Quảng Ninh: Gắn đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm theo nhu cầu thực tế
(LĐXH)- Đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được tỉnh Quảng Ninh coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tạo việc làm ổn định, bền vững, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, Quảng Ninh đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. UBND tỉnh đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 6/3/2023 về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh; xây dựng Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 19/4/2023 về thực hiện giải quyết việc làm năm 2023 với mục tiêu tạo 20.000 vị trí việc làm mới.
Một trong những giải pháp lâu dài được tỉnh xác định là tập trung chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; trong đó đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút lao động làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.
Lớp thực hành nghề kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò tại Trường CĐ Than - Khoáng sản Việt Nam.
Trên cơ sở này, các địa phương đều chú trọng rà soát số người trong độ tuổi có và chưa có việc làm trên địa bàn; vận động người lao động đi đào tạo nghề; phối hợp chặt chẽ với các KCN, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn trong đào tạo, tuyển dụng lao động... Mặt khác, tỉnh cũng không ngừng nâng cao hiệu quả lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp; xây dựng nông thôn mới hiện đại, nông dân văn minh đồng bộ với vấn đề giải quyết việc làm; triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng giải quyết việc làm.
Đơn cử như hoạt động đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm ở huyện Bình Liêu, nhằm giúp người dân tiếp cận với cơ hội việc làm ổn định, từ đó tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang du lịch, dịch vụ, những năm qua, huyện đặc biệt quan tâm đẩy mạnh đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, gắn với nhu cầu và tình hình thực tiễn.
Năm 2022, toàn huyện có gần 100 thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề mỏ, lái xe tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức và được tạo điều kiện để làm việc trong các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Cùng với đó, trong năm 2022, huyện Bình Liêu cũng tổ chức 5 lớp nghề may công nghiệp cho 100 lao động. Sau khi tham gia vào các lớp đào tạo nghề, nhiều học viên đã đi làm tại các khu công nghiệp, trở thành công nhân trong các doanh nghiệp như Công ty May mặc Hoa Lợi Đạt.
Thực tế cho thấy, những năm qua, ngành nghề phi nông nghiệp chiếm 91,66% số lớp được đào tạo. Đặc biệt, du lịch Bình Liêu ngày càng phát triển, nhu cầu về lao động trong ngành du lịch dịch vụ tăng cao. Vì thế, các lớp đào tạo nghề về chế biến món ăn, du lịch cộng đồng không chỉ phù hợp với chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được các cấp, các ngành và người dân hưởng ứng nhiệt tình. Năm 2022, toàn huyện mở 7 lớp đào tạo nghề chế biến món ăn và phục vụ, với lượng học viên tham gia là 140 người. Người lao động sau khi học các lớp đào tạo nghề đã phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Anh Trần Ngọc Thành, 27 tuổi trú tại thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh phấn khởi cho chúng tôi biết về kết quả của quá trình tham gia đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm của mình: Sau 8 tháng tham gia lớp đào tạo nghề mỏ tại Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, anh bắt đầu công việc thợ lò tại Phân xưởng Khai thác 2, Công ty Than Khe Chàm và đến nay đã công tác được gần 3 năm. Từ ngày vào làm tại Công ty Than Khe Chàm, trung bình mỗi tháng anh thu nhập trên 15 triệu đồng. Mức thu nhập này so với thu nhập từ việc làm tự do trước đây, dao động từ 2 đến 3 triệu đồng, thì cao và ổn định hơn nhiều… Với số tiền tích góp được từ việc làm công nhân, gia đình anh dự định trong năm 2023 sẽ xây nhà mới.
Bước phát triển trong công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã và đang góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh. 6 năm liên tiếp (2017-2022), Quảng Ninh dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 72% (năm 2017) lên 85,85% (năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 40% (năm 2017) lên 47,5% (năm 2022).
9 tháng năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 28.341 lao động. Với nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, từ những nền tảng cơ bản trong quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, Quảng Ninh tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh./.
Quang Tuấn
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48