Phú Thọ quyết tâm đẩy lùi tệ nạn ma túy
(LĐXH)- Để phòng, chống hiệu quả tệ nạn ma túy không chỉ đòi hỏi sự quyết tâm của người nghiện mà còn cần sự hỗ trợ của gia đình và xã hội, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành cũng như cả cộng đồng cùng chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy.
Nhiều năm trở lại đây, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có diễn biến ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, một số đối tượng trong tỉnh đã cấu kết với các đối tượng phạm tội về ma túy ngoại tỉnh như: Sơn La, Điện Biên, Bắc Giang, Thái Nguyên… để hình thành những đường dây mua bán, vận chuyển ma túy liên tỉnh. Tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng.
Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, tổ chức theo đường dây, dùng nhiều thủ đoạn, lực lượng chức năng phải sử dụng rất nhiều biện pháp nghiệp vụ, bí mật, bất ngờ để các đối tượng không kịp trở tay, chống đối. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy toàn tỉnh Phú Thọ đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 179 vụ/320 đối tượng có hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 1.200 người nghiện ma túy, trong đó trên 1.100 người đang ở tại cộng đồng, số đối tượng còn lại đang trong các cơ sở cai nghiện, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Ông Hoàng Dương Chiến, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh Phú Thọ, đề xuất: Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc đưa đối tượng vào cai nghiện bắt buộc cũng như thu hút người cai nghiện tự nguyện không phải là vấn đề một sớm một chiều. Tuy nhiên, chúng ta cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông hướng về cơ sở, huy động sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, đội ngũ cộng tác viên xã hội, tình nguyện viên, lực lượng công an trong việc tư vấn cho gia đình, người thân của người nghiện. Hơn nữa, phải đổi mới hình thức truyền thông bằng hình ảnh trực quan, clip sinh động để mọi người hiểu và thay đổi suy nghĩ về vấn đề cai nghiện.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, ông Lương Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động – TBXH Phú Thọ, cho rằng: Khó khăn lớn nhất hiện nay là đối tượng nghiện ma túy tổng hợp. Bộ Y tế chưa có hướng dẫn phác đồ điều trị cụ thể nên cần phải có biện pháp đưa các đối tượng này vào cơ sở điều trị nghiện tập trung bởi ở cộng đồng không thể cai nghiện được. Do đó, rất mong thời gian tới, Bộ Lao động - TBXH tăng cường tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ làm công tác nghiệp vụ, điều trị nghiện ma túy, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn về công tác cai nghiện ma tuý, góp phần nâng hiệu quả hoạt động của cơ sở điều trị cai nghiện. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ tại cơ sở điều trị cần tiếp tục đổi mới nhận thức, tinh thần và thái độ phục vụ, tạo mối quan hệ thân thiện với người nghiện, coi người nghiện là bệnh nhân, khách hàng của cơ sở cai nghiện.
Thiết nghĩ, để đạt được hiệu quả trong phòng, chống ma túy cần nâng cao nhận thức của cộng đồng thông qua hình thức tuyên truyền về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, chất hướng thần mới. Ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Các cơ quan tố tụng, các ngành chức năng chủ động nắm tình hình hoạt động của tội phạm ma túy, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, địa bàn giáp ranh để có kế hoạch đấu tranh triệt xóa, vô hiệu hóa kịp thời các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm phức tạp về ma túy; phối hợp chặt chẽ trong điều tra, truy tố, xét xử; quan tâm công tác giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện; xã hội hóa, huy động nguồn lực phục vụ công tác cai nghiện và quản lý cai nghiện ma túy.
Đồng thời, các ngành chức năng cần tham mưu cho UBND tỉnh Phú Thọ tiến hành đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma tuý tại các Trung tâm và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ” giai đoạn 2015 – 2020. Từ đó, đề ra các giải pháp khắc phục trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện phù hợp với tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện ma túy và tổ chức cai nghiện tại cộng đồng; biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc và tổ chức điều trị cai nghiện tại cơ sở cai nghiện trên địa bàn.
Lê Hoàng
Từ khóa:
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55