Quảng Ninh: Trên 36.800 đối tượng bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp tại cộng đồng
(LĐXH) - Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, công tác an sinh xã hội trên địa bàn tinh Quảng Ninh đã có những chuyển biến tích cực, đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội từng bước được nâng lên.
Theo Sở Lao động - TBXH tỉnh Quảng Ninh, triển khai nhiệm vụ năm 2020 trong bối cảnh có những thuận lợi nhất định, song cũng có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có do đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trực tiếp, sâu sắc tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Tỉnh đã dự báo đúng tình hình từ xa, từ sớm; quyết tâm, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước thực hiện thành công “mục tiêu kép” với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh. Chính sách trợ giúp xã hội luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền; kết quả đạt được đã góp phần ổn định xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung, của các đối tượng bảo trợ xã hội nói riêng ngày càng nâng lên.
Chăm sóc đối tượng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh
Năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định của Trung ương (Nghị định 136, Nghị định 28 của Chính phủ) và các chính sách riêng, đặc thù của tỉnh Quảng Ninh. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tỉnh Quảng Ninh đã nghiêm túc và nhanh chóng thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chủ động ban hành và tổ chức thực hiện Nghị quyết 245/2020/NQ-HĐND ngày 31/3/2020 của HĐND tỉnh “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Đây là sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và của tỉnh Quảng Ninh giúp những người bị ảnh hưởng trong đại dịch Covid-19 vượt qua khó khăn theo đúng chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau.
Hệ thống các cơ sở dịch vụ trợ giúp xã hội công lập thường xuyên được đầu tư, nâng cấp trang thiết bị tạo điều kiện cải thiện và nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc đối tượng. Công tác đào tạo, tập huấn về trợ giúp xã hội, công tác xã hội được quan tâm hơn nên đã nâng cao một bước về chất lượng dịch vụ.
Việc tổ chức thực hiện trợ giúp xã hội có sự phối hợp chặt chẽ trong các cơ quan chuyên môn trong tham mưu đề xuất. Công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các địa phương được quan tâm. Công tác xác định đối tượng và hướng dẫn xác định đối tượng trợ giúp xã hội được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch; huy động được đại diện nhiều cơ quan, hội, đoàn thể tham gia.
Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Ninh đang thực hiện trợ giúp xã hội hàng tháng tại cộng đồng cho 36.859 đối tượng, trong đó trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng là 227 trẻ; Người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo 137 người; Người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội 14.289 người; Người khuyết tật 16.808 người... Ngoài ra, còn tổ chức nuôi dưỡng tập trung trong các cơ sở bảo trợ xã hội 145 đối tượng. Tổng kinh phí trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất trong năm 2020 được trích từ ngân sách địa phương là trên 241 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH tỉnh Quảng Ninh, trong quá trình triển khai chính sách, tỉnh gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Mức chuẩn trợ cấp còn thấp, theo quy định tại Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 thì mức chuẩn trợ cấp là 270.000 đồng; đối với tỉnh Quảng Ninh tuy mức chuẩn trợ cấp đã nâng lên 350.000 đồng (cao hơn 1,3 lần so với quy định của nhà nước) nhưng so với mặt bằng xã hội thì vẫn còn thấp, nhất là trong giai đoạn 2021-2025 chuẩn nghèo đa chiều cao gần gấp 2 lần so với chuẩn nghèo cũ; vì vậy các chế độ, chính sách bảo trợ xã hội mới chỉ bảo đảm hỗ trợ được một phần các nhu cầu thiết yếu tối thiểu trong cuộc sống của đối tượng. Thêm nữa, các chính sách bảo trợ xã hội của nhà nước và của tỉnh hiện hành mức độ bao phủ chính sách còn thấp, tổng số đối tượng hưởng trợ cấp xã hội chỉ chiếm khoảng gần 3% dân số của tỉnh. Trên thực tế thì vẫn còn một bộ phận dân cư thật sự khó khăn nhưng chưa được hưởng chính sách. Trong quá trình quản lý và khai thác hồ sơ đối tượng bảo trợ xã hội tại một số địa phương xảy ra tình trạng hồ sơ bị thất lạc, hồ sơ bị mục không sử dụng được nhưng chưa có quy định và hướng dẫn khắc phục.
Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 136/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ để các địa phương có cơ sở thực hiện và xây dựng các chương trình, kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời tham mưu ban hành cơ chế chính sách riêng của tỉnh. Đối với Bộ Lao động - TBXH có quy định và hướng dẫn khắc phục tình trạng Hồ sơ bị thất lạc, hồ sơ bị mục không sử dụng để các địa phương triển khai thực hiện./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Long Phước: Ấp Tập Phước đón nhận Khu dân cư nông thôn mới
18-11-2024 11:06 07
-
Tập huấn đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ trong cơ quan
18-11-2024 11:05 28
-
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
06-11-2024 10:25 08
-
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
15-11-2024 16:24 56
-
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
15-11-2024 16:24 46
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
15-11-2024 15:18 29