Quảng Ninh: Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, tăng thêm cơ hội việc làm cho người lao động
(LĐXH)- Các đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm, thực hiện kết nối cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực triển khai công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và thực hiện kết nối định kỳ hàng tháng tại các sàn giao dịch nhằm tăng thêm cơ hội về việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Năm 2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tạo ra ít nhất 20.000 việc làm tăng thêm cho người lao động. Để triển khai thành công mục tiêu này, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực vào cuộc triển khai, rà soát, tư vấn, thực hiện các hoạt động hỗ trợ việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào các hoạt động chính như: Truyền thông, nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình; hỗ trợ phát triển thị trường lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện học nghề, tìm kiếm việc làm; vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài…
Phiên giao dịch việc làm tại Sàn Giao dịch Việc làm Hạ Long.
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Quảng Ninh đã nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh giao chỉ tiêu về tạo việc làm để các địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông có trọng tâm, trọng điểm hỗ trợ về việc làm. Trong đó, lồng ghép các chính sách tuyển dụng, thu hút lao động, thông tin thị trường lao động, đặc điểm và xu thế của thị trường lao động trong và ngoài nước, các thị trường lao động truyền thống, thị trường lao động mới và các chương trình xuất khẩu lao động… Trên cơ sở đó, các địa phương đều căn cứ kế hoạch để xây dựng, ban hành các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ, giải quyết việc làm.
Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức các sàn giao dịch việc làm nhằm tăng thêm cơ hội làm việc cho người lao động trên địa bàn tỉnh cũng được tích cực triển khai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hai nhóm đơn vị có chức năng hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh thuộc Sở LĐ-TB&XH và 3 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được cấp phép hoạt động. Các đơn vị có chức năng thực hiện kết nối cung - cầu lao động thông qua công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và thực hiện kết nối định kỳ hàng tháng tại các sàn giao dịch. Đây là những kênh quan trọng, tạo điều kiện thuận tiện cho người lao động có cơ hội bình đẳng trong tìm kiếm việc làm.
Người lao động trong dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của
Công ty TNHH Điện tử Bumjin Vina (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh hiện đang thực hiện các hoạt động với hệ thống sàn giao dịch việc làm tại 4 địa phương là Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả để kết nối hỗ trợ việc làm. Đây là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp, KCN, thu hút đông đảo lực lượng lao động và các doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch việc làm lớn. Trong năm 2022, trung tâm đã tổ chức được 140 sàn giao dịch việc làm định kỳ, giới thiệu việc làm cho 4.670 người lao động. Năm 2023, chỉ tiêu giới thiệu việc làm đặt hàng qua Trung tâm là 4.618 lao động. Tính đến hết quý I năm 2023, trung tâm đã tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, thực hiện giới thiệu việc làm cho 999 lao động, đạt gần 25% kế hoạch.
Phát biểu chỉ đạo công tác giải quyết việc làm, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở LĐ-TB&XH rà soát, xây dựng đề án chi tiết để tham mưu UBND tỉnh thực hiện việc giải quyết việc làm theo mục tiêu đã đề ra trong năm 2023. Trong đó, chỉ rõ được lượng cung - cầu lao động trong năm 2023 tại các địa bàn, khu vực phát triển của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, thương mại… và các nhóm đối tượng cần giải quyết việc làm để giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương hoàn thành chỉ tiêu. Đẩy mạnh thực hiện việc thông tin truyền thông và tương tác giữa các doanh nghiệp với người lao động để thúc đẩy thị trường tuyển dụng, tăng cơ hội tạo việc làm cho người lao động và tuyển dụng đối với doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới Sở sẽ thực hiện nghiên cứu và xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động của tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp triển khai với các sở, ngành liên quan trong việc hỗ trợ, tạo việc làm. Thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút lao động, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chú trọng việc xúc tiến, quảng bá trong đào tạo nghề, xây dựng thương hiệu cho cơ sở đào tạo nghề; tăng cường hiệu quả kết nối, đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số trong việc kết nối thông tin thị trường lao động. Đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho người lao động tham gia tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đã đề ra trong năm 2023./.
Khánh Linh
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48