Xã hội
Phú Thọ hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
10:54 AM 22/11/2024
(LĐXH)- Nhiều năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội ở Phú Thọ thường xuyên quan tâm, hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và tham gia bình đẳng vào các hoạt động trong xã hội.
Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ, toàn tỉnh hiện có hơn 30.000 người khuyết tật theo các mức độ khác nhau, trong đó có trên 23.000 người đã được trợ cấp xã hội hàng tháng và quản lý, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội...
Ông Hoàng Xuân Đoài, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Phú Thọ cho biết: Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội cùng sự nỗ lực vươn lên của chính bản thân người khuyết tật, đời sống vật chất và tinh thần của người khuyết tật trên địa bàn đã được cải thiện rõ rệt. Đến nay, nhiều rào cản về môi trường cũng như xã hội đối với người khuyết tật đã và đang từng bước được dỡ bỏ, đặc biệt là đã tạo cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật trong tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; kịp thời động viên, phát huy khả năng của người khuyết tật, giúp họ tự tin, nỗ lực trong cuộc sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Tặng xe lăn cho người khuyết tật thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ)
Hiện tại, 100% các sở, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành, thị đã có trang thông tin điện tử cơ bản áp dụng tiêu chuẩn, công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông như tăng giảm cỡ chữ, giao diện thân thiện, đơn giản. 100% Trạm Y tế xã/phường/thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đều lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe người khuyết tật và định kỳ khám sức khỏe cho người khuyết tật mỗi năm 01 lần. Người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng được cấp thẻ BHYT với mức hỗ trợ 100%; trẻ khuyết tật được phát hiện sớm và can thiệp sớm; công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng từng bước được quan tâm. 100% người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều được ưu tiên khám chữa bệnh theo quy định.
Hều hết các Bệnh viện đa khoa, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chữa năng, Trung tâm Y tế hai chức năng tuyến huyện ở Phú Thọ đều có khoa Y học cổ truyền và Phục hồi chữa năng. Thực hiện việc kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại nhằm giúp người khuyết tật phục hồi sức khoẻ một cách tốt nhất.
Tiếp đến, công tác phục hồi chức năng cho người khuyết tật cũng được tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ phục hồi chức năng cho các cơ sở y tế liên quan đến người khuyết tật. Bảo đảm đầu tư đủ các trang thiết bị phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật, từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị phục hồi chức năng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng.
Các hoạt động về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh thường xuyên được quan tâm chú trọng với mạng lưới cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật đều khắp, góp phần thực hiện hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Tỉnh hiện có 01 trung tâm hỗ trợ học sinh khuyết tật, 595 trường có học sinh khuyết tật học hòa nhập. Trong đó, số trẻ khuyết tật dưới 16 tuổi có khả năng học tập là 3.035, số trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục là 3.128 em…
Phó Giám đốc Hoàng Xuân Đoài cho biết thêm: Thực hiện nhiệm vụ được giao, hàng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành, thị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người khuyết tật; quan tâm dành nguồn lực và huy động nguồn lực cùng chung tay chăm lo cho người khuyết tật trên địa bàn. Trong đó, UBND tỉnh đã Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2024 – 2030 trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhằm củng cố, kiện toàn hệ thống phục hồi chức năng tại các cơ sở y tế, thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng người khuyết tật…

Chí Tâm

Từ khóa: