Quận Cầu Giấy: Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay trong giải quyết việc làm
(LĐXH)- Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách giải ngân qua Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn quận Cầu Giấy (thành phố Hà Nội) đã trở thành công cụ, giải pháp đắc lực, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ về tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân trên địa bàn.
Tính đến ngày 31/7/2022, tổng nguồn vốn cho vay trên địa bàn quận đạt 206 tỷ đồng với 4 chương trình cho vay, trong đó, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm chiếm tỷ lệ cao nhất với 96%, dư nợ đạt 198 tỷ đồng với 2.482 khách hàng vay vốn. Doanh số cho vay đạt 55 tỉ đồng với 646 khách hàng vay vốn. Với số tiền giải ngân từ Ngân hàng Chính sách xã hội trong 7 tháng đầu năm đã góp phần giải quyết việc làm cho thêm gần 800 lao động trên địa bàn, nhất là các hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Song song với việc trung nguồn vốn đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi tới đông đảo nhân dân. Việc cập nhật các chính sách tín dụng mới, các chương trình cho vay, lãi suất vay vốn, thủ tục vay, các cơ chế ưu đãi về lãi suất, về đối tượng… đã giúp đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách tại cơ sở. Qua đó, đồng vốn tín dụng ưu đãi đã đến đúng các đối tượng thụ hưởng, các cơ chế chính sách được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đồng thời tăng cường công tác giám sát trong quá trình thực hiện chính sách, ngăn ngừa các nguy cơ trục lợi chính sách, phát huy tác dụng đồng vốn tín dụng chính sách.
Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội còn tăng cường phổ biến thông qua các phiên giao dịch hằng tháng tại các phường, qua các buổi họp giao ban, qua Cổng thông tin điện tử của Thành phố, của Quận, các cơ quan thông tấn báo chí. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thiết lập phần mềm ứng dụng giáo dục tài chính cho khách hàng trên điện thoại thông minh nhằm thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các dịch vụ tiết kiệm, thanh toán tại Ngân hàng Chính sách xã hội, một số mô hình vay vốn điển hình và cung cấp các thông tin giáo dục tài chính cho khách hàng như: kiến thức quản lý tài chính cá nhân, hộ gia đình, hỗ trợ sản xuất kinh doanh…
Công tác tuyên truyền, phổ biến đa dạng dưới nhiều hình thức đã giúp các cơ chế, chính sách nhanh chóng đến được với người dân, được nhân dân đón nhận và thụ hưởng. Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội - Bộ phận phụ trách địa bàn quận Cầu Giấy sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quận.
Điển hình trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm là tại phường Nghĩa Tân. Theo đó, NHCSXH hiện đang triển khai cho vay 02 chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn phường, gồm: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay nhà ở xã hội. Doanh số cho vay 8 tháng đầu năm đạt 11.040 triệu đồng với 152 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đến ngày 31/8/2022 đạt 21.259 triệu đồng với 252 khách hàng, tăng 780 triệu đồng so với đầu năm.
Với sự tham gia, vào cuộc tích cực của UBND phường, các tổ dân phố, hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn tín dụng chính sách được triển khai đến các đối tượng thụ hưởng, đảm bảo thực hiện đúng quy trình quy định. Trên địa bàn phường không có nợ quá hạn. Theo đánh giá, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến đúng đối tượng thụ hưởng của chương trình, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Hội đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn đã triển khai các công việc được NHCSXH ủy thác, ủy nhiệm theo quy trình quy định. Để nâng cao hiệu quả công tác tín dụng chính sách xã hội, phát huy ý nghĩa đồng vốn tín dụng chính sách, UBND phường cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác tín dụng chính sách xã hội như: thực hiện rà soát nhu cầu vay vốn, phân bổ nguồn vốn phù hợp với từng địa bàn khu dân cư, phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội và nhu cầu thực tiễn từng địa bàn; các tổ dân phố quan tâm và thực hiện tốt công tác bình xét cho vay, giám sát tình hình triển khai tại địa bàn mình phụ trách, nhất là tình trạng biến động về cư trú của hộ vay, hoàn cảnh gia đình, tình hình sản xuất kinh doanh của hộ vay để kịp thời báo cho Hội đoàn thể, UBND phường và Ngân hàng biết để phối hợp xử lý giải quyết theo quy định, ngăn ngừa nguy cơ thất thoát vốn của Nhà nước; các tổ tiết kiệm và vay vốn làm tốt các khâu, đảm bảo đúng quy trình theo quy định của NHCSXH, đặc biệt là khâu bình xét, lựa chọn khách hàng vay vốn đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích./.
Minh Anh
Từ khóa:
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
02-11-2024 16:33 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55