Xã hội
Quảng Trị quan tâm chăm lo đời sống người có công
06:24 PM 12/07/2019
(LĐXH)- Chăm sóc người có công (NCC) với cách mạng không chỉ là đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, mang tính nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài. Chính vì thế, trong những năm qua, công tác chính sách cho NCC ở Quảng Trịluôn được quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của các đối tượng.
Tính đến tháng 6/2019, toàn tỉnh đang quản lý hơn 142.000 NCC. Trong đó, có 14.611 thương binh, hơn 3000 bệnh binh, 2.100 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, hơn 20.000 hồ sơ liệt sỹ, 2.653 bà mẹ Việt Nam anh hùng... Hàng tháng, Sở Lao động – TBXH thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi NCC qua hệ thống Bưu điện theo hướng dẫn của Bộ Lao động – TBXH cho hơn 20 ngàn đối tượng với tổng kinh phí trên 32 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị
thông tin với đoàn công tác của Bộ Lao động - TBXH
về kế hoạch xóa hộ nghèo là đối tượng NCC
Phát huy đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp, các ngành và toàn xã hội ở Quảng Trị quan tâm thực hiện, thu hút sự tham gia tích cực của nhân dân, các tổ chức cá nhân, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn trong tỉnh và ngoài tỉnh. Nhiều phong trào phát triển từ các xã, thị trấn, thôn, xóm, khối phố đã được tổng kết và nhân rộng trong phạm vi toàn huyện như: xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sỹ, xây dựng Qũy “Đền ơn đáp nghĩa”...
Chỉ tính riêng trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh vận động được hơn 9 tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa và giúp đỡ những gia đình chính sách, NCC gặp khó khăn; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng mới 95 nhà tình nghĩa, sửa chữa 10 nhà cho gia đình chính sách NCC. Đến nay, tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà ở tạm bợ cho gia đình chính sách trên địa bàn. Bên cạnh đó, hàng ngàn gia đình chính sách neo đơn, hộ chính sách thuộc diện hộ nghèo cũng được hưởng chế độ chính sách ưu đãi trong phát triển kinh tế. Sau khi sản xuất, kinh doanh thành công, thu lại lợi nhuận, các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ đó, tạo điều kiện giúp đỡ các gia đình NCC với cách mạng phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Toàn tỉnh có trên 99% gia đình có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình nơi cư trú, Quảng Trị đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ không để hộ gia đình chính sách NCC nào thuộc diện hộ nghèo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam (bên trái) cùng
Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung
thăm mẹ Việt Nam anh hùng ở thành phố Đông Hà
Nhằm thực hiện tốt chính sách NCC với cách mạng, Quảng Trị cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới những NCC đã có tuổi, già yếu, người có hoàn cảnh khó khăn... Qua đó, để mọi tầng lớp nhân dân quan tâm, có tinh thần trách nhiệm trong công tác chăm sóc, phụng dưỡng, giúp đỡ NCC với cách mạng. Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành Lao động - TBXH Quảng Trị đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thương binh, liệt sỹ, NCC và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chính sách hậu phương quân đội một cách sâu rộng đến đông đảo quần chúng nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, giáo dục thanh thiếu niên truyền thống yêu nước của dân tộc...
Ông Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, nhận xét: Để đạt được những kết quả trong công tác chăm lo đời sống cho NCC với cách mạng thì không thể không nhắc đến đội ngũ cán bộ làm công tác chính sách nói chung và chính sách cho NCC nói riêng. Họ đa phần là những người trẻ tuổi, tuy chưa có kinh nghiệm dày dặn nhưng được đánh giá là sáng tạo, nhạy bén trong tư duy. Đội ngũ cán bộ năng động, nhiệt huyết, tận tâm, tận lực trong công tác chuyên môn và luôn cố gắng, nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu các văn bản pháp luật về chính sách NCC qua các thời kỳ. Chính điều này đã góp phần không nhỏ để công tác chăm lo đời sống cho NCC trên địa bàn đạt hiệu quả cao.
Thân nhân NCC huyện Thanh Trì (Hà Nội) thăm viếng mộ liệt sỹ
tại Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị)
Trưởng phòng Phòng Người có công (Sở Lao động - TBXH Quảng Trị) Nguyễn Thế Hậu, cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng Lao động - TBXH các huyện, thị xã, thành phố trong công tác xử lý hồ sơ, đẩy mạnh các phong trào "Đèn ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn". Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình công tác chính sách NCC, từ đó nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý công việc cũng như các kế hoạch cần thiết để phục vụ tốt hơn nữa cho đời sống của các đối tượng chính sách NCC.
Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung luôn ghi nhớ công lao to lớn mà những NCC đã cống hiến, hy sinh. Sống trong hòa bình hôm nay, chúng ta vẫn luôn khắc ghi hình ảnh những người lính gian khổ, ngày đêm chiến đấu để bảo vệ chủ quyền đất nước. “Uống nước nhớ nguồn”, đạo lý khắc sâu trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt và trong tháng 7, khi ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) đang cận kề, chúng ta càng biết ơn hơn những NCC với đất nước. Và mong rằng, mọi nỗ lực, cố gắng của toàn thể chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục là chỗ dựa tinh thần và vật chất vững bền cho NCC với cách mạng.

Chí Tâm

 

Từ khóa: