Quảng Ninh: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động
(LĐXH)- Trong nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động. Qua đó, số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào tỉnh có xu hướng tăng lên, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo nhiều việc làm người lao động.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 3 tháng đầu năm 2024, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 42 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, Quảng Ninh xếp ở vị trí thứ 3 về thu hút vốn FDI, chỉ sau TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới 14 dự án đầu tư (13 dự án FDI, 1 dự án DDI); điều chỉnh 11 dự án (9 dự án FDI, 2 dự án DDI), trong đó có 3 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư.
Tổng số vốn đầu tư thu hút vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trên địa bàn tỉnh tăng thêm 684 triệu USD và 959 tỷ đồng. Với nhiều tiềm năng lợi thế nổi trội, Quảng Ninh được các nhà đầu tư đánh giá là điểm đến hấp dẫn, an toàn và đang đón "làn sóng" đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, sản xuất linh kiện bán dẫn. Qua đó, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tiếp tục "mở cánh cửa” việc làm cho nhiều lao động.
Người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh.
Tính đến cuối tháng 3/2024, các KCN trên địa bàn tỉnh có 141 dự án, gồm: gồm 103 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 7.788 triệu USD và 38 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 55.112 tỷ đồng. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong KCN là 75 đơn vị (trong đó có 53 doanh nghiệp FDI); số lao động trong các KCN hiện tại khoảng 41.000 lao động (trong đó có khoảng 23.600 lao động nữ (chiếm 60,2%), số lao động ngoại tỉnh là 7.600 người, số lao động người nước ngoài khoảng 1.600 người).
Công ty TNHH Ecotextile Việt Nam thuộc Khu công nghiệp (KCN) Cảng biển Hải Hà có 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hiện Công ty chuyên sản xuất vải dệt kim với công suất hiện đạt 50 tấn sản phẩm/ngày, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến đến tháng 7/2024, Công ty tiếp tục nâng công suất sản xuất vải dệt kim lên 70 tấn/ngày và phấn đấu sản lượng trung bình cả năm 2024 đạt 100 tấn/ngày, phục vụ thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản. Với việc mở rộng sản xuất, từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty gia tăng tuyển dụng lao động mới, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Theo ông Li Zhong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ecotextile Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến nay, Công ty đã tuyển dụng mới 200 lao động, nâng tổng số lao động toàn Công ty lên khoảng 850 người. Trong bối cảnh Công ty tiếp tục triển khai dự án mở rộng nhà xưởng giai đoạn 2, dự kiến đến năm 2026 sẽ đi vào hoạt động với công suất sản xuất vải dệt kim 280 tấn/ngày, tương ứng cần khoảng 2.500-3.000 lao động. Ban lãnh đạo Công ty rất mong tỉnh Quảng Ninh và huyện Hải Hà quan tâm hỗ trợ để đơn vị tìm kiếm được nguồn nhân lực đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công nhân Công ty TNHH Competition Team Technology (KCN Đông Mai, Thị xã Quảng Yên) sản xuất các linh kiện điện tử.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các doanh nghiệp trong KCN Cảng biển Hải Hà đã tuyển dụng mới 1.570 người lao động, nâng tổng số công nhân lao động đang làm việc tại đây lên 13.597 người, phần lớn lao động là người Quảng Ninh. Các doanh nghiệp đang tiếp tục quan tâm tuyển dụng, đào tạo lao động mới, lao động thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực tại doanh nghiệp phục vụ cho kế hoạch sản xuất năm 2024.
Ông Hoàng Phi Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà, cho biết: Năm 2024, huyện Hải Hà được tỉnh giao chỉ tiêu tạo việc làm mới cho 1.400 người lao động. Hiện nay, KCN Cảng biển Hải Hà còn đang thiếu nhiều nhân lực, vì vậy, huyện tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động người dân trong huyện; phối hợp với các địa phương để thu hút lao động đáp ứng yêu cầu của KCN trong thời gian tới.
Cùng với huyện Hải Hà, trong quý I/2024, các doanh nghiệp khu vực FDI trên địa bàn thị xã Quảng Yên cũng tuyển dụng mới hàng nghìn lao động. Người lao động ở các KCN được chi trả mức lương trên 4 triệu đồng/người/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ); thu nhập bình quân đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp chấp hành nghiêm các quy định về các nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí với ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm quy định về an toàn vệ sinh lao động và pháp luật lao động của doanh nghiệp; bảo đảm các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện tốt an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, không có tình trạng doanh nghiệp nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.
Theo kết quả tổng hợp của UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh: Tổng số nhu cầu lao động năm 2024 tính đến thời điểm rà soát (tháng 2/2024) là 32.422 lao động; trong đó nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp là 22.811 người ./.
Hải Uyên
-
Nhịp sống Hà Nội trong đêm giá rét 10 độ C
16-01-2025 15:55 18
-
Nhiều cơ hội việc làm cho lao động tại Phần Lan
16-01-2025 07:52 53
-
Hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm ở Thái Nguyên
15-01-2025 19:46 48
- Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Thêm nhiều chính sách cho lao động kỹ năng đặc định làm việc tại tỉnh Mie (Nhật Bản)
- Năm 2025: Định hướng và giải pháp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long tong thực hiện nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp
- Vĩnh Long: Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền hướng dẫn chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
-
Sơn La: Hơn 22 nghìn lao động được giải quyết việc làm
13-01-2025 12:22 20
-
Tiếp viên hàng không bỏ nghề về nuôi lợn kiếm tiền khủng
11-01-2025 08:31 28
-
Đảm bảo công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội
03-01-2025 12:03 18