Xã hội
Quảng Bình: Nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
08:14 AM 25/09/2020
(LĐXH) – Tổ chức gặp gỡ, động viên, tư vấn tâm lý, hỗ trợ khó khăn ban đầu, hỗ trợ học nghề, trao vốn sinh kế… là những việc làm thiết thực mà các cấp, ngành của tỉnh Quảng Bình đã làm trong thời gian vừa qua, để giúp những nạn bị mua bán trở về vượt qua khó khăn, tái hòa nhập với cộng đồng.
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh có khoảng 252 trường hợp bị dụ dỗ đi làm việc tại những cơ sở nhạy cảm ở nước ngoài, vượt biên trái phép, kết hôn có yếu tố nước ngoài hay xuất cảnh trái phép đi lao động thời vụ tại các nước Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc…
Bên cạnh đó, một số đối tượng trong và ngoài tỉnh có hành vi lừa đảo, môi giới, đưa người sang Trung quốc bị ép làm việc trái phép với mức lương rất thấp tại nhà máy, xưởng tư nhân. Ngoài ra, một số đối tượng ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị vào địa bàn Quảng Bình lợi dụng sự thiếu hiểu biết, nhu cầu cần việc làm của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng núi, lừa gạt đi lao động hưởng lương cao nhưng lại ép hành nghề mại dâm. Đây chính là những tiềm ẩn nguy cơ để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi mua bán người nhằm mục đích bóc lột tình dục, sức lao động và các mục đích khác.
Quảng Bình triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Thời gian qua, bám sát mục tiêu, yêu cầu của Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán”; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phối hợp với các Sở, ngành tích cực tuyên truyền phòng, chống mua bán người. Đồng thời, duy trì chế độ trao đổi thông tin trong tiếp nhận, thực hiện biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tập trung cao cho công tác hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu, y tế, pháp lý, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân bị mua bán trở về. Cụ thể, đã thực hiện hỗ trợ 06 điểm trên địa bàn tỉnh về trang thiết bị phục vụ cơ sở tiếp nhận ban đầu cho người bị mua bán trở về năm 2018, như: UBND xã An Thủy; Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ em xã Hiền Ninh; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; Trạm Y tế Trung Trạch; UBND phường Quảng Thuận; UBND xã Quảng Đông; UBND thị trấn Quy Đạt; UBND thị trấn Đồng Lê…; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho trên 1.700 lượt cán bộ; truyền thông nâng cao nhận thức cho trên 1.202 lượt người dân, tại các địa bàn đã từng xảy ra các vụ mua bán người; in và phát hành 110.500 tời rơi, 1.000 tờ áp phích, lắp đặt 02 cụm pano tuyên truyền về kiến thức pháp luật trong phòng, chống mua bán người; thực hiện 13 cuộc giám sát và lồng ghép giám sát với công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tại 08 huyện, thành phố.
Công tác phòng, chống mua bán người được Sở LĐTBXH lồng ghép với các chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động; tập trung chỉ đạo tổ chức quản lý chặt chẽ công tác giới thiệu việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện chặt chẽ việc cho và nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tích cực triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Trong giai đoạn 2014 - 2018, được sự quan tâm của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Tổ chức Liên minh phòng, chống buôn bán người (AAT), Đại sứ quán Anh tại Việt Nam đã hỗ trợ tỉnh Quảng Bình (trực tiếp là Sở LĐTBXH) thực hiện thí điểm mô hình “Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2014 - 2015”. Bước đầu triển khai hoạt động của Dự án đã tạo được sự đồng thuận cao của chính quyền địa phương, sự phấn khởi của những người được tham gia Dự án. Tổng số 32 người được hưởng lợi từ Dự án, trong đó có 10 nạn nhân bị mua bán trở về; 22 người có nguy cơ cao; nội dung dự án triển khai như trao vốn sinh kế cho 32 trường hợp tham gia mô hình với định mức là 10 triệu đồng/người và giúp những người tham gia hoạt động Dự án có điều kiện chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Tháng 3/2020, Sở LĐTBXH đã ký kết Văn bản thỏa thuận với Tổ chức World Vision International tại Việt Nam thực hiện Dự án “Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” tại địa bàn huyện Bố Trạch và thành phố Đồng Hới, trong khuôn khổ nội dung Dự án: Tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tái hòa nhập cho nạn nhân. Tháng 6/2020, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã triển khai ký kết Văn bản thỏa thuận với Dự án IOM “Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại” và triển khai 01 hội thảo chia sẻ kết quả, tham vấn về nghiên cứu đánh giá thị trường lao động với sự tham gia của đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Bộ, ngành liên quan và 05 tỉnh, thành phố nằm trong vùng Dự án (Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình). Nội dung chủ yếu tại hội thảo nắm nhu cầu và đánh giá thị trường lao động của tỉnh để đề xuất can thiệp phù hợp trên kết quả thực tế.
Nhờ những hành động tích cực, kịp thời, trong 05 năm qua, lực lượng chức năng đã thực hiện 100% các hoạt động trong công tác xác minh, xác định, không bỏ lọt, bỏ sót nạn nhân bị mua bán; 100% nạn nhân bị mua bán trở về đã được thực hiện các dịch vụ hỗ trợ, trợ giúp và tư vấn học nghề, tư vấn việc làm ban đầu theo quy định; 100% các trường hợp được xác định là nạn nhân đã được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định pháp luật; 100% cán bộ tham gia công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng của các xã, phường, thị trấn đã được tham gia tập huấn nâng cao năng lực về tiếp nhận và triển khai dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, giúp nạn nhân sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Có thể nói, trước tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và những nạn nhân trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tới sự trợ giúp, thì việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tạo điều kiện cho nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng là thật sự cần thiết, mang nhiều ý nghĩa lớn./.
Minh Cảnh
Từ khóa: