Quảng Bình: Ghi nhận kết quả trong công tác giáo dục nghề nghiệp
Năm 2020, mặc dù là năm hết sức khó khăn, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và 02 trận lũ lụt kép, tăng trưởng kinh tế của tỉnh và cả nước đạt thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, nhưng công tác giáo dục đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là công tác tuyển sinh đạt 123,3% KH (19.122 người/15.500 KH).
Ngay từ đầu năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020, Quyết định phân bổ kinh phí Dự án đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục nghề nghiệp thuộc CTMT GDNN –Việc làm – An toàn lao động, Công văn chỉ đạo thực hiện công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, Quyết định phê duyệt Kế hoạch đặt hàng đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho LĐNT tỉnh Quảng Bình năm 2020 …Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức tư vấn, tuyển sinh tại các trường THCS, THPT và các địa phương.
Để mở rộng quy mô, tạo sự đa dạng phong phú trong đào tạo, Sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động cho 01 đơn vị và đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho 5 đơn vị. Các trường Cao đẳng nghề Quảng Bình và cao đẳng KT CNN QB cũng đã đăng ký Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để bổ sung một số ngành nghề mới. Có 02 trường đã nâng cấp thành trường cao đẳng là Trường Cao đẳng Luật miền Trung và Cao đẳng Y tế Quảng Bình, hiện nay các Trường đang thực hiện xây dựng chương trình và hoàn tất các thủ tục đăng ký hoạt động đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp các ngành nghề y tế, luật.
Cùng với việc tiếp tục đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng đổi mới công tác xây dựng chương trình, giáo trình, tổ chức rà soát chỉnh sửa kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, gắn mục tiêu đào tạo, phù hợp với thị trường lao động, nên chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thanh niên xuất ngũ, lao động nữ; miễm giảm học phí, chính sách nội trú cho học sinh, sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng đã thu hút nhiều lao động tham gia học nghề. Các cơ sở đào tạo bước đầu đã thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giới thiệu việc làm cho người lao động, điển hình là trường Cao đẳng KT Công nông nghiệp Quảng Bình, trường Cao đẳng nghề Quảng Bình, trường Trung cấp Du lịch, Công nghệ số 9.
Đến ngày 31/12/2020 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh nhập học được 18.431 người/15.500 KH (đạt 118,9%KH), trong đó: cao đẳng 105 người, Trung cấp: 1.808 người, sơ cấp và dưới 3 tháng: 16.518 người (trong đó đào tạo dưới 3 tháng: 3.442 người). Có 5.293 người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg, có 1.681 học sinh tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp (được miễn học phí). Một số ngành nghề có số lượng tuyển sinh lớn như: KT chế biến món ăn, dịch vụ nhà hàng, Điện, may công nghiệp, nghề nông nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật xây dựng…
Trong năm 2020 có 15.945 người tốt nghiệp, cao đẳng 138 người, trung cấp 1.152 người, sơ cấp và dưới 3 tháng 15.024 người, Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo: cao đẳng 85%, Trung cấp 90%, sơ cấp và dưới 3 tháng trên 80%. Kết quả tuyển sinh và tốt nghiệp học nghề góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 50 %, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ: 25.7 %.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tuyển sinh vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người lao động và toàn xã hội chưa mặn mà với việc học nghề, công tác phân luồng còn chưa đạt kế hoạch đề ra, ảnh hưởng của dịch bệnh covid – 19 làm chậm quá trình tăng tưởng, nhiều doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động, nhiều lao động mất việc làm.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0 theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII và Chương trình hành động số 04-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhiệm kỳ 2020 – 2025, dự kiến năm 2021 sẽ tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp: 16.000 người (trong đó: Cao đẳng: 600 người; Trung cấp: 2.200 người; sơ cấp và dưới 03 tháng: 13.200 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,7%.
Để thực hiện được mục tiêu nêu trên cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về giáo dục- đào tạo, tạo chuyển biến nhận thức và sự đồng thuận trong nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo. Thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, đảm bảo mục tiêu phân luồng đồng thời giảm thiểu chi phí cho xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động cung - cầu của thị trường lao động; nâng cao hiệu quả của các trung tâm Dịch vụ việc làm công, sàn giao dịch việc làm.
Thứ hai: Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước với các cơ sở đào tạo nhân lực. Thực hiện cơ chế quản lý nhà nước đối với giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu cụ thể của người sử dụng lao động; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo; quản lý chất lượng tại các cơ sở đào tạo phải do chính các cơ sở chịu trách nhiệm. Rà soát, sắp xếp lại các cơ sở đào tạo theo hướng giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo; đảm bảo liên kết chặt chẽ giữa các bậc đào tạo, ngành nghề đào tạo; khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp tư thục. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách cơ chế khuyến khích về đào tạo nguồn nhân lực
Thứ ba: Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các trung tâm GDNN. Tập trung khắc phục những rào cản, bất cập về biên chế, tiền lương… để nhà giáo yên tâm công tác, thực sự tâm huyết với nghề. Có chính sách thu hút giảng viên, giáo viên giỏi, chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, đội ngũ quản lý, kỹ sư, thợ bậc cao của doanh nghiệp, các nghệ nhân tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ nhà giáo phải được xây dựng chuẩn theo quy định và thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng nghề.
Thứ tư: Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo.
Lựa chọn, đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ đào tạo các ngành nghề trọng điểm nhằm nâng cao năng lực đào tạo của các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn, xây dựng trường Cao đẳng nghề Quảng Bình trở thành trường chất lượng cao; xác định ngành nghề cần đào tạo chuyên sâu của các cơ sở đào tạo, chú trọng phát triển đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp các ngành nghề phục vụ các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn của tỉnh nhất là các ngành du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm, thủy sản, dệt may, điện,… chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng ngoại ngữ, giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tư duy sáng tạo.. giúp người lao động phát triển toàn diện, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động.
Đổi mới chương trình, phương thức tổ chức đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, theo hướng nghề nghiệp - ứng dụng, nâng cao kỹ năng thực hành, năng lực thích ứng với công nghệ mới, thực tế sản xuất và kỹ năng nghề. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới trong đào tạo và quản lý đào tạo.
Chú trọng liên kết, hợp tác với các trường đại học, học viện có uy tín và hợp tác quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo; tạo sự gắn kết giữa 3 nhà, nhà trường – nhà doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong tổ chức đào tạo, tăng cường đào tạo thực hành, thực tập nghề nghiệp tại doanh nghiệp.
Thứ năm: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm định trong giáo dục đào tạo. Thanh tra, kiểm tra để giữ vững và duy trì kỷ cương, trật tự, nền nếp, sự ổn định trong giáo dục đào tạo; đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục đào tạo như gian lận thi cử, vi phạm đạo đức lối sống trong đội ngũ giáo viên cũng như học sinh, sinh viên…
T
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48