Xã hội
Quảng Ninh: Tập trung thực hiện công tác cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai
04:00 PM 27/09/2024
(LĐXH)-Trong giai đoạn 2022-2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo hướng dẫn, triển khai cụ thể hóa các chỉ tiêu, giao nhiệm vụ đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức cá nhân để thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021. Tổ chức kiểm tra, hướng dẫn việc triển khai tại các đơn vị, địa phương từ đó phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, tháo gỡ những khó khăn trong triển khai công tác phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện từ cơ sở.
Thực hiện công tác phòng, chống ma tuý, ngoài nguồn kinh phí hàng năm do Trung ương cấp theo Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh; và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 314/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, năm 2022, 2023, 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã bố trí tổng kinh phí ngân sách địa phương thực hiện công tác phòng, chống ma túy là gần 132 tỷ đồng, trong đó, kinh phí cấp theo: Nghị quyết số 18- NQ/HĐND ngày 12/7/2023 là 90,46 tỷ đồng (qua đó hỗ trợ toàn bộ chi phí cho người nghiện ma túy cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; hỗ trợ, động viên, khuyến khích cán bộ, nhân viên, người lao động làm công tác cai nghiện ma túy tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, các địa phương và lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh); và Nghị quyết số 314/2020/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 là 41,46 tỷ đồng (hỗ trợ triển khai các mặt công tác phòng ngừa, đấu tranh), góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh.
Người cai nghiện ở Quảng Ninh luôn được quan tâm, động viên tinh thần và chăm sóc sức khoẻ
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng ngừa người lao động từ tỉnh ngoài đến làm việc vi phạm pháp luật về ma túy trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là các địa bàn tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, các lán trại tại dự án xây dựng, các công ty than có nhiều lao động là người tỉnh ngoài ; các cơ sở kinh karaoke, vũ trường Bar, Pub, Lounge. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương triển khai cao điểm tổng rà soát, thống kê người nghiện, người sử dụng trái phép ma túy, lập hồ sơ đưa đối tượng vào Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và quản lý sau cai nghiện.  
Theo thống kê, theo số liệu thống kê, tổng số người nghiện ma túy của tỉnh Quảng Ninh tính đến ngày 14/3/2024 là 2.087 người, bao gồm: 821 người đang ở ngoài xã hội; 649 người đang ở trong Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; 617 người đang ở trong Trại tạm giam.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, công bố đơn vị, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn số 226/LĐTBXH-PCTNXH ngày 19/01/2022, Hướng dẫn số 1148/LĐTBXH-PCTNXH ngày 20/4/2022 “Hướng dẫn thực hiện công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và công tác quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh", đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức 06 lớp tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn quy trình, thủ tục, hồ sơ cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy cho 568 cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy các cấp trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên đến nay, các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh chưa có đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý trên địa bàn và chưa có tổ chức, cá nhân nào đăng ký đủ điều kiện cung cấp các dịch vụ cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng theo quy định.
Đối với công tác cai nghiện tự nguyện, từ ngày 01/01/2022 đến 14/03/2024, trên địa bàn tỉnh có 602 người đăng ký cai cai nghiện tự nguyện và 677 người hoàn thành cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh.
Đối với công tác cai nghiện bắt buộc, cũng trong thời gian từ ngày 01/01/2022 đến 14/3/2024, tổng số người nghiện được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc là  625 hồ sơ và số người cai nghiện bắt buộc mà cơ sở cai nghiện công lập tiếp nhận là 616 người, số người hoàn thành cai nghiện bắt buộc là 698 người. Cùng với đó, tổng số người quản lý sau cai nghiện ma túy từ 01/01/2022 đến 14/3/2024 là 862 người và tổng số người đang được quản lý sau cai nghiện ma túy là 383 người. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, tăng cường sự tiếp cận của người lầm lỗi, người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 27/5/2021 về đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lầm lỗi, chấp hành xong án phạt tù, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán, người đi cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng trở về địa phương giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện. Theo thống kê, đã có 575 lượt người được dạy nghề, tạo việc làm, lũy kế số được cho vay vốn là 08 người, tổng số vốn đã cho vay lũy kế là 640 triệu đồng. 
Nhìn chung, các địa phương trong tỉnh đã chủ động nắm tình hình, điều kiện hoàn cảnh thực tế, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người sau cai nghiện ma túy để tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn về chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm theo Thông tư số 44/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, lồng ghép với chương trình đào tạo nghề sơ cấp theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu 100% người lầm lỗi có nhu cầu đều được tư vấn, thông tin thị trường lao động, giới thiệu tìm kiếm việc làm. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn cũng phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh tổ chức cung cấp thông tin thị trường lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lầm lỗi theo các hình thức phù hợp (trực tiếp, tập trung, các phiên giao dịch việc làm, tư vấn qua điện thoại, trang thông tin điện tử...).
Sự quyết liệt và quan tâm chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố ở Quảng Ninh đã giúp những người từng lầm lỡ dứt hẳn với ma túy, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội, góp phần từng bước kẻo giảm và đây lùi tội phạm, tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, xây dựng “Xã, phường, thị trấn sạch ma túy”, “Huyện sạch ma túy" trên địa bàn tỉnh./.
Nhật Minh