Xã hội
Quảng Ninh: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm
04:06 PM 27/09/2024
(LĐXH) – Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng ngừa tệ nạn mại dâm, trong đó có việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm.
Tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua liên tục được kiềm chế, không để xảy ra những điểm nóng, tụ điểm phức tạp. Tuy nhiên, do đặc thù là tỉnh có vị trí chiến lược, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại lớn của cả nước đồng thời là cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng, có tốc độ đô thị hóa nhanh, có tỷ lệ dân nhập cư đến làm ăn, sinh sống cao; chính vì vậy Quảng Ninh cũng là nơi dễ phát sinh tệ nạn xã hội, trong đó có tệ mại dâm.
Thời gian qua, UBND tỉnh, các ban, ngành chức năng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng chống tệ nạn mại dâm nói riêng. Các hoạt động tuyên truyền giáo dục, phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm được đẩy mạnh nhằm góp phần nâng cao ý thức, chuyển đổi nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương và người dân về công tác này. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 28 hội nghị tập huấn kỹ năng tư vấn, tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, ma túy, mua bán người cho 2.056 cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại 28 phường, xã, thị trấn của các huyện Tiên Yên, Đầm Hà và Ba Chẽ.
Tuyên truyền phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm. Tiếp tục duy trì hiệu quả các mô hình về phòng, chống tệ nạn mại dâm, như: Mô hình Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí; Mô hình Đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện.
Thực hiện Mô hình Hỗ trợ tăng cường năng lực của nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, trong 6 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã tiếp cận, cung cấp thông tin giảm hại, tư vấn cho 210 lượt người có nguy cơ mại dâm các kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, các nhiễm khuẩn qua đường tình dục và giảm hại HIV/AIDS; tiếp cận 135 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm thực hiện quy định của pháp luật về quản lý người lao động, đảm bảo an ninh trật tự xã hội; trực tiếp tư vấn, chuyển gửi 80 người đến cơ sở y tế xét nghiệm HIV miễn phí, xét nghiệm bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs); cấp phát 1.200 bao cao su cho người hoạt động mại dâm; mở rộng kết nối 70 thành viên mới tham gia hoạt động nhóm, câu lạc bộ. Đối với Mô hình Đảm bảo quyền của người lao động (người bán dâm) trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long, đã tiếp cận, tư vấn về quyền của người lao động cho 70 người có nguy cơ mại dâm qua zalo, chuyển gửi 20 người đi xét nghiệm HIV; mở rộng kết nối, thu hút 25 thành viên tham gia sinh hoạt/hoạt động của nhóm; cấp phát 464 bao cao su cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn thành phố Hạ Long. 
Bên cạnh đó, tỉnh còn duy trì các mô hình do các địa phương thực hiện, như: Mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống mại dâm, hòa nhập cộng đồng tại 8 xã, phường và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng tại thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và thị xã Quảng Yên, Đông Triều nhằm tạo cơ hội, hỗ trợ cho người bán dâm thay đổi hành vi, hòa nhập cộng đồng bền vững.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tập trung và đổi mới hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức các cấp, ngành trong phòng chống tệ nạn mại dâm, đặc biệt về tác hại của tệ nạn mại dâm đối lực lượng thanh thiếu niên; Tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp; cập nhật, củng cố đầy đủ cơ sở dữ liệu về phòng, chống mại dâm... nhằm thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa tệ nạn mại dâm trên địa bàn./.
Hưng Hiền
Từ khóa: