Phú Thọ giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm
(LĐXH)- Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội, ngày 3/3, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm năm 2022.
Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có diện tích tự nhiên 3.532,9 km2, dân số trên 1,4 triệu người phân bố tại 13 huyện, thành phố, thị xã với 277 xã, phường, thị trấn. Hệ thống giao thông gồm tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai và 6 tuyến quốc lộ, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và 3 tuyến đường thủy là sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp tác động lớn đến công tác phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn mại dâm.
Tệ nạn mại dâm cũng có những diễn biến phức tạp, núp bóng dưới nhiều hình thức như: môi giới mại dâm trên mạng Internet thông qua các trang web, mạng xã hội; giao dịch qua điện thoại di động... Phú Thọ tuy chưa phải là điểm nóng về tệ nạn mại dâm, hoạt động mại dâm không công khai, không có hiện tượng gái mại dâm đứng đường... Song đây cũng là tệ nạn có diễn biến phức tạp, chủ yếu hoạt động lén lút, trá hình trong một số khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở massage... Địa bàn hoạt động mại dâm tập trung ở một số khách sạn, nhà nghỉ tại thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ, huyện Thanh Thủy, Thanh Sơn... Hầu hết gái mại dâm là những đối tượng không đăng ký lưu trú tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ mà thuê nhà trọ, nhà nghỉ để ở vì vậy công tác phòng ngừa, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh triệt phá của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Tuyên truyền phòng, chống tệ nạn mại dâm tại xã Tử Đà, huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ)
Theo đó, Phú Thọ đặt mục tiêu có 100% số xã, phường, thị trấn tổ chức được ít nhất một hình thức tuyên truyền về phòng ngừa mại dâm và được duy trì thường xuyên; thông tin về phòng, chống mại dâm được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng cấp tỉnh, cấp huyện ít nhất một tháng một lần.
Năm 2022, có ít nhất 25% người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 20% người lao động trong các khu công nghiệp; 25% học sinh, sinh viên các trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm.
100% các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện, lồng ghép nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình an sinh, trợ giúp xã hội, chương trình phòng, chống ma túy, chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Số tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến mại dâm được phát hiện và xử lý theo quy định của pháp luật, đặc biệt những địa bàn trọng điểm; 100% tố giác, tin báo, khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm được tiếp nhận, xác minh, phân loại, xử lý kịp thời; tổ chức kiểm tra tăng 10% số cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm so với năm trước.
Khảo sát, lựa chọn để xây dựng 02 mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Tỉnh phấn đấu có ít nhất 25% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ cấp tỉnh và 20% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ ở cấp huyện, cấp xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến lĩnh vực phòng, chống mại dâm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về công tác phòng, chống mại dâm, thực hiện các can thiệp giảm hại, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.
Để đạt các mục tiêu trên, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ sẽ hướng dẫn thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội với kế hoạch phòng, chống mại dâm. Hướng dẫn xây dựng, phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm. Phối hợp với các đơn vị để khảo sát, lựa chọn, xây dựng mô hình thí điểm về phòng ngừa mại dâm.
Chủ trì xây dựng các chương trình, tài liệu, công cụ truyền thông về phòng, chống mại dâm; tổ chức đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan. Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống mại dâm cho cộng đồng…
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
22-11-2024 18:20 18
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55
-
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
19-11-2024 19:05 09
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
- Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
- Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới