâm...; tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm có chiều hướng gia tăng không chỉ ở trong nước và ngoài nước.

Theo Tiếng chuông


Từ khóa: