Xã hội
Quảng Trị: Huy động các nguồn lực để chăm lo cho người có công
09:29 AM 26/08/2020
Trong 5 năm qua, tỉnh Quảng Trị bám sát nhiệm vụ chính trị, đạt nhiều kết quả về an sinh xã hội, chăm lo thực hiện chế độ chính sách với thương binh, người có công, gia đình liệt sĩ…
Đánh giá về hoạt động của ngành LĐ-TB&XH tại địa phương, ông Phan Văn Linh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị - cho biết, 5 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở LĐ-TB&XH lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, đã đạt được nhiều thành quả quan trọng.
Các chỉ tiêu và mục tiêu quan trọng hàng năm về lĩnh vực an sinh xã hội đều đạt và vượt kế hoạch, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Qua đó, tổng số 10/10 chỉ tiêu trong Nghị đều đạt và vượt kế hoạch, các nhiệm vụ trọng tâm đều hoàn thành.
Các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cơ quan đảm bảo chuẩn về an ninh trật tự, xây dựng các đoàn thể chính trị xã hội đạt được nhiều kết quả, đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở lần thứ X đề ra.
LLVT tỉnh Quảng Trị vệ sinh, chăm sóc các phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9
Tỉnh Quảng Trị là địa phương có đông người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng. Toàn tỉnh có khoảng 20.000 đối tượng có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, nhiều người thuộc diện hưởng 2 chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 14.101 hộ nghèo với hơn 58.023 nhân khẩu; 11.280 hộ cận nghèo với 42.560 nhân khẩu. Đối tượng thuộc nhóm bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng khoảng 36.826 người.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, những năm qua, ngành luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hội, việc chăm lo và thực hiện chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ được đặc biệt quan tâm. Cùng với đó, phong trào “đền ơn đáp nghĩa” huy động được nhiều nguồn lực để đầu tư, xây dựng, nâng cấp, tôn tạo các nghĩa trang liệt sĩ, các công trình tri ân và chăm sóc người có công với cách mạng. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã huy động được gần 70 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nâng cấp Nghĩa trang liệt sĩ; nhận phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống. Tỉnh cũng chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể, các địa phương tìm nhiều biện pháp để hỗ trợ, giúp đỡ cho các đối tượng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Nhiều thành quả nổi bật
Theo ông Phan Văn Linh, bên cạnh việc chú trọng chăm lo các đối tượng chính sách, người có công, gia đình liệt sĩ, trên các lĩnh vực khác của ngành quản lý cũng đạt được những kết quả nổi bật.
Đáng chú ý, hoạt động giải quyết việc làm cho người lao động trung bình mỗi năm khoảng 11 ngàn người. Về xuất khẩu lao động, năm 2018 có khoảng 1.800 lao động đi xuất khẩu các nước. Riêng năm 2019, xuất khẩu lao động đi các thị trường ngoài nước đạt 2.926, cao nhất từ trước đến nay.
Chương trình giảm nghèo bền vững đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo ở vùng nghèo, các nhóm dân cư gặp khó khăn trên địa bàn. Đời sống của người nghèo được cải thiện một bước, nhận thức nâng lên, người nghèo đã được tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước. Tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5 năm là 1,77%.
Hàng năm đều vượt kế hoạch về tuyển sinh, gắn đào tạo nghề với doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho hơn 12 ngàn người.
Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo hàng năm
Sở LĐ-TB&XH đã đặt ra các chỉ tiêu kinh tế -xã hội địa phương trong giai đoạn 2021-2025, phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân năm từ 1-1,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75-80%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ trên 33%.
Số lao động được tạo việc làm mới bình quân hàng năm khoảng 12.000 lao động.
Qua đó, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đề ra nhiều nhiệm vụ chủ yếu: Phát triển theo hướng tạo lập đồng bộ các yếu tố cấu thành thị trường lao động, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án giải quyết việc làm gắn với thị trường lao động..
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thị trường, của các nhà đầu tư.
Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước với thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, gia đình liệt sĩ…
Xây dựng và thực hiện hiệu quả quy trình thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa liên thông đối với TTHC lĩnh vực người có công.
Nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, nhà ở cho người có công với cách mạng.
Tuyên truyền và phổ biến, thực hiện pháp luật về lao động. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động và hiệu quả…
T. Hương

 

Từ khóa: