Xã hội
Quảng Ninh đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần
09:34 AM 02/12/2016
LĐXH - Thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được kết quả đáng khích lệ, góp phần tăng cường công tác quản lý người bệnh, củng cố và hoàn thiện mạng lưới chăm sóc y tế tại cộng đồng, nâng cao nhận thức của xã hội về bệnh tâm thần. Nhờ đó, nhiều người tâm thần, rối nhiễu tâm trí có cơ hội hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Các bệnh nhân tham gia hoạt động tập thể

Theo thống kê, giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Ninh có 6.511 người tâm thần, khuyết tật trí tuệ. Trong đó, có 3.273 nam, 50,26%; 3.238 nữ, 49,73%. Riêng tỷ lệ rối nhiễu tâm trí trẻ em chiếm khoảng 10%, trong đó tỷ lệ cao nhất là nhóm trẻ từ 11-16 tuổi (chiếm gần 17%), tiếp đến là nhóm trẻ 2-5 tuổi (12%)...
Thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020 (Đề án 1215), tỉnh Quảng Ninh đã tích cực truyền thông nâng cao nhận thức về sức khoẻ tâm thần, kỹ năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp xã hội cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí (RNTT). Tập trung đầu tư cho các cơ sở y tế, bảo trợ xã hội làm tốt công tác phòng và trị liệu RNTT, đặc biệt là kết hợp với bệnh viện tuyến huyện để tư vấn, trị liệu luân phiên tại cộng đồng gắn với việc cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, dịch vụ điều trị y tế cho người tâm thần, RNTT trên địa bàn đem lại hiệu quả bước đầu.
Ngoài các cơ sở điều trị như Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần; Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn; Bệnh viện Sản nhi tỉnh; Trung tâm Công tác xã hội,... tỉnh còn chỉ đạo tuyến y tế cơ sở thực hiện Dự án phòng, chống bệnh tâm thần tại cộng đồng. Tất cả người tâm thần được quản lý và điều trị tại cơ sở y tế xã/phường, được cấp phát thuốc 2 lần/tháng và hướng dẫn gia đình bệnh nhân tuân thủ dùng thuốc đúng quy định. Việc chăm sóc sức khỏe tâm thần đã được mở rộng về đối tượng, đa dạng hóa về liệu pháp điều trị. Ngoài đối tượng bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh với liệu pháp hóa dược là chủ yếu thì việc điều trị RNTT (trầm cảm, tự kỷ...) với liệu pháp tâm lý cùng với các hoạt động hỗ trợ xã hội và phục hồi chức năng cũng đã được triển khai, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu điều trị, chăm sóc người bệnh...
Tuy việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho người mắc bệnh tâm thần, RNTT  đã có nhiều cố gắng, song vẫn còn một số khó khăn do tỉnh chưa có trung tâm chuyên biệt nên số người tâm thần được chăm sóc nuôi dưỡng tập trung còn hạn chế; hạ tầng cơ sở vật chất chưa hoàn thiện; số người tâm thần có nhu cầu cần được chăm sóc và khám chữa bệnh thường xuyên, lâu dài ngày càng tăng; phần lớn đối tượng tâm thần, RNTT thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, chủ yếu sống dựa vào người thân, gia đình, họ hàng và nguồn trợ cấp xã hội hàng tháng; đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục thực hiện chăm sóc chuyên biệt đối với nhóm trẻ RNTT còn hạn chế và hoạt động trong phạm vi hẹp...
Để tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ về chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong giai đoạn 2016-2020, Quảng Ninh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu, đó là: Ban hành cơ chế chính sách trợ giúp cho người tâm thần, người RNTT (chăm sóc sức khỏe, trợ cấp xã hội hàng tháng, ưu đãi về giáo dục, dạy chữ, dạy nghề...);  Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở bảo trợ xã hội. Xây dựng Trung tâm Bảo trợ tâm thần với quy mô 200 giường bệnh. Tiếp tục nâng cấp cơ sở vật chất cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Trung tâm Công tác xã hội, hoàn thiện cơ sở vật chất Bệnh viện Đa khoa huyện Vân Đồn để nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp cho người tâm thần, người RNTT; Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác chăm sóc và phục hồi chức năng. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho nhân viên công tác xã hội, nhân viên y tế, giáo viên Mầm non và Tiểu học trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Bên cạnh đó, phát triển các cơ sở phòng và trị liệu RNTT nhằm cung cấp dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, tư vấn, hỗ trợ, điều trị cho người tâm thần, người RNTT; tư vấn, giáo dục tâm lý cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao tại cộng đồng. Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn về thủ tục, điều kiện thành lập và chuyên môn nghiệp vụ đối với các cơ sở ngoài công lập thực hiện việc nuôi dưỡng chăm sóc trẻ RNTT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tăng cường truyền thông nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và nỗ lực hành động của toàn xã hội để người tâm thần, người rối RNTT được quan tâm, chăm sóc một cách toàn diện./.
D.Anh
 

 

 

 

Từ khóa: